Những lộn xộn quanh chuyện phạt mũ bảo hiểm rởm

Google News

(Kiến Thức) - Việc ra quy định phạt rồi lại không phạt người dân đội MBH rởm khiến uy tín của cơ quan chức năng ít nhiều bị giảm "nhiệt".

Vừa qua, thông tin từ 1/7 sẽ xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm đã khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc đã lại xuất hiện thông tin đính chính ngay là không xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm khiến người dân không biết đường nào mà lần.
Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Trước đó, tôi vô cùng bất ngờ khi báo chí đưa tin từ ngày 1/7/2014, người tham gia giao thông trên cả nước sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, theo các cơ quan chức năng là căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Song, trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định, người tham gia giao thông chỉ có thể bị xử phạt với 2 hành vi: “không đội mũ bảo hiểm” và “đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định” chứ hoàn toàn không có quy định gì về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Vậy tôi nghĩ các cơ quan chức năng đính chính lại thông tin không xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là đúng luật.
 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây đã không còn là xử phạt hay không xử phạt nữa, mà là việc quản lý và đưa ra các chính sách của các cơ quan chức năng. Không hiểu vì sao Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã có từ trước và quy định rõ như vậy rồi mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại ra chỉ thị từ 1/7 sẽ xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Như vậy liệu có phải cơ quan quản lí đã không tìm hiểu kỹ luật, để dẫn đến tình trạng luật nọ “đá” luật kia, rồi lại phải đính chính thông tin?”.
Theo TS xã hội học Trịnh Văn Tùng, việc người dân mua phải mũ bảo hiểm rởm, họ đã là nạn nhân, bây giờ cơ quan chức năng lại phạt họ vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm thì thật không hợp lý. Thiết nghĩ đây chỉ là cách giải quyết từ ngọn, cơ quan chức năng cần giải quyết tận gốc, từ khâu sản xuất, nhập khẩu tới kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, việc này là không phải dễ, nhưng không có nghĩa cứ việc gì khó lại đổ hết lên đầu dân.
Luật sư Nguyễn Hồng Quân thì lại cho rằng, việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm không phải là cách giải quyết từ ngọn, mà đây mới là cách “triệt hạ” mũ bảo hiểm rởm hiệu quả nhất. Khi người dân dùng mũ rởm mà bị phạt thì họ sẽ không dám mua nữa, như vậy nhu cầu với mặt hàng này sẽ về 0. Khi nhu cầu không còn thì nguồn cung cũng khắc biến mất. Không ai dại gì sản xuất, nhập khẩu, buôn bán mũ rởm khi mà không người nào dám mua.
“Như vậy, cách xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là cách nhanh, đơn giản và hiệu quả nhất. Thế nên, ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn ủng hộ việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Thứ nhất, việc này có thể làm chấm dứt tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm rởm tràn lan hiện nay. Thứ hai có thể giúp người tham gia giao thông an toàn tính mạng hơn. Không phải cứ người tiêu dùng nào mua mũ bảo hiểm rởm cũng trở thành nạn nhân, bởi ngoài một số người không phân biệt được hàng thật, hàng rởm thì có không ít người vẫn biết đó là hàng rởm nhưng vì giá thành rẻ (chỉ khoảng 25.000 – 50.000 đồng/chiếc), mẫu mã, màu sắc thời trang, gọn nhẹ... nên cứ mua, dù đội loại mũ này không bảo đảm an toàn khi lưu thông.
Tuy nhiên, trước khi ra quy định xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm thì các cơ quan chức năng phải ra văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể như thế nào là mũ rởm và phổ biến rộng rãi để người dân phân biệt được. Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung những điều luật cũ liên quan tới vấn đề này để cho đồng bộ, nhất quán”, luật sư Quân nêu quan điểm.
Minh Hiếu

Bình luận(0)