Hai năm trở về trước, nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh. Nhiều hộ đã đổi đời và trở thành “đại gia” nhờ nuôi rắn, mua sắm được nhiều tài sản quý giá và xây cất nhà lầu... Nhưng giờ đây, nhiều nhà phải đóng cửa chuồng, có chăng là chỉ nuôi cầm chừng.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
|
Nhà nhà nuôi rắn
Nghề nuôi rắn hổ mang ở Tứ Xã xuất hiện hơn 15 năm nay. Từ chỗ chỉ có vài hộ nuôi với quy mô nhỏ, đến nay cả xã đã có hơn 400 hộ nuôi ở tất cả 22 khu dân cư. Phần lớn mỗi hộ nuôi khoảng 100-200 con, một số hộ nuôi số lượng lớn từ 400-500 con.
Anh Lê Quang Sử, người đầu tiên mang rắn về Tứ Xã nuôi đã khiến cả làng chú ý, trong đó không ít dị nghị rằng “rước họa về làng”. Bỏ qua điều tiếng, anh lùng sục khắp nơi tìm rắn về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, mẻ rắn đầu tiên của anh đã đạt tiêu chuẩn để bán, thu về cả trăm triệu đồng. Tiền giống không mất, thức ăn kiếm được (chủ yếu là cóc), dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, rắn của anh Sử được gọi bằng một cái tên hoa mĩ là “thần tài”. Lúc cao điểm nhất, anh Sử nuôi tới 500-600 con.
Thấy được lợi nhuận mà con rắn đem lại, nhiều người trong làng cũng đổ xô đi mua rắn giống về nuôi. Nhiều hộ đã trở thành “đại gia” của xã. Ông Nguyễn Hữu Thủy, khu 1, vui vẻ cho biết: Gia đình tôi làm nghề này từ năm 1996 và là một trong những hộ sớm nuôi rắn ở Tứ Xã. Năm đầu tiên tôi nuôi 50 con, thấy có thu nhập cao nên tôi quyết định nuôi nhiều hơn theo từng năm.
Đến nay tôi nuôi 300 con, mỗi năm trừ chi phí thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Thủy cho biết thêm: Nuôi rắn mất ít công sức, không phải chịu nắng mưa như các nghề khác. Rắn được nuôi ở trong nhà không tốn nhiều diện tích. Mỗi con một chuồng xây bằng gạch có kính thước: dài 50cm, rộng 30cm, sâu 40cm. Từ lúc rắn mới nở đến khi nặng khoảng 2kg, thời gian nuôi gần 2 năm. Thức ăn cho rắn chủ yếu là cóc và chuột tùy theo rắn to hay nhỏ mà cho ăn từ 3%-5% so với trọng lượng của rắn.
Trước đây, giá bán rắn thịt khá cao do nhu cầu không chỉ của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất sang Trung Quốc. Chính vì vậy nuôi rắn đã trở thành nghề làm giàu cho người dân ở Tứ Xã. Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề nuôi rắn ở đây được coi là nghề có triển vọng và thực sự con rắn đã mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã.
Cách đây 2 năm, sản lượng rắn của xã đạt khoảng 50 đến 70 tấn, trị giá hơn 60 tỷ đồng (bình quân gần 1 triệu đồng/kg rắn thương phẩm), trừ chi phí người chăn nuôi thu lãi khoảng 30 tỷ đồng". Nhưng giờ đây, nghề nuôi rắn ở Tứ Xã bắt đầu đi xuống do các lái buôn ép giá, đặc biệt giá rắn giống cao. Bình quân 1,2 triệu đồng/kg rắn giống, trong khi đó giá rắn thịt khi bán ra tại thời điểm hiện tại chỉ 500-600 ngàn đồng/kg, khiến nhiều người dân lao đao, thậm chí có những hộ bỏ chống chuồng…
Rắn rớt giá, cả xã “sập” hầm
Trở lại Tứ Xã trong những ngày nắng gắt của mùa hè, cái nóng oi ả lại càng hâm thêm độ nóng bởi những câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ của những người dân nơi đây. Từ đầu xã đến cuối xã, người dân bàn tán xôn xao chuyện “sập” hầm rắn. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng khu 2 tâm sự: Cả khu có 85 hộ thì có tới 63 hộ nuôi rắn, bình quân mỗi hộ chỉ nuôi 100 đến 150 con, giảm hơn một nửa so với trước đây do giá rắn xuống thấp, mọi chi phí cao…
Ông Thành so sánh, trước năm 2011, mỗi kg rắn luôn có giá trên 1 triệu đồng, nhưng giờ giá bán ra đỉnh điểm chỉ vào khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Ngay như nhà ông Bùi Đình Viên, Phó Trưởng khu 2, anh Bùi Văn Tường, ông Xuân, ông Phán… trước đây nuôi 300-500 con, giờ cũng phải giảm số lượng xuống còn 1/2, thậm chí như hộ anh Phạm Tiến Tư đã phải đóng cửa chuồng. Nhìn chuồng rắn trở thành bãi để đồ thừa, vật liệu xây dựng… nhiều người dân xót xa, nuối tiếc.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phó trưởng khu 2 Bùi Đình Viên nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “sập” hầm rắn của xã. Ông Viên cho biết: Chu kỳ nuôi rắn thịt phải mất đến hơn 1 năm mới đạt trọng lượng từ 2kg/con trở lên, nếu bán giá thấp (500.000-600.000 đồng/kg) như thời điểm hiện tại thì sẽ lỗ to. Trong khi giá thức ăn cho rắn liên tục tăng do nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó, để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống, thức ăn cho rắn… thì cũng phải mất khá nhiều tiền. “Nếu như trước đây, khó vay vốn, lãi suất cao, nhưng dư nợ ở khu 2 cũng lên đến hơn 7 tỷ đồng, nhiều người vẫn muốn vay vốn đầu tư do rắn được giá. Còn hiện tại, ngân hàng khuyến khích vay nhưng do rắn không bán được, giá thấp, chi phí cao, nên người dân không còn thiết vay nữa. Nếu kéo dài tình trạng này, nghề rắn ở Tứ Xã sẽ có nguy cơ “sập” hầm, ông Viên chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đứng trước khó khăn hiện nay, chủ trương của xã là chưa phát triển rộng quy mô, mà cố gắng giữ ổn định số hộ đang nuôi đồng thời tích cực tìm đầu ra. Nếu có chuyển biến tích cực, xã sẽ tiếp tục mở rộng số hộ nuôi. “Do giá rắn bán ra quá thấp mà chi phí tổng hợp từ khi mua rắn giống đến khi bán rắn thương phẩm lại quá cao, nên hầu hết người dân trong xã đã tự giảm nuôi tới hơn một nửa số lượng so với trước đây; nhiều hộ đã bỏ trống chuồng. Đây cũng là vấn đề nan giải, xã cũng đang cố gắng tìm cách tháo gỡ…” ông Toàn chia sẻ.
Nuôi rắn là hướng đi mới, tích cực trong việc phát triển thêm các ngành nghề cho người nông dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu. Đây là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao, một hướng đầu tư dễ thực hiện. Tuy nhiên, để có thể phát triển ổn định, lâu dài và bền vững nghề chăn nuôi đặc sản này, cần phải có một chiến lược dài hạn, nhất là trong việc tìm thị trường tiêu thụ, để không bị phụ thuộc, ép giá. Hy vọng khó khăn đối với người nuôi rắn ở Tứ Xã sẽ sớm qua đi để sản phẩm rắn Tứ Xã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường, mang lại cuộc sống ấm no cho người nuôi rắn.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: