Mất bạc tỷ từ cái “tặc lưỡi”... với bà hàng thịt

Google News

Đã trúng hai tờ vé số trị giá 3 tỷ động, còn tờ thứ 3 bất ngờ bị bà Mai giật nấy, nghĩ cùng lắm là chia đôi, nên ông Xiêm tặc lưỡi đồng ý quay về nhà...

“Sợ” bà hàng xóm ôm hôn nên mất tiền tỉ

Ông Trần Văn Xiêm (SN 1958, ngụ ấp Hoà Nghĩa, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) làm nghề thợ hồ. Khoảng 9h ngày 22/4/2013, khi đang xây nhà cho một gia đình ở khu 7, thị trấn Cai Lậy thì một phụ nữ bán vé số đến chào hàng. Trong tay người bán có bốn tờ, ông Xiêm chọn mua 3 tờ cùng mang số seri 021056, do Công ty xổ số Đồng Tháp phát hành.

Cất mấy tờ vé số vào bóp, ông tiếp tục công việc của mình, đến chiều mới về nhà chuẩn bị mồi nhậu cho mấy anh em thợ xây.

Về đến đầu ấp, người dân đang rôn rả bàn tán việc một số người trong ấp cùng trúng vé số giải “an ủi” 100 triệu đồng. Chuyện là hai ngày trước đó trong ấp có một người chết, thọ 56 tuổi. Khi đang xây mộ cho người quá cố, có người rao bán vé số có seri cuối 56, trùng với tuổi người chết, cả bốn người cùng mua, trúng giải 100 triệu đồng.

 Ông Xiêm cho rằng quan hệ giữa mình và bà hàng xóm là “trong sáng”.

Về đến nhà, ông Xiêm cặm cụi chuẩn bị mồi nhậu trong bếp thì nhận được cuộc điện thoại từ bà Vũ Dương Thị Thuỳ Mai (SN 1967, nhà ở đầu ngõ). “Bà ấy hỏi tôi hôm qua khi xây mộ có mua vé số không, tôi nói không, chỉ mua sáng nay. Bà kêu tôi ra gặp để bà soi kết quả hộ”, ông Xiêm thuật lại.

Ra gặp người hàng xóm, ông Xiêm kể lại đã mở bóp đưa ra một tờ vé số, bà Mai giật lấy. Sau một hồi nhắn tin nhận kết quả, thiếu phụ dùng ngón tay che 3 con số đầu trên seri tờ vé số rồi giơ cao, thốt lên: “Anh trúng 100 triệu rồi”. Ông chưa kịp phản ứng gì thì thiếu phụ năn nỉ nũng nịu giờ đang nợ 100 triệu, xin ông “làm phúc cho tờ vé số”.

“Tôi nói đây là lần đầu tiên trúng số, chỉ cho 50 triệu thôi, còn 50 triệu mang về nhà cho vợ vui”, ông Xiêm thuật lại. Nhưng thiếu phụ không đồng ý, lại tiếp tục năn nỉ. “Bà ấy định ôm cổ đòi hôn tôi. Kỳ quá, tôi liền chạy đi, bả tiếp tục chạy theo níu áo lại. Ngại ngùng nên tôi chạy về nhà, mặc bà ấy giữ tờ vé số”, ông Xiêm nói.

Khi đó trong ví ông vẫn còn hai tờ vé số, ông nhờ con trai nhắn tin xem kết quả, thì mới biết cả 3 tờ trúng giải đặc biệt, tổng số tiền 4,5 tỉ đồng. Tiếc của, ông lão quay lại gặp bà Mai: “Không phải trúng 100 triệu em ơi, trúng 1,5 tỉ lận. Em trả vé số đi, anh sẽ cho em 500 triệu”. Ông Xiêm cho biết khi ấy bà hàng xóm “quỳ xuống vái lạy mình” rồi thủ thỉ: “Anh về đừng nói với vợ con, em cũng sẽ không nói với ai. Đợi mấy ngày êm đã rồi anh em mình cùng đi lãnh thưởng”.

Ông lão cho rằng khi ấy mình đã trúng hai tờ, còn tờ này nếu đi lãnh cùng bà Mai thì cùng lắm là chia đôi, nên tặc lưỡi đồng ý quay về nhà. Tối hôm đó khoảng 21h, bà Mai gọi điện thoại cho ông lần nữa: “Anh cứ ngủ ngon đi, để vài bữa nữa mình cùng đi lãnh giải””.

Vụ “lật kèo” 1,5 tỉ đồng

Dù đã trúng vé số độc đắc nhưng sáng hôm sau ông Xiêm vẫn đi làm thợ hồ bình thường. Trước khi đi ông ghé quán cà phê gần nhà bà Mai. Gặp ông, bà đon đả nói: “Anh về cắt lại tóc, nhuộm đen rồi cùng em đi lãnh giải”.

Đến 9h, khi đang làm, ông nhận điện thoại từ bà Mai: “Em trót nói với chồng là trúng vé số rồi, em không đi lãnh với anh nữa, sẽ cùng chồng đi lãnh luôn, anh đừng nói với ai”.

Nghĩ bà hàng xóm đã “lật kèo”, ông gọi cô con gái ở nhà sang bà Mai ngăn cản. Lúc này thiếu phụ quay mặt, thẳng thừng nói tờ vé số là ông Xiêm tặng nên không trả lại. Hai bên cãi lộn nhau một hồi thì ông Xiêm về đến nơi.

“Trước đông đủ bà con cô bác, tôi gọi bà Mai ra thề độc: “Nếu tôi tặng tờ vé số thì cả nhà tôi chết, còn nếu bà giật vé số của tôi thì cả nhà bà chết”, nhưng bà không dám thề”. Thấy bà hàng xóm nhất quyết không chịu trả, ông về nhà, thảo đơn trình báo sự việc.

 Bản tường trình ông Xiêm gửi công an.

Dư luận địa phương bàn tán xôn xao vụ tranh chấp tờ vé số hy hữu. Cùng lúc ấy, bà Mai đi nói với mọi người: “Tôi với ổng có “quan hệ” mấy năm nay nên ổng mới mua vé số tặng tôi, nay thấy trúng giải đặc biệt nên đòi lại”.

Giá trị vụ tranh chấp vượt quá 500 triệu nên vụ việc được công an huyện chuyển cho công an tỉnh thụ lý. Hai đương sự được mời lên lấy lời khai. Tại cơ quan công an, bà Mai một mực nói tờ vé số độc đắc được ông hàng xóm tặng, chứ mình không giật.

Bà nói ông hàng xóm tặng mình lúc 15h ngày 22/4/2013. Thế nhưng qua xác minh, thời gian này ông Xiêm đang xây nhà tại thị trấn Cai Lậy, có rất nhiều người làm chứng. Cảnh sát lần đến đại lý vé số ở thị trấn Cai Lậy xác minh, được chủ đại lý và người bán vé số xác nhận ông Xiêm là người mua tờ vé đang tranh chấp. Đến Công ty xổ số Đồng Tháp, được biết người thân của bà Mai đã đến lãnh thưởng.

Trước đây, gia đình ông Xiêm với bà Mai là hàng xóm thân thích “tắt lửa tối đèn”. Ông lão trúng vé số 4,5 tỉ, nay vẫn lẩm nhẩm tính được những chuyện “mớ rau con cá” xa lắc xa lơ.

“Bà Mai làm nghề bán thịt heo, cứ mỗi lần ế hàng là gọi điện nhờ tôi mua giúp vài ký, lần nào tôi cũng vui vẻ nhận lời. Nhà tôi có bốn người con, đám cưới nào bà Mai cũng đến mừng 100 nghìn đồng. Bà Mai chỉ có một con trai, hôm con bà ấy lấy vợ, tôi đến mừng 500 nghìn đồng. Tôi không để ai thiệt cả”, ông Xiêm nói.

Quan hệ “trong sáng” hay “dò số xổ liền”?

Ông Xiêm cho biết, hai vé số còn lại, ông đã đi lãnh lấy 3 tỉ đồng. Số tiền này ông gửi ở ngân hàng, sau này chia đều cho con cái, không phân biệt trai gái. Ông mượn trước hàng xóm 120 triệu đồng mở tiệc ăn mừng, mua tặng anh em họ hàng thân thích mỗi người một chỉ vàng.

Với các đồng nghiệp thợ xây làm cùng, ông bỏ ra gần 20 triệu mua bảo hiểm lao động cho mọi người. Giờ trở thành tỷ phú, ông vẫn ngày ngày tiếp tục công việc thợ hồ. Chỉ có điều khác là từ ngày trúng vé số, ông đi làm không lấy tiền công, chỉ làm “từ thiện” cho gia chủ.

Về tờ vé số đang tranh chấp, ông lão cho hay vụ việc phải đưa ra tòa, khi nào nhận lại được sẽ dùng hết số tiền đó làm từ thiện giúp người nghèo.

Phóng viên cũng đã tìm đến nhà bà Mai để xác minh câu chuyện. Thiếu phụ này nhất quyết cho rằng tờ vé số được ông Xiêm tặng chứ bà không giật, sau đó không đồng ý cung cấp bất kỳ thông tin gì nữa. “Tôi chờ công an giải quyết thôi, giờ tôi không biết nói gì nữa”, bà Mai nói.

Chuyên gia pháp lý cho rằng đây quả là một vụ việc khó. Cái khó không phải ở chỗ rắc rối pháp lý, mà khó vì không xác định được quan hệ giữa ông Xiêm và bà Mai như thế nào, là tặng cho, hay bà Mai “giật lấy”?. Nếu không “thân thiết quá mức”, sao ông lão 55 tuổi đang làm cơm chiều, nghe thiếu phụ 46 tuổi í ới đã vội chạy ra ngay “dò số”. Thân thiết như thế nào, ông mới dễ dàng gật đầu chấp nhận “cưa đôi” giải thưởng?.

TIN LIÊN QUAN:


ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Tiền Phong

Bình luận(0)