Ngả mũ trước đại gia Việt mê... lợn

Google News

(Kiến Thức) - Nhìn cách thoăn thoắt thái rau, nhặt cỏ, chăm lợn, bắt gà, câu cá... anh Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại Phục Hưng  giống một nông dân hơn là ông chủ...


"Trốn nợ"

Cách Hà Nội chưa đầy 30km, sau vài lần "cua xe", chúng tôi đã có mặt tại "Nông trang Vui vẻ". Đường vào rộng thênh thang, hai bên đường xanh mướt bởi màu xanh của chè, màu xanh của bưởi, của đủ loại cây thuốc... Xen lẫn trong tiếng gió thổi là tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà cục tác... Ra tận cửa đón chúng tôi là ông chủ của trang trại rộng 4ha này. Vừa xởi lởi rót nước, anh vừa hào hứng giới thiệu: "Đây là nước chè tươi được hái ở ngay trong vườn nhà. Để có nước chè ngon là phải hái chè từ khi còn sương và khi hãm thì bỏ thêm chút gừng tươi. Nước chè uống đậm, có mùi thơm dịu còn nhờ nguồn nước ở đây được lấy từ nước mạch chảy trong lòng đá tổ ong, mỗi lần bơm nhiều lắm cũng chỉ được 2 - 3 khối nước, rồi lại phải chờ vài tiếng sau nước mới lại rỉ ra đủ cho một lần bơm".

Sau dăm ba câu chuyện xã giao, tiếng nói tiếng cười giữa cả chủ và khách đã rộn rã khắp căn nhà gỗ xây theo kiểu 3 gian 2 chái. Anh kể, cách đây tròn 10 năm, cái thời mà ai có tiền cũng đầu tư vào bất động sản để mua đi bán lại, thì anh mò mẫm về tận vùng hồ Đồng Mô, thôn Phú Yên (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) mua đất trồng rau, nuôi lợn. Thời đấy, ai cũng bảo anh "hâm", tiền không đầu tư mà lại đi mua đất chết. Lúc đó anh chỉ mỉm cười.

 


Trong lúc bạn bè mải mê buôn đất, anh lại "mò" về cái mảnh đất rộng mênh mông chỉ trồng rặt mỗi chè, tự mình đào ao nuôi cá, trồng cây xanh. Sau 10 năm, mảnh đất "hoang vu" ngày nào giờ đã trở thành một nông trang đầy ắp cây trái. Chỗ này trồng bưởi, chỗ kia trồng chè, chỗ này vài cây thuốc quý. Bạn bè lên  chơi, câu cá, hái chè, nhâm nhi chén rượu "Kà kê tửu", hỏi anh sao lại có ý tưởng làm trang trại, anh chỉ bảo "lên đây để trốn nợ".

Rồi vừa tự tay làm cần câu cá cho mấy đứa trẻ trong đoàn của chúng tôi, anh vừa bảo thêm: "Mới đầu chỉ xác định là tìm một nơi làm chốn đi về nghỉ ngơi cùng gia đình sau những ngày bộn bề công việc. Sau đó lại mở rộng thêm để đón bạn bè. Rồi người nọ bảo người kia thành ra bây giờ điện thoại gọi lên đây ngày càng nhiều".

Thức đêm trông lợn rừng... phối giống

Mang tiếng là ông chủ, nhưng anh Thái không từ một việc gì, từ nuôi gà, chăm lợn, nuôi cá, từ đào ao, xây chuồng gà. Anh tự mình đi chọn giống lợn rừng, gà Đông Cảo, chim trĩ... để mang về nông trang. Cá trong ao cũng do anh tự thả. Anh phân bua: "Không phải là tham công tiếc việc gì mà do tôi thích làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được trở về với cuộc sống thôn dã".

 



Câu chuyện đáng nhớ nhất từ khi gây dựng nông trang này có lẽ là những ngày anh học cách cho lợn phối giống. "Bắt đầu nuôi lợn nái mới thấy thực sự vất vả. Lo lắm, vì người bán lợn bảo là thời gian thích hợp để phối giống lợn rừng chỉ trong 2 - 3 ngày, nếu để qua đi thì phải chờ đến 20 ngày mới tới chu kỳ sau. Và để xác định thời gian thích hợp chỉ có cách quan sát bộ phận sinh dục của lợn cái, khi nó đổi màu thì phải cho giao phối ngay. Thế nên cứ suốt ngày suốt đêm thi thoảng lại phải chạy ra chuồng lợn ngó một cái", anh Thái kể lại kinh nghiệm của mình trong tiếng cười vui vẻ.

Có lần lẽ ra chỉ cho lợn ăn 5 lạng/ ngày thì anh lại "thương" mà bốc thêm một ít... vậy là lợn ăn xong thì bị "tào tháo đuổi". "Cái giống lợn rừng nuôi vừa dễ vừa khó. Cũng vì ăn nhiều quá nên lần ấy mới vậy, uống bao nhiêu thuốc cũng chả khỏi, mời cả bác sĩ thú ý cũng bó tay. Nhìn chúng rộc rạc cả người mà mình cũng thấy xót. Mãi mới hỏi được người có kinh nghiệm, chỉ cần giã hoa chuối, lá sung, lá sim rồi vắt nước, bơm cho chúng là khỏi. Đúng là mình thương không phải lối", anh Thái cười nói.

Lên nông trang hái lượm

Anh bảo, ước mơ lớn của anh bây giờ là đưa thịt sạch vào thành phố. Hiện anh đang có một khu rộng 6 - 7ha (nằm ngay cạnh Nông trang vui vẻ) nuôi hơn 400 con lợn rừng. Anh đang cố gắng để có thể đưa nguồn thịt này vào thành phố, nhưng chỉ phục vụ đối tượng là trẻ em, vì nếu mở rộng thì chắc cung không đáp ứng đủ cầu.

Ước mơ nữa là anh sẽ mở rộng Nông trang vui vẻ, đào thêm ao và làm ruộng để trẻ con lên đây có thể tự tay bắt cá, trồng lúa. "Trẻ con thành phố bây giờ bị nhồi nhét nhiều thứ quá, mà quên mất bản năng sống của con người bắt nguồn từ săn bắt, hái lượm. Trẻ lên đây sẽ tự mình học được những kỹ năng ấy, phải biết con gà nó để trứng và ấp trứng thế nào, cái cây phát triển ra sao...". Anh còn dự định làm chương trình "Cây, con cho em". Theo đó trẻ nhỏ lên đây sẽ trực tiếp được trồng cây, cho gà ấp trứng. Những cái cây, con gà đó sẽ được đánh số và thường xuyên cập nhật hình ảnh sinh trưởng, phát triển của chúng cho các cháu. Sau này khi quay lại, các cháu sẽ thấy cây do mình trồng, con gà, chú chim do mình tự tay ấp trứng đã lớn như thế nào. 

Điều thú vị khi đến "Nông trang vui vẻ" là ai cũng có cảm giác như được ở chính ngôi nhà của mình. Ông chủ tự tay vào bếp "băm băm, chặt chặt", tự tay rót rượu mời khách… Còn khách tự do như được ở nhà: trẻ con thì tha hồ chơi đùa, bắt bướm, tìm sâu; người lớn nằm "khểnh" ở hiên nhà để nghe gió thổi, ngửi mùi đất, mùi cỏ hoa hay đi hái chè, thăm chuồng chim, ra cho lợn ăn… 

Lê Lan

Bình luận(0)