Ngày mai thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao
đẳng năm 2013. Sau ba buổi thi, bài thi của thí sinh tại các cụm thi Hải
Phòng, Vinh (Nghệ An), Quy Nhơn (Bình Định), Cần Thơ sẽ được vận chuyển
về cho các trường ở TP.HCM, Hà Nội - nơi thí sinh có nguyện vọng thi
vào.
Đó là một nhiệm vụ đặc biệt với những hành trình gian nan và hồi hộp. PV đã gặp những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này...
|
Trung tá Văn Đình Hạnh, đại đội trưởng đại đội 2 trung đoàn cảnh sát cơ
động Công an Hà Nội, phổ biến một số quy chế cho các chiến sĩ bảo vệ an
toàn việc vận chuyển bài thi đại học. |
Áp lực trên 1.500km.
Bốn cụm thi trong cả nước
Năm 2013 cả nước có bốn cụm thi quốc gia là:
* Cụm thi tại TP.Hải Phòng dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Hàng hải, các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội.
* Cụm thi tại TP Vinh (Nghệ An) dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Vinh, các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại bốn tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.
* Cụm thi TP Quy Nhơn (Bình Định) dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn, các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại sáu tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.
* Cụm thi tại TP.Cần Thơ dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại chín tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực TP.HCM. |
Cách đây đúng một năm, khi thí sinh cả nước bước vào đợt thi đại học thứ hai thì tại phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh Nghệ An, đại tá trưởng phòng Bùi Nguyên Tiến gọi trung tá Nguyễn Văn Thân vào phòng riêng.
“Có một nhiệm vụ rất quan trọng, áp tải bài thi vào TP.HCM, được giao cho đồng chí”, đại tá Tiến nói ngắn gọn. “Lúc đó tôi rất lo lắng - trung tá Thân nhớ lại - bài thi là công sức, tiền của, quyền lợi... của thí sinh, và họ đang ngày đêm hi vọng kết quả. Đó còn là biết bao giọt mồ hôi của phụ huynh đứng trước cổng trường thi chờ con...”.
Cú thót tim đầu tiên
Bước ra khỏi phòng của đại tá Bùi Nguyên Tiến, trung tá Nguyễn Văn Thân bảo trong đầu ông khi ấy hiện lên cung đường 1.500km từ TP Vinh đến TP.HCM với biết bao đèo dốc, xe cộ ken đặc, với những “cung đường đen”... Trong khi đó xe phải chạy ngày đêm không nghỉ dù nắng hay mưa cho kịp giờ giao bài thi, sau 30 giờ tính từ lúc xuất phát. “Đó là một nhiệm vụ khó khăn - trung tá Thân đánh giá - Trên đường đi cả ngàn kilômet biết bao nhiêu chuyện bất trắc có thể xảy ra. Mất một bài thi thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Nhưng bằng mọi giá anh em phải hoàn thành nhiệm vụ...”.
Non trưa hôm sau, khi thí sinh bước ra cổng trường thi, các khâu phân loại bài thi theo trường ở TP.HCM, Hà Nội cũng gấp rút được tiến hành cho kịp giờ xe khởi hành. Trung tá Thân và đại úy Trường có mặt tại trường thi cùng một xe đặc chủng biển số xanh với huy hiệu ngành công an. Lúc này thạc sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh - đang gấp rút kiểm tra các công đoạn cuối cùng để đưa bài thi của 12.718 thí sinh vào bàn giao cho 28 trường đại học ở TP.HCM.
Kế hoạch của hội đồng tuyển sinh là đúng 13h xe sẽ khởi hành trực chỉ vào Nam. Thế nhưng giữa trời nắng cháy da lúc 12h, ai nấy mồ hôi nhễ nhại kiểm tra bài thi lần cuối trước lúc lên đường thì... thiếu túi bài thi của một trường. “Mặt mũi ai nấy đều tái xanh - một cán bộ áp tải bài thi nói với phóng viên - sau khi lục tung lên tìm kiếm mới phát hiện túi bài thi của trường này nằm lẫn vào bài thi của các trường phía Bắc”. Hú hồn!
“Ngồi cùng một con thuyền...”
May mắn, sự cố “túi bài thi nằm nhầm chỗ” không làm trễ giờ xe xuất phát. Xe lăn bánh, trung tá Thân cũng bắt đầu “công việc” đầu tiên với những người đi cùng: “Chúng ta đang ngồi chung một con thuyền thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Để đảm bảo an ninh, xin các đồng chí nghe theo mệnh lệnh của tôi. Đỗ xe chỗ nào, chọn quán ăn nào, ở đâu... xin theo chỉ đạo của tôi”. Áp tải bài thi vào TP.HCM lần ấy có hai cán bộ Trường ĐH Vinh, hai cán bộ an ninh Công an tỉnh Nghệ An cùng hai tài xế (một của trường và một của công an) thay nhau lái.
|
Trung tá Nguyễn Văn Thân. |
Chiều, khi xe vào gần đến cầu Quán Hàu (Quảng Bình) thì sự cố xảy ra: xe thủng lốp!
Ngay lập tức, tài xế Lê Văn Thông (Trường ĐH Vinh) xin ý kiến chỉ đạo của trung tá Nguyễn Văn Thân và thạc sĩ Nguyễn Thanh Mỹ để xử lý. Trong 30 phút ở tiệm vá vỏ xe gần đó, cửa xe được khóa kín. Trung tá Thân và đại úy Trường chia nhau đứng trước và phía sau xe, “khóa đầu khóa đuôi” cho đến khi xe sửa xong và tiếp tục lên đường. “Để đề phòng bất trắc, xe cũng được trang bị bình chữa cháy, tập huấn nghiệp vụ chữa cháy cho anh em trên xe khi có sự cố xảy ra” - trung tá Thân nói.
|
Trong kho chứa bài thi ở Trường ĐH Hàng hải. |
Suốt 30 giờ di chuyển trên đường, theo quy định của hội đồng tuyển sinh và Công an tỉnh Nghệ An, cả đoàn phải chọn quán ăn vắng vẻ, có chỗ đậu xe sát tường, đồng thời thay phiên nhau ăn để quan sát và bảo vệ xe. Để đảm bảo an toàn, xe chỉ dừng lại cho mọi người đánh răng, rửa mặt ở những nơi an toàn vắng vẻ. “Không để ý, kẻ xấu chỉ lấy đi một túi bài thi thì hết sức nguy hiểm - trung tá Thân nói - Trên đường đi luôn đặt ra các tình huống xấu để phòng ngừa như cướp bài thi, xin đểu... Suốt chuyến đi phải giữ bí mật. Nhưng giữ bí mật theo kiểu để ý mà như không để ý, căng thẳng nhưng phải tạo tâm lý bình thường để tránh gây sự chú ý”.
Xe chạy vào đến Huế thì trời vừa tối...
Phải hết sức cẩn trọng!
“Thực tế không phải đến tận bây giờ mới có chuyện vận chuyển bài thi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đã có thời kỳ Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức thi ĐH tại các địa phương. Giảng viên, cán bộ các trường ĐH được cử về các tỉnh coi thi. Thi xong, bài thi lại được vận chuyển về văn phòng bộ khi đó ở Giảng Võ, Hà Nội. Rồi từ đây, Bộ GD-ĐT chọn một số trường, bàn giao bài thi để chấm cho tất cả chứ không phải trường nào có thí sinh là được quyền chấm luôn cho trường mình.
Sau này, các trường tự tổ chức ra đề thi riêng, rồi “ba chung”. Thi ĐH có nhiều thay đổi, nhưng chưa bao giờ bộ phải đứng ra lo giải quyết hậu quả của một sự cố bất thường khi tổ chức thi ĐH. Chỉ có một giai thoại chưa được kiểm chứng về trường hợp mất một túi bài thi khi chưa có “ba chung”, một trường ĐH phải tổ chức thi lại cho những thí sinh phòng thi đó.
Dù thông tin không được xác nhận nhưng giai thoại đó vẫn luôn là lời cảnh báo cho những người làm công tác vận chuyển bài thi, phải thật sự cẩn trọng, đúng quy chế, quy trình, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc”- một cán bộ chuyên trách tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT nói.
|
ĐANG ĐỌC NHIỀU: