Vụ việc chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong khi phẫu thuật tại Thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng, sau đó bị ném xác xuống sông Hồng phi tang gây rúng động dư luận, đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng cung cấp chiều 22/10, chị Huyền được các bác sĩ, nhân viên tại Thẩm mỹ viện Cát Tường làm phẫu thuật hút mỡ nâng ngực. Trước khi làm phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành gây mê lúc 12h ngày 19/10, đến 16h cùng ngày thì phẫu thuật xong. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có những biểu hiện như co giật.
|
Thẩm mỹ viện Cát Tường nơi chị Huyền đến làm phẫu thuật và bị tử vong
|
Tuy nhiên, vào khoảng 17h40 cùng ngày, chị Huyền bị tím tái, sùi bọt mép, nên nhân viên đã báo cho BS bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, GĐ Trung tâm. BS Tường tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu nhưng chị Huyền đã tử vong.
Nguyên nhân chính thức gây nên cái chết chưa được công bố, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, rất có thể chị Huyền tử vong do sốc thuốc gây mê khi tiến hành phẫu thuật.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Kiến thức đã có cuộc trao đổi với bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện 103, Hà Nội (xin được giấu tên theo yêu cầu bác sĩ).
Theo vị bác sĩ này, trong quá trình phẫu thuật, gây mê là một khâu rất quan trọng. Nói về thuốc gây mê, bác sĩ cho biết: “Bất kể loại thuốc gây mê nào cũng có những tác dụng phụ, nhất là sốc phản vệ. Tuy nhiên, tác dụng phụ cũng tuỳ vào từng loại thuốc, vì có một số thuốc có chứa hàm lượng độc tố nhất định. Vì thế, tỷ lệ gây ra tác dụng phụ giữa các loại thuốc cũng khác nhau”.
Về sốc phản vệ do thuốc gây mê, bác sĩ khẳng định: “Sốc phản vệ do thuốc gây mê rất dễ dẫn đến tử vong đối với bệnh nhân. Đặc biệt là sốc phản vệ xảy ra ở nhà hoặc phòng khám”.
|
Sốc phản vệ rất dễ bị tử vong. Ảnh minh hoạ
|
“Khi bị sốc phản vệ, tính mạng con người chỉ được tính bằng phút, nếu không phải ở những bệnh viện tuyến trên, không có những bác sĩ giỏi về chuyên môn hồi sức, không có máy móc hiện đại can thiệp thì rất khó cứu chữa”, vị bác sĩ này cho biết.
Vì thế, việc sử dụng thuốc gây mê cho từng đối tượng bệnh nhân là vô cùng quan trọng, bởi sốc phản vệ không phụ thuộc vào liều lượng mà phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Nếu cơ địa của bệnh nhân có phản ứng với thuốc thì chỉ cần một liều lượng rất nhỏ cũng có thể bị sốc phản vệ.
Ngoài ra, sốc phản vệ cũng tuỳ thuộc vào từng loại thuốc, bởi có nhiều loại thuốc gây mê khác nhau, có người có thể sốc khi sử dụng loại thuốc này, nhưng lại an toàn với thuốc khác. Chính vì thế, các bác sĩ gây mê khuyến cáo, việc thăm khám và thử phản ứng đối với bệnh nhân trước khi gây mê để phẫu thuật là điều cực kỳ quan trọng; chỉ cần xảy một li là đi cả một mạng người.