Mới có bằng lái dưới 1 năm không chạy quá 60km/h: Đề xuất “non”, vì đâu?

Google News

Chuyên gia cho rằng, đề xuất cấm người mới có bằng lái dưới 1 năm không chạy quá 60km/h là rất “non”, thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính khả thi… thu hồi là đúng.

Đề xuất người mới có bằng lái xe ô tô không được chạy xe trên 60km/h và không được chạy xe trên cao tốc của Sở Giao thông vận tải TP HCM khiến dư luận phản ứng. Tối 13/1, Sở này đã có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải thu hồi văn bản 13497 về một số ý kiến góp ý khi sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 38/2019 và thông tư 12/2015, trong đó có đề xuất trên.
Một số chuyên gia giao thông, luật sư đã chỉ ra đề xuất trên là rất “non”, thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính khả thi, không phù hợp với các quy định hiện hành.
Moi co bang lai duoi 1 nam khong chay qua 60km/h: De xuat “non”, vi dau?
Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa thu hồi văn bản có nội dung đề xuất người có bằng lái ôtô trong một năm từ ngày cấp lần đầu không lái xe quá 60km/h và không chạy trên cao tốc để hạn chế tai nạn. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, dù với mục đích để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, tuy nhiên, đề xuất cấm người có giấy phép lái ôtô trong vòng 1 năm chạy quá 60km/h và lưu thông trên cao tốc là không phù hợp.
“Tất cả các đề xuất phải phù hợp với quy định của nhà nước về đào tạo, quản lý và sử dụng giấy phép lái xe theo những thông tư hiện hành hiện nay. Không thể để một địa phương tự đề xuất, đặt ra một quy định riêng như vậy. Toàn quốc phải thực hiện chung quy định của Bộ Giao thông vận tải, pháp lệnh của Nhà nước, địa phương phải tuân thủ. Không phải mỗi địa phương lại có đề xuất, đặt ra quy định như vậy. Đề xuất trên là hơi non về mặt quản lý nhà nước và pháp lý”, ông Liên cho biết.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, đề xuất trên là ngược đời, không mang tính thống nhất về mặt quản lý nhà nước.
“Khi đã được cấp giấy phép lái xe, đồng nghĩa người dân được sử dụng các loại phương tiện trong giấy phép lái xe quy định và tuân thủ các quy định về tốc độ. Không thể quy định theo loại đường hoặc thời gian đào tạo như vậy”, ông Liên nói và cho rằng, dù đề xuất trên được đề nghị thu hồi nhưng cần xem xét lại về mặt quan điểm, tư tưởng, từ này trở đi không chỉ về mặt giấy phép lái xe mà các quy định phải thống nhất trong cả nước và không nên có những đề xuất như vậy.
Ở góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đề xuất người mới có giấy phép lái ô tô không được chạy trên 60km/h là thiếu cơ sở khoa học, không đảm bảo công bằng giữa những người có cùng loại giấy phép.
Theo quy định pháp luật, việc hạn chế tốc độ, quy định làn đường, phân đường chỉ áp dụng đối với các loại phương tiện, tùy thuộc vào từng địa hình, địa bàn, khu vực khác nhau chứ không áp dụng đối với người điều khiển phương tiện. Quy định này là phù hợp dễ quản lý và có cơ sở khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật sư Cường cho rằng, trong quá trình quản lý xã hội, đảm bảo an toàn giao thông giao thông, các giải pháp, sáng kiến để đảm bảo an toàn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất "đề xuất người mới có bằng lái xe ô tô không được chạy xe trên 60km/h và không được chạy xe trên cao tốc" không hợp lý, không có tính khả thi, thiếu cơ sở khoa học và không đảm bảo công bằng đối với những người tham gia giao thông.
Về nguyên tắc, giấy phép lái xe là giấy tờ ghi nhận năng lực, khả năng điều khiển phương tiện giao thông của cá nhân. Dù mỗi người có thể có những kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực khác nhau về việc điều khiển phương tiện giao thông nhưng khi được cấp giấy phép lái xe thì đều có khả năng tối thiểu để điều khiển phương tiện giao thông. Bởi vậy, không thể quy định về thâm niên lái xe làm căn cứ cho phép tham gia giao thông với những tốc độ khác nhau.
“Quy định như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, gây khó khăn cho người tham gia giao thông khi cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dừng xe với lý do kiểm tra xem giấy phép lái xe mới được cấp hay lâu rồi. Đồng thời, khiến người mới được cấp bằng lái thiếu tự tin, không rèn luyện được kỹ năng điều khiển xe trên cao tốc. Khi họ tham gia giao thông trên đường cao tốc sau một thời gian dài nhận giấy phép lái xe sẽ gây ra những nguy hiểm cho những phương tiện khác”, ông Cường nêu ý kiến.
Một thực tế, có rất nhiều người có giấy phép lái xe nhiều năm nhưng không điều khiển phương tiện và kỹ năng không thể tốt bằng những người mới nhận giấy phép lái xe mà tham gia giao thông thường xuyên. Bởi vậy, nếu căn cứ vào thời gian cấp giấy phép lái xe để đánh giá năng lực, sự thuần thục trong tham gia giao thông là không có cơ sở khoa học, không căn cứ vào thực tiễn, thiếu tính khả thi.
Trong khi đó, những người mới điều khiển ô tô tham gia giao thông, kể cả trường hợp họ đã được cấp giấy phép từ lâu, dù luật cho phép, họ cũng không dám điều khiển phương tiện với tốc độ cao. Bởi vậy, quy định hạn chế tốc độ với những người này là không có tác dụng. Còn đối với những người đã có giấy phép lái xe nhiều năm hoặc đã nhiều năm điều khiển phương tiện giao thông nhưng đi chậm vẫn có thể gây tai nạn nếu bất cẩn hoặc sử dụng rượu bia hay chất cấm.
Luật sư Cường cho rằng, để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông do những người mới tham gia giao thông bao gồm người mới nhận bằng và người nhận bằng lâu nhưng không sử dụng cần phải tăng cường thời gian thực hành trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng sát hạch giấy phép lái xe, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông chứ không phải là quy định về tốc độ.
Do đó, thay vì quy định tốc độ với người mới có giấy phép lái xe nên tăng cường công tác quản lý trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe để những người đủ điều kiện tham gia giao thông phải được cấp cùng một loại giấy phép lái xe sẽ có kỹ năng tối thiểu để tham gia giao thông. Việc tham gia giao thông như thế nào phải trên cơ sở ý thức, nhận thức và trách nhiệm của mỗi công dân chứ không phụ thuộc vào giấy phép cấp từ bao giờ.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm bớt những vụ việc tai nạn giao thông cần áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp. Trong đó giải pháp về đào tạo sát hạch lái xe, giải pháp về kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy đối với các lái xe, giải pháp tuyên truyền luật giao thông đường bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông là những giải pháp căn bản, quan trọng và mang lại nhiều hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân check in đường hầm xuyên núi Quảng Ninh gây mất an toàn giao thông:
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)