Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La

Google News

Sáng 23/12/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ khánh thành công trình Thủy điện Sơn La, công trình quan trọng quốc gia quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. 




  
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương, lãnh đạo 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và đông đảo nhân dân các dân tộc 3 địa phương trên đến dự.

Dấu son của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Công trình Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW) được xây dựng trên địa bàn xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mua khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Thủy điện Sơn La.

Công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Khởi công xây dựng vào ngày 2/12/2005, đến ngày 17/12/2010, tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia. Đến ngày 26/9/2012, tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của nhà máy hòa lưới điện quốc gia. Sau đó 2 tháng, ngày 27/11/2012 việc xây dựng hoàn tất. Ngày 20/12/2012  tại Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình thủy điện đã chính thức nghiệm thu Nhà máy Thủy điện Sơn La. Như vậy, công trình quan trọng quốc gia này về đích trước 3 năm.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành Điện Việt Nam. Sau 7 năm xây dựng, lao động sáng tạo với bao vất vả, khó khăn, cả 6 tổ máy phát điện đã được vận hành. Công trình mang lại cho chúng ta niềm tự hào, là một công trình thuỷ điện lớn nhất cả nước, mang tầm cỡ khu vực do Việt Nam tự thiết kế, thi công, vượt mốc thời gian so với tiến độ được phê duyệt là 3 năm.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành công của ngày hôm nay trước hết phải kể đến sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong vùng Dự án. Trên 20.000 hộ dân đồng bào các dân tộc 3 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) một lòng ủng hộ Dự án, tự nguyện chuyển nhà đến nơi ở mới, nhường đất xây dựng công trình. Công tác di dân tái định cư được các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thực hiện nhanh, gọn và chu đáo. Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc tạo điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền phối hợp đồng bộ cùng chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời của nhà nước.

Dự án Thuỷ điện Sơn La hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chúng ta chỉ thuê chuyên gia nước ngoài giúp hỗ trợ giám sát. Ngoại trừ thiết bị cơ điện, hệ thống phân phối 500 kV, một phần thiết bị thủy công nhập khẩu, còn lại từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do các đơn vị của Việt Nam thực hiện.

Đập chính của Nhà máy Thủy điện Sơn La

Nhấn mạnh những đóng góp của các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La là rất đáng trân trọng và tự hào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ủng hộ, thực hiện đúng tiến độ di dời đến tái định cư ở nơi ở mới để nhường mặt bằng cho xây dựng công trình; biểu dương chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã có tiến bộ vượt bậc trong công tác quản lý và thiết kế, đã đưa những công nghệ tiên tiến xây dựng công trình thuỷ điện của thế giới ứng dụng trong công trình Thủy điện Sơn La, góp phần vào thành công chung của dự án; biểu dương lãnh đạo các địa phương trong vùng Dự án đã chỉ đạo và tổ chức việc di dân tái định cư theo yêu cầu và theo kế hoạch đề ra, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trên địa bàn; phối hợp và hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư xây dựng công trình và các đơn vị thi công trong quá trình triển khai Dự án; biểu dương các Bộ, ngành đã kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương tất cả cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công trực tiếp trên công trường: Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn...


Thực hiện ước mơ chinh phục sông Đà

Sơn La là bậc thứ hai trong bậc thang thủy  điện sông Đà. Nguồn nước sông Đà rất phong phú, cung cấp khoảng 50% tổng lưu lượng dòng chảy của sông Hồng. Khi chưa có các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, dòng sông Đà hung dữ đã là nguyên nhân gây ra những trận lũ, lụt lớn năm 1969, 1972 ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Việc nghiên cứu trị thủy sông Hồng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Văn phòng Ủy ban trị thủy và khai thác sông Hồng đã sớm được thành lập từ năm 1956, đặc biệt từ sau trận lũ lịch sử năm 1971, việc nghiên cứu này được tiến hành khẩn trương, quyết liệt hơn, trong đó tập trung trước hết vào sông Đà. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên xô cũ, năm 1975, Chính phủ phê duyệt, chọn thủy điện Hòa Bình là công trình xây dựng đầu tiên, tiếp đến là thủy điện Sơn La và xác định, nhiệm vụ chính của các công trình là chống lũ vào mùa mưa, cấp nước vào mùa kiệt; tiếp đến là các nhiệm vụ về cấp điện và giao thông vận tải.

Khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự  án Nhà máy Thủy điện Sơn La, Quốc hội đặt ra 5 yêu cầu: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, cho hạ du và Thủ đô Hà  Nội; Đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; Bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường - sinh thái, đa dạng sinh học; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Đến nay, công trình đã hoàn thành, mọi yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội đặt ra đã được thực hiện.

Về chống lũ, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La dành 7 tỷ m3 nước chống lũ vùng hạ du, cùng với hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang trên nhánh Lô Gâm sẽ bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ, chống được lũ lớn có chu kỳ 500 năm. Ngoài ra, hồ thủy điện Sơn La đã giúp chuyển các khu phân lũ, làm chậm lũ sông Hồng sang phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực. 

Như vậy, với việc hoàn thành công trình thủy điện Sơn La, chúng ta đã chinh phục được sông Đà, thực hiện được ước mơ bao đời của người dân.

Về cấp nước, với dung tích hữu ích gần 6 tỷ m3, Thủy điện Sơn La sẽ góp phần quan trọng điều tiết dòng chảy khu vực hạ lưu, giúp chúng ta đã hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp nước tưới cho khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong vụ Đông Xuân, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Về cấp điện, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng gần 9% sản lượng điện của Việt Nam năm 2012, được đưa vào vận hành trước tiến độ đã góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp điện cho phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời, là nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện Sơn La đã góp phần bảo đảm phát triển bền vững, tham gia chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với việc xây dựng thủy điện Sơn La, nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng mới hoặc được mở rộng và nâng cấp; thông qua thực hiện di dân, tái định cư đã kết hợp bố trí sắp xếp lại dân cư địa bàn, giữ gìn được giá trị và bản sắc văn hoá các dân tộc; đồng bào các dân tộc đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới, chuyển dần từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá với nhiều cây trồng, vật nuôi và ngành nghề mới hiệu quả hơn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao.


Tiếp tục phát huy tinh thần Thủy điện Sơn La

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cán bộ công nhân viên Công ty Thuỷ điện Sơn La cần phát huy những kết quả đạt được và truyền thống tốt đẹp của ngành điện cách mạng, quản lý và vận hành thật tốt để nhà máy hoạt động tuyệt đối an toàn, ổn định, phát huy cao nhất hiệu quả tổng hợp của công trình như dự án đã phê duyệt.

Tập  đoàn Điện lực Việt Nam cùng các tổ hợp nhà  thầu cần đúc rút những bài học từ công trình Thuỷ điện Sơn La, phát huy tinh thần Sơn La để thi công và hoàn thành đúng tiến độ thời hạn công trình Thuỷ điện Lai Châu và các công trình được giao khác trong Quy hoạch điện VII với tiến độ và chất lượng cao nhất để bảo đảm điện năng tốt nhất cho phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và chính quyền địa phương bảo vệ an toàn cho công trình. Các Bộ ngành tiếp tục giải quyết các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư và chính quyền địa phương về ổn định cuộc sống đồng bàotrong vùng dự án.

Lãnh đạo UBND ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có trách nhiệm tiếp tục quan tâm bố trí đất sản xuất, xem xét lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế để chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào tại các địa phương tiếp nhận tái định cư, nhất là đồng bào mới chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho xây dựng công trình.

“Với tất cả lòng tự hào, có thể nói công trình thuỷ điện Sơn La đã tiếp nối  thêm “Bản trường ca chinh phục sông Đà” và thật sự trở thành một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam quang vinh", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng, kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước công trình Thủy điện Sơn La; Huân chương Lao động hạng Ba cho 11 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công trình Thủy điện Sơn La.

Bình luận(0)