Tàu trật đích, thuyền trưởng vẫn là thuyền trưởng
Một trong những nhiệm vụ chính của Thanh tra Chính phủ đưa ra trong năm 2014 sẽ là tập trung thanh tra trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn đầu tư, quản lý nợ công, tạm nhập tái xuất... Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá thế nào về chủ trương này?
Thông điệp năm 2014 của Thanh tra Chính phủ như vậy là rất đáng hoan nghênh, đáng trân trọng. Nhiều năm trước đây, khi tôi làm thì cũng đã nghĩ đến chuyện đó, nhưng lại chưa làm được hoặc làm được rất ít. Nếu chủ trương chung mà tổ chức làm được điều đó sẽ thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước, thể hiện vai trò trách nhiệm của cơ quan công quyền. Rồi chấn chỉnh lại bộ máy công bộc cho phù hợp tương thích với dân, với mục tiêu chiến lược mà chúng ta đang hướng tới. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ lớn, có làm được không thì lại là vấn đề khác.
Ông còn băn khoăn gì?
Ý tưởng tốt nhưng năng lực thực sự, trách nhiệm của cán bộ, quyền, công năng của cán bộ trong công việc ấy đến đâu, có làm nổi không, thì lại là câu chuyện phải bàn dài dài không hồi kết. Tôi chưa nhìn thấy triển vọng tốt trong vấn đề đó.
Đơn giản như muốn thanh tra trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì phải có quy chuẩn rất đầy đủ thế nào là bộ trưởng, thế nào là chủ tịch tỉnh. Họ có quyền gì, nhiệm vụ gì, được làm gì, không được làm gì. Khi họ sai ở mức độ nào thì cách chức, sai ở mức độ nào thì lòng tự trọng sẽ thúc đẩy họ từ chức. Phải có những tiêu chuẩn đó, chứ hiện nay ta chưa có, hoặc có mà chưa rõ ràng, quá mờ nhạt, thì tất cả những quy định để thanh tra kiểm tra đó cuối cùng cũng chỉ là chủ trương.
Theo ông thì những vị trí quan trọng như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì phải đảm đương được nhiệm vụ gì, điều gì là không thể chấp nhận được?
Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, nói một cách hình ảnh đó chính là những thuyền trưởng. Họ không chỉ là người cầm lái mà còn phải chỉ đạo được các cơ quan phía dưới, các thủy thủ của họ làm việc. Họ phải hướng được con tàu đến đích. Nhưng khi tàu bị trật đích, tàu chậm giờ, tàu đắm... thì họ không thể là thuyền trưởng được nữa chứ. Thế nhưng mà họ vẫn lên bờ, họ vẫn là thuyền trưởng. Thế là không được rồi.
|
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Đây là chủ trương chung!
Nếu các yếu tố về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ ràng thì trách nhiệm nếu có sai phạm sẽ thuộc về ai?
Nên khi chưa xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của những người đứng đầu ngành, cấp tỉnh thì thanh tra họ chỉ là kiểm tra sai phạm của họ trong thực hiện đường lối, trong các vi phạm cụ thể về mặt này mặt khác như tài chính, đạo đức lối sống... chứ chúng ta không thể làm được gì lớn hơn. Bởi việc gì họ cũng sẽ bảo đây là đường lối, chủ trương chung.
Ở những vị trí lãnh đạo vừa nêu rõ ràng ta đã quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn?
Ta chưa có những tiêu chuẩn cụ thể để bổ nhiệm các vị trí này. Đa phần là chỉ dựa trên yếu tố đạo đức lối sống tốt, trình độ chính trị, thông qua cơ quan nọ cơ quan kia giới thiệu... Đa phần những tiêu chí ấy còn rất trừu tượng. Các tiêu chuẩn có chút cụ thể thì là tiêu chuẩn về bằng cấp, lớp học, nhưng nó không phản ánh được tài năng và đạo đức. Đấy là chưa kể có những chứng chỉ chưa thực sự trung thực đâu. Nhưng ngay cả khi đã có đủ các yêu cầu đó thì chưa chắc đã là một thuyền trưởng giỏi.
Vậy điều gì nói lên khả năng thực sự của những người ở vị trí đó?
Ta phải có các quy định cụ thể cho các chức vụ lãnh đạo là cái gì, sau đó mới đối chiếu được vào nhiệm vụ cụ thể làm đến đâu. Một chủ trương chung được cụ thể hóa như thế nào, thể hiện chức trách của vị lãnh đạo đó như thế nào... Một ví dụ như bổ nhiệm sai một đồng chí vụ trưởng, vị bộ trưởng sẽ bảo rằng cái này là tập thể Ban cán sự Đảng thông qua rồi, các bộ ban ngành xem xét rồi. Quy trình rất chuẩn rồi, thế nhưng vẫn có cái sai.
Càng chức vụ cao thì càng khó
Nhiều sự việc xảy ra, dư luận bất bình là những người đứng đầu ngành, địa phương lại không có trách nhiệm, không liên đới?
Thực ra thì cũng đã có những sự việc ta đã chỉ ra sai phạm, trách nhiệm, nhưng xử lý đến mức độ nào thì còn phải xem xét. Một quyết sách không đúng, một sự đồng ý không đúng, một cái gật đầu không đúng... có thể mất rất nhiều tiền nhà nước.
Cái khó nhất trong việc quy trách nhiệm với những vị trí quan trọng này như thế nào?
Thể chế hành chính nhà nước chưa rõ ràng. Trong hành chính nhà nước phải xác định mối tương quan giữa các cấp với nhau, đi cùng nó là vai trò trách nhiệm của cá nhân phụ trách cơ quan đó như thế nào. Khi mà chưa rõ ràng thì chưa thể làm được cái gì cả.
Chắc hẳn những vụ việc càng liên quan đến người có chức vụ cao thì càng khó làm?
Đương nhiên là thế, nếu ta làm không chuẩn thì ảnh hưởng đến uy tín của người đó, thì ta sẽ phá hoại bộ máy của chính ta. Vì thế mà phải thận trọng, làm cho đúng, nắm hết các thông tin cần thiết. Mà càng ở vị trí cao thì việc nắm bắt các thông tin này càng khó khăn. Nếu làm sai lệch hồ sơ, trách nhiệm thì ảnh hưởng đến cả bộ máy hoạt động.
Phải chăng ta còn e dè quá, sợ trách nhiệm quá, nên vẫn chưa thể quyết liệt?
Không phải thế. Nhiều cơ quan thanh tra đã làm quyết liệt nhiều việc, chỉ có điều đưa cái kết luận ấy đi đến cùng của chân lý thì lại là vấn đề khác. Sợi chỉ nhiều khi không đi qua lỗ kim được, nhưng con lạc đà có thể chui ngay lập tức qua lỗ kim được. Đó là thực tế mà ta phải chấp nhận.
Thanh tra cũng là người bằng xương thịt!
Vừa rồi có dư luận đặt câu hỏi về tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng, ông nghĩ gì về điều đó?
Thanh tra thì cũng là người bằng xương bằng thịt chứ có làm bằng đồng đâu. Thế nên là đã có những vị thanh tra phải vào tù rồi. Nên đừng hỏi câu đó.
Vấn đề là trong thanh tra mà có tham nhũng thì chống thế nào được tham nhũng?
Thì biết làm thế nào ngoài việc phấn đấu loại bỏ dần dần những con người đó ra khỏi bộ máy. Ông cán bộ văn phòng thanh tra cũng có quyền xem xét đơn thư khiếu nại tố cáo, có quyền thúc đẩy các vụ việc, ông ấy biết địa chỉ A địa chỉ B, có khi ông ấy làm riêng. Chuyện đó là có chứ. Hoặc chức trách đến mức độ này nhưng lại làm đến mức độ kia. Nhưng phải chỉ rõ, chứ nếu chỉ nói chung chung thì ném cát bụi tre, trúng đấy nhưng lại chẳng trúng vào đâu cả.
Thanh tra mà cũng tiêu cực thì người dân biết tin vào đâu?
Thanh tra có tiêu cực nhưng không phải ai cũng tiêu cực. Ngành nào lĩnh vực nào cũng có sai sót, nhưng phần lớn vẫn là những người tốt, tận tụy làm việc.
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu thanh tra trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch tỉnh là rất tốt, nếu thực hiện được thì quá tốt, nhưng tôi vẫn có thấy những băn khoăn. Tôi không dám cản, nhưng nếu đập bóng mà bóng không đi, nó cứ luẩn quẩn ở chân mình thì để làm gì. Khi tôi làm vụ lòng hồ Trị An, tôi chỉ rõ khuyết điểm của đồng chí A, đồng chí B, nhưng các đồng chí ấy lại còn đi xa, lên cao hơn nữa. Khi đó, ông cầm đầu một cơ quan cấp tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ mà sai phạm xảy ra trong tỉnh mình mà mình lại không có lỗi gì là vô lý. Nên trong việc này, ta có quyền hy vọng nhưng không phải không có quyền nghi ngờ.