Nhà Dương Chí Dũng có đủ tiền bồi thường để thoát án tử?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu Dương Chí Dũng bồi thường đủ tiền thì bất động sản của Dũng sẽ được hủy bỏ kê biên và có thể bán lại cho người khác được.

Nhiều người đang băn khoăn liệu gia đình Dương Chí Dũng có bồi thường tiền để Dương Chí Dũng thoát án tử hình? Nếu quyết định bồi thường thì liệu gia đình Dương Chí Dũng có đủ khả năng huy động một lúc 5 – 10 tỷ đồng khi nhiều tài sản của Dương Chí Dũng đã bị kê biên, anh em, người thân thì cũng đã dính vòng lao lý.
Theo nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả.
Đây là nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999. Cho đến nay, nghị quyết này vẫn còn hiệu lực.
Dương Chí Dũng vẫn còn nhiều khả năng thoát án tử hình.
Trong bản án chiều ngày 16/12, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”.
Bản án nêu rõ: Thông qua việc cố ý làm trái, Dương Chí Dũng và một số đồng phạm đã tham ô hơn 28,2 tỷ đồng - cá nhân bị cáo đã tham ô 10 tỷ đồng.
Bản tuyên án Dương Chí Dũng áp dụng điểm a , điểm b khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Nghị quyết 01 nêu rõ: Ở tội danh Tham ô tài sản theo điểm a, điểm b khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự có nêu: “Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Người phạm tội được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
Tuy nhiên, trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ hay không, Nghị quyết 01 vẫn có thể cứu Dương Chí Dũng nếu người nhà của bị cáo tự giác bồi thường số tiền tham ô (10 tỷ đồng).
Nếu bồi thường được 1 nửa (tức 5 tỷ đồng), mức án sẽ là Chung thân.
Nếu bồi thường được toàn bộ (10 tỷ đồng), mức án có thể được giảm xuống án tù có thời hạn.
Khả năng xảy ra tình huống này rất cao. Mặc dù Dương Chí Dũng không nhận tội nhưng gia đình ông vẫn có thể tự giác mang tiền đến cơ quan chức năng nộp để khắc phục hậu quả. Với khối tài sản có được trong những năm làm Chủ tịch Vinalines, số tiền 5 tỷ hay 10 tỷ đồng có lẽ không phải là điều gì đó quá khó với Dương Chí Dũng và gia đình. Đấy là chưa kể đến tài sản đã kê biên của Dương Chí Dũng hoàn toàn vượt quá số tiền này (1 căn nhà của vợ và 2 căn hộ mua tặng bồ).
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, khả năng gia đình Dương Chí Dũng huy động một lúc từng ấy tiền vào thời điểm này là không phải dễ. Ai cũng biết Dương Chí Dũng có rất nhiều tiền và nhiều tài sản, nhưng quá trình bỏ trốn truy nã ra nước ngoài cho đến nay thì chắc cũng hao hụt nhiều. Còn các bất động sản của Dương Chí Dũng thì đang bị kê biên nên không thể bán được. Đấy là chưa nói Dương Chí Dũng còn khai để lo lót cho vụ đại án này, Dũng đã chi ra hàng trăm nghìn USD hối lộ nhiều quan chức. Chưa biết lời khai này thực hư như thế nào, nhưng nếu đây là sự thực thì có lẽ tài sản của Dương Chí Dũng đã “đội nón ra đi” không ít từ khi Dũng được “đánh động” tin bị khởi tố đến lúc hầu tòa.
Một căn hộ tại tòa nhà này là một trong những bất động sản của Dương Chí Dũng đang bị kê biên. 
Có người nêu ý kiến rằng, nếu thiếu tiền, gia đình Dương Chí Dũng có thể đi vay thêm để nộp tiền bồi thường nhằm thoát án tử. Sau đó, sau khi các bất động sản được hủy bỏ kê biên, gia đình có thể bán đi để trả nợ.
Nhìn nhận tính khả thi của ý kiến này, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, cho hay, về tài sản của Dương Chí Dũng và người thân bị kê biên, theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Có thể hiểu việc kê biên này là nhằm mục đích đảm bảo thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự. Và cũng theo điều này thì khi xét thấy việc kê biên không còn cần thiết nữa thì người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ lệnh kê biên.
"Do vậy, nếu Dương Chí Dũng thực hiện đầy đủ toàn bộ trách nhiệm dân sự của mình đã được tuyên trong bản án (bao gồm cả trách nhiệm dân sự đối với tội tham ô và tội cố ý làm trái) thì việc kê biên được coi là không còn cần thiết nữa và toàn bộ lệnh kê biên sẽ bị hủy bỏ. Trường hợp mà mới chỉ thực hiên được 1 phần trách nhiệm dân sự thì cơ quan tố tụng sẽ xem xét đối chiếu giữa phần trách nhiệm dân sự còn lại tương ứng với giá trị của những tài sản nào để tiếp tục kê biên, còn phần giá trị tài sản vượt quá phần trách nhiệm dân sự mà Dương Chí Dũng còn phải thực hiện sẽ được hủy bỏ", Luật sư Thạch phân tích. 
Dương Chí Dũng ngoài mức án tử hình còn chịu án 18 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Giả sử, Dương Chí Dũng được giảm án xuống Chung thân thì mức án cao nhất bị cáo này phải chịu là mức án Chung thân, chứ không có chuyện cộng án: Chung thân + án tù 18 năm = án tử hình.
Minh Hiếu

Bình luận(0)