Lễ đón danh hiệu tốn hơn tiền trùng tu!

Google News

(Kiến Thức) - "Tôi chẳng vui là mấy khi nghe về lễ đón mừng quyết định nâng di tích nào đó lên bậc cao hơn...", GS Hoàng Đạo Kính chua chát nói.

Ngộ nhận về di tích
Tôi từng đi công tác ở các địa phương và từng hỏi từ chính quyền đến người dân rằng làng, xã họ có điều gì đặc biệt, nếu như ở đó có di tích cấp tỉnh, đặc biệt là cấp quốc gia thì sẽ được họ nhắc đến đầu tiên và không giấu vẻ tự hào. Dường như bây giờ, danh hiệu di tích được xếp hạng như là một quy chuẩn, một thước đo cho giá trị của địa phương nào đó, thưa ông?
Tâm lý này là có và chẳng riêng của một làng xã nào. Sở dĩ như vậy là người ta đã có sự ngộ nhận nào đó. Trước tiên, cần nghĩ đình, chùa, miếu là để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của ông cha ta và bản thân ta thời nay chứ không phải sinh ra đã muốn là di tích. Cả thế giới hình như không nói nhiều về di sản và bảo tồn như ở ta cả.
Tôi tưởng như thế âu cũng là tốt khi chúng ta có ý thức giữ gìn những thứ cha ông để lại?
Cần nhớ, di sản vật chất mà dòng chảy lịch sử để sót lại tuy không lớn và không phong phú là bao, song không thể và không nên đưa tất vào diện "di tích". Di tích phải là những thứ được giữ nguyên vẹn, chỉ trùng tu, duy trì chứ không được thay đổi để sử dụng cho đời nay. Vả lại, việc người ta cố gắng giữ lại tất thảy những cái từ quá khứ thì giữ làm sao được và giữ để làm gì? Để ra ngõ là gặp di tích chăng?
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói về công tác bảo tồn di tích hiện nay. 
Cung tiến bằng... công nhận di tích
Nếu cần một sự khái quát về công tác bảo tồn ở ta hiện nay, ông sẽ nói gì?
Trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ngày càng nhận rõ: Thứ nhất, số lượng di tích được công nhận quá lớn. Thứ hai, việc bảo tồn những tinh hoa của di sản văn hóa đang trở nên bất khả thi.
Số lượng di tích của ta quá lớn phải chăng vì chúng ta có quá nhiều thứ đáng giữ và cần phải giữ?
Không phải. Sở dĩ số lượng di tích được công nhận quá lớn là vì cách đây vài chục năm, khi các đình, chùa, miếu mạo thường bị chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư xâm hại thì những người có tâm với truyền thống, những ông từ bà vãi đã tìm mọi cách để đặt các thiết chế tín ngưỡng xưa cũ dưới cái ô của pháp luật là công nhận di tích.
Nguyên nhân thứ hai là một quan niệm khá phổ biến hiện nay: Hễ làng mình, địa phương mình có đình, có chùa được công nhận là di tích thì mới toại nguyện, mới thêm cớ để tự hào.
Sau nữa, do nhận thức dai dẳng từ thời bao cấp, người ta hy vọng việc được công nhận di tích thì ngôi đình, chùa làng mình sẽ có vốn để tu bổ chứ nhà mình nghèo thì lấy tiền ở đâu? Chưa nói là khá nhiều người, trong đó có cả các nhà chuyên môn coi mọi thứ quá khứ để lại đều là di tích. Từ đó mới có mấy vạn cái di tích như chúng ta đã thấy.
Nhưng thưa ông, tôi nhớ là chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa, trong đó quy định về những tiêu chí của các di tích rồi kia mà? 
Đúng. Luật quy định những tiêu chí cụ thể và nghiêm ngặt để công nhận di tích được công nhận phải là những gì có giá trị đặc sắc, tiêu biểu, hiếm hoi về lịch sử, về văn hóa, về nghệ thuật... cần cho khoa học, cần cho xã hội nay và mai. Nếu việc công nhận di tích được thực hiện nghiêm ngặt, khách quan thì sẽ có được một số lượng di tích tinh túy nhất, buộc ta và con cháu phải giữ bằng mọi giá và bằng mọi cách, không thể để mất đi bởi hễ để mất là có tội!
Nghĩa là hiện nay ta làm chưa nghiêm việc xếp hạng di tích?
Đúng. Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy có chuyện địa phương nào mà có người làm lớn, họ sẽ nhờ cậy vào đấy để xin cho đình, chùa làng mình được trên công nhận. Còn người làm lớn kia cũng lại muốn cung tiến cho quê hương cái bằng công nhận di tích. Thành ra tôi biết có cái đình cũ đã bị tiêu thổ thời kháng chiến còn trơ cái nền, thế mà nó vẫn được công nhận di tích.
Thú thực, tôi cũng từng đến nhiều nơi có di tích quốc gia và câu hỏi làm tôi luôn day dứt khi nhìn thấy sự xuống cấp của nó là người ta xếp hạng di tích cho nó để làm gì? Dường như, nó chỉ giải quyết được vấn đề "cho oai", "cho có thứ để tự hào" thì phải? 
Hiện, chúng ta có chừng 3.200 di tích quốc gia, 100 di tích quốc gia đặc biệt, hàng vạn di tích cấp tỉnh/thành. Để bảo tồn cho được ngần ấy di tích, ta lấy đâu ra hàng chục hoặc hàng trăm nghìn tỷ đồng; lấy đâu ra hàng vạn mét khối gỗ; lấy đâu ra hàng ngàn nghệ nhân và thợ truyền thống? Thế nên, sự xuống cấp của di tích cũng dễ hiểu bởi đó là hệ quả của việc chúng ta đang lạm phát di tích làm giảm giá trị của nó, giảm cái uy của luật, đồng thời cũng làm cho công cuộc bảo tồn trở nên bất khả thi dẫn đến tai họa trông thấy là đánh mất ngay cả những tinh hoa.
Phải giác ngộ về bảo tồn
Ông nói đến sự lạm phát di tích, sự không khả thi trong công tác bảo tồn... Ông có cho rằng chính bản thân người có thâm niên làm công tác bảo tồn như ông cũng có một phần trách nhiệm?
Tôi thấy buồn chứ. Tôi cũng lo lắng mỗi khi nghe thấy công bố về hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho tôn tạo di tích này nọ. Tôi chẳng vui là mấy khi nghe về lễ đón mừng quyết định nâng di tích nào đó lên bậc cao hơn.
Sao ông lại không vui?
Bởi lẽ có khi nghi lễ tiêu tốn nhiều tiền hơn cả số tiền mà di tích ấy cần cho việc trùng tu. Lo hơn là chúng ta đang đi vào chủ nghĩa hình thức ngay trong việc giữ gìn vốn liếng mong manh của cha ông.
Theo ông thì cách nào để cho công cuộc bảo tồn di tích trở nên khả thi?
Muốn vậy, ta phải giác ngộ về bảo tồn. Phải xem xét lại toàn bộ công việc bảo tồn di sản văn hóa, xem cái gì thực sự cần lưu giữ. Phải để việc bảo tồn những tinh hoa của di sản văn hóa đặt trên những nền tảng khoa học mà vẫn không tách rời khỏi cuộc sống, cách xa những toan tính vụ lợi, tiền bạc.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa đang có những biểu hiện đáng lo ngại. Trước kia, chỉ có Bộ Văn hóa được ủy quyền công nhận di tích. Nay di tích do chính quyền cấp tỉnh và thành phố công nhận, do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận, do Chính phủ công nhận và trên hết là do UNESCO công nhận. Hiện tại đang diễn ra những cuộc vận động để lên đời cho di tích gây ra sự lạm phát. Đáng nói, việc chuyên môn hóa cán bộ trùng tu di tích bằng chứng chỉ hành nghề chỉ sau 2 tuần đào tạo. Để làm y tá phải học cả năm, đằng này làm bác sĩ chữa trị cho người bệnh già nua là di tích mà chỉ học có 2 tuần thì không thể hiểu nổi!".
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyen Minh Duc

Đây là một thói xấu mà những người trẻ chúng ta phải dứt khoát loại bỏ. Nếu còn những chuyện như chi phí cho lễ đón nhận di tích lớn hơn chi phí trùng tu di tích, chi phí cho chuyến đi trao quà từ thiện lớn hơn giá trị quà từ thiện thì VN sẽ không thể có cơ hội nào trong thế giới hội nhập