“Người dân cần việc làm cụ thể chứ không chỉ nói suông“

Google News

(Kiến Thức) - "Việc công khai danh tính địa phương để gia tăng tội phạm không có gì mới. Vấn đề là người ta xử lý ra sao để nó không mang tính hình thức".

"Người dân cần việc làm cụ thể chứ không phải chỉ nói suông", ông Lê Văn Giảng, Ủy viên Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nêu quan điểm.
Có kiên quyết đâu mà mong giảm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm (138/CP) cho thấy, năm 2013, tình hình tội phạm gia tăng trên nhiều lĩnh vực theo chiều hướng nguy hiểm hơn, phức tạp hơn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội, cả nước xảy ra hơn 59.000 vụ, tăng 5,03% so với năm trước. Theo ông thì vì sao chúng ta đã có những chế tài, đã kiên quyết nhưng tội phạm không hề giảm?
Phải thừa nhận rằng việc chống tội phạm là một vấn đề rất khó hiện nay. Thực tế, chúng ta đã chống nhiều rồi mà có giảm đâu, vẫn phát triển đấy chứ. Một phần do tính chất các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhưng nó cũng chứng tỏ lâu nay chúng ta có kiên quyết, có mạnh mẽ đâu mà mong giảm tội phạm.
Biểu hiện của những việc làm chưa mạnh mẽ, chưa kiên quyết ấy là gì, thưa ông?
Nhiều lắm. Đơn cử như các vụ án tham nhũng, để ý trên báo chí, rồi trong báo cáo tại các phiên họp của Quốc hội cho thấy tỷ lệ án treo vẫn còn nhiều. Thậm chí vẫn có vấn đề bỏ lọt tội phạm, truy cứu không đúng tội danh, xử ở mức thấp nhất của khung hình phạt... 
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, ngay trong đội ngũ những người làm công tác bảo vệ pháp luật, từ công an đến kiểm sát đến tòa án đều có chuyện bị đồng tiền chi phối. Họ nhận tiền để làm sai lệch hồ sơ, giảm nhẹ tội, thậm chí là tha bổng cho kẻ phạm tội. Cái đó là có đấy.
Có ý kiến cho rằng, việc để tội phạm lộng hành có một phần nguyên nhân là chưa quy được trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu?
Cái đó cũng không loại trừ đâu. Bây giờ mà quy định, nếu địa phương để tội phạm lộng hành, chủ tịch tỉnh và giám đốc công an tỉnh phải từ chức thì có thể tình hình đã khác. Tiếc là ở ta vẫn chưa có ai bị xử lý vì để tội phạm lộng hành cả.
Ông Lê Văn Giảng, Ủy viên Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nói về việc công khai các địa phương để tội phạm lộng hành. 
Chẳng có gì mới
Tại hội nghị trực tuyến ngày 3/1 với 18 địa phương trọng điểm về tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm của Chính phủ đã chỉ đạo sẽ nêu đích danh, xử lý các địa phương để tội phạm lộng hành. Âu đó cũng là một bước chuyển để công tác phòng chống tội phạm sẽ hiệu quả?
Thực ra, việc công khai đích danh tên địa phương, người bị xử lý trước quần chúng cũng là một giải pháp. Nhưng nó chẳng có gì mới cả. Tôi nhớ trước đó, từng có chỉ đạo rằng địa phương nào để phá rừng nhiều, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Thế mà có ai phải chịu trách nhiệm đâu? Thực ra, mấy năm gần đây ta cũng thực hiện công khai song vẫn có tình trạng "ông A", "ông B", tên địa phương viết tắt. Bây giờ, để chỉ đạo này không còn là hình thức thì phải đưa ra cách làm thực chất hơn. 
Bằng cách nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, không phải cứ nêu đích danh tên địa phương rồi xử lý địa phương để tội phạm lộng hành đã là đủ. Đừng vội mừng. Người ta cần phải công khai chi tiết cả nội dung, tính chất, nguyên nhân để tội phạm lộng hành, cách xử lý như thế nào... Phải như thế thì dân mới giám sát được, mới tin được chứ. Chứ bây giờ, anh chỉ công khai tên địa phương còn bí mật cách xử lý thì không được rồi. Rất có thể, việc xử lý đó cũng chỉ là hình thức thì sao.
Cần nêu đích danh cả cấp cao hơn
Theo ông thì liệu chúng ta có quyền tin tưởng việc nêu đích danh tên địa phương để tội phạm lộng hành sẽ làm giảm tội phạm?
Tôi rất muốn tin vào điều ấy. Bởi lẽ, tâm lý con người mà, kể cả lãnh đạo, họ sẽ rất e ngại nếu để tên cơ quan mình, địa phương mình phụ trách bị điểm mặt chỉ tên rằng vẫn còn hạn chế, chưa làm tốt. Như vậy cũng ảnh hưởng đến uy tín của họ chứ. Nhưng như tôi nói đấy, người ta phải làm đến nơi đến chốn, làm thực chất thì mới có cơ hội để biến niềm tin thành hiện thực. 
Nếu như đó là một giải pháp tốt thì tại sao trước đây ta không làm cho nghiêm chỉnh?
À, cái này còn phụ thuộc từ cấp cao xuống thấp có đồng lòng quyết tâm làm hay không. Ngay cái chỉ đạo về việc xử lý lãnh đạo để xảy ra phá rừng nhiều mà có làm được đâu. Nhưng theo tôi, chỉ đạo này vẫn chưa đủ.
Ý ông là sao?
Chỉ đạo mới chỉ nói đến việc nêu đích danh tên địa phương để tội phạm lộng hành. Nhưng đâu chỉ ở địa phương mới có tội phạm? Và tội phạm ở cấp địa phương đâu đã lớn nhất? Còn cấp cao hơn cũng có tham nhũng, có chạy chức chạy quyền đấy chứ, thậm chí là tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, tôi cho rằng cũng phải nêu đích danh tên cơ quan ở cả cấp Trung ương khi để xảy ra tội phạm nữa.
Phải ràng buộc cả người có chức vụ
Theo ông, liệu việc công khai tên địa phương, cơ quan như ông nói có phải là biện pháp hữu hiệu hơn cả để làm giảm tội phạm?
Không. Nó chỉ là một giải pháp nhưng không thể mang tính quyết định.
Vậy theo ông, đâu mới là yếu tố quyết định?
Trước hết, phải hoàn thiện lại hệ thống chính sách, pháp luật để ràng buộc cả những người có chức vụ cao hoạt động trong khuôn khổ đó. 
Thứ hai, phải làm lại công tác cán bộ cho tốt, đừng để những kẻ yếu năng lực, kém đạo đức vào làm trong cơ quan nhà nước. Khi ấy, họ sẽ chỉ tìm cách mà đục khoét thôi, chức thấp thì ăn ít, chức nhiều thì ăn nhiều.
Thứ nữa là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý, để họ thực sự là những tấm gương cho cấp dưới noi theo. Chứ bây giờ, tôi thấy sếp của tôi nhận hối lộ, tham ô, tôi có điều kiện thì tội gì tôi không làm. Thế nên tham nhũng nó mới tràn lan, là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ chứ.
Cũng cần phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nắm rõ pháp luật, để họ biết những việc nào nên làm, những việc nào không nên.
Cuối cùng, phải đảm bảo các cơ quan bảo vệ pháp luật thực sự trong sạch. Khi họ làm sai, họ nhận tiền để chạy tội, giảm tội, tha tội cho các bị can, bị cáo thì phải xử thật nghiêm để răn đe người khác. Những kẻ phạm tội thì phải bị xử lý thật nghiêm, đúng người đúng tội. Tóm lại, phải làm tổng thể các giải pháp, chứ đừng tưởng cứ công khai tên địa phương để tội phạm là xong, là mừng được.
Cảm ơn ông.
- "Tôi có ông bạn từng bị bạn bè, người thân gọi điện đến hỏi han tình hình, rằng ông phạm tội từ khi nào, nhưng thực ra có phải ông ấy đâu mà một người khác cũng từng giữ chức vụ như ông ấy phạm tội, chỉ vì không nêu rõ tên do viết tắt nên mới gây hiểu lầm như thế".
- "Bây giờ, nhiều khi người chỉ đạo cứ chỉ đạo, còn thực hiện hay không lại là chuyện khác. Nếu vẫn để tình trạng chỉ đạo một đằng, làm một nẻo mà không kiểm tra uốn nắn thì phải xem xét cả trách nhiệm của người chỉ đạo. Để việc thực hiện được nghiêm, cần có sự giám sát của các cơ quan nhà nước và của nhân dân".
Ông Lê Văn Giảng
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)