Sự việc tuổi thật của cầu thủ bóng đá Nguyễn Công Phượng đang khiến dư luận bàn tán ồn ào thời gian qua và chưa hề có dấu hiệu dừng lại khi chương trình Chuyển Động 24h (CĐ 24h) của VTV liên tục xới sự việc lên.
Đọc báo chí và các trang tin, mạng xã hội, diễn đàn nhiều ngày nay, có thể thấy, dường như chương trình CĐ 24h càng đi sâu vào việc này thì lại càng nhận được sự phản ứng dữ dội, gay gắt của khán giả. Và một điều đáng chú ý là ngay cả những người ủng hộ sự trung thực trong thể thao, cần có kết luận chính xác về tuổi của Công Phượng thì cũng không đồng tình với cách làm của CĐ 24h.
|
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Nhìn nhận về việc CĐ 24h đưa tin về tuổi tác của Công Phượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông một số luận điểm cho thấy ông không ủng hộ cách làm của CĐ 24h về vấn đề tuổi tác của Công Phượng.
Được sự cho phép của ông Đỗ Quý Doãn, Kiến Thức xin đăng nguyên văn chia sẻ của ông về vấn đề này.
Được biết các cơ quan chỉ đạo thông tin đã có ý kiến chính thức về việc (CĐ 24h) đưa vấn đề tuổi tác Công Phượng trong thời gian qua. Trên báo chí, mạng xã hội đã có nhiều bài viết sâu sắc, phân tích có lý, có tình vấn đề này. Tôi nghĩ, qua vụ việc này chắc chắn sẽ có nhiều bài học được rút ra để mọi người cùng suy ngẫm. Cứ tưởng sau khi có rất nhiều ý kiến, kể cả chỉ đạo của người có trách nhiệm, kể cả phản ứng xã hội, CĐ 24h sẽ bình tâm xem lại toàn bộ... nhưng họ còn tiếp tục đưa về người anh đã mất và sau đó có vị suy diễn về bia mộ người anh của Công Phượng thì những người thờ ơ nhất cũng không thể chịu đựng nổi...
Chưa kết luận vụ việc đúng sai thế nào hôm nay, điều đó sẽ có các cơ quan chức năng trả lời, tôi chỉ đưa ra hai điểm để phân tích về nội dung chương trình trên CĐ 24h vừa qua.
|
Ảnh chụp màn hình trang Facebook cá nhân của ông Đỗ Quý Doãn. |
Về tính mục đích: Một bài báo, một chương trình trên phát thanh truyền hình đều hướng tới mục đích cơ bản là đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho nhu cầu của công chúng, mặt khác nó còn mang mục đích giáo duc, định hướng nhận thức, thẩm mỹ... cho công chúng. Nói chung là lấy công chúng làm đối tượng phục vụ và với mục đích vì công chúng. Không có công chúng chắc chắn sẽ không tồn tại báo chí, phát thanh truyền hình.
Thế mà khi CĐ 24h đưa lên chương trình vụ việc Công Phượng, hầu hết công chúng đều bất bình, phản ứng (chưa có điều tra xã hội học về tỷ lệ người phản đối nhưng đọc báo chí và thông tin mạng có thể cho chúng ta thấy điều đó).
Như thế, thử hỏi tính mục đích của chương trình này là gì? Những phản ứng của xã hội vừa qua mà ai cũng thấy được đã nói lên một điều là tính mục đích của CĐ 24h khi đưa vụ việc Công Phượng đã thất bại vì mất công chúng.
- Về phương pháp: Có thể nói ngay rằng những người làm chương trình đã dùng phương pháp tiền chủ định (mang những chủ định trước để tiếp cận) do đó sẽ mất đi tính khách quan. Thông tin gì, hình ảnh nào, lời nói nào... phù hợp với chủ định từ trước của mình thì đưa vào còn những cái gì không phù hợp thì cắt bỏ. Thú thật lúc đầu tôi cũng nghĩ những người làm chương trình do say sưa sự kiện nên quá đà nhưng khi xem các phỏng vấn, hình ảnh, rồi việc đưa ngày sinh người anh đã mất của Công Phượng... càng thấy rõ hơn phương pháp làm của CĐ 24h là tiền chủ định.
Với mục đích và phương pháp như trên ,chắc chắn mỗi người đều có kết luận cho riêng mình để nhìn nhận việc làm của CĐ 24h. Lúc này, tôi nghĩ rất cần tiếng nói của VTV để xử lý khủng hoảng thông tin CĐ 24h và để làm an lòng công chúng.