Sau một số hình ảnh được cho là hỗn chiến kinh hoàng ở lễ hội đền Gióng miêu tả khi không cướp được hoa tre, nhiều thanh niên đã cầm gậy vụt hoặc 'tung cước' vào người bảo vệ kiệu để trả đũa, PV báo điện tử Kiến Thức đã về địa phương tìm hiểu thông tin vụ việc.
Trao đổi với báo chí, anh Tô Xuân Thuận (35 tuổi, là Bí thư chi đoàn thanh niên, trú tại thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Tp Hà Nội) – người trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối của quá trình rước kiệu giò hoa tre cho biết: “Là người trực tiếp khiêng kiệu và ôm giò hoa tre tung ra cho mọi người cướp lộc lấy may, tôi thấy việc báo chí đưa tin, bình luận xảy ra “hỗn chiến kinh hoàng” tại lễ hội Gióng là hơi thái quá.”
Anh Thuận cho hay, lễ hội đền Gióng (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) như thường lệ diễn ra từ mùng 6 đến 8 tháng giêng âm lịch. Hội Gióng được tổ chức để tưởng nhớ Thánh Gióng, vị anh hùng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.
|
Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre và chém Tướng giặc. |
Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre và chém Tướng giặc. Trong đó, hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Giò hoa tre được kết từ hàng trăm hoa tre bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa.
Nhiệm vụ của đoàn bảo vệ kiệu là phải rước qua các đền, kết thúc tại đền Hạ (tức đền Trình). Khi tất lễ, chủ tê hô: "Lễ tất tranh lộc!", ngay lập tức mọi người có mặt đồng loạt xông vào tranh cướp, giành giật dù chi là một phần của cành hoa tre để lấy may mắn cả năm. "Lộc" này nhiều người mang về nhà, cắm trên bàn thờ, mãi đến 30 tết mới đem xuống hóa cùng với chân hương.
“Tuy nhiên vào ngày 24/2 (tức mùng 6 Tết âm lịch) khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng, vừa tung được một ôm nhỏ hoa tre lên quay lại thì đã thấy giò hoa tre bị cướp hết rồi. Hoa tre bị hàng chục thanh niên lao vào cướp dẫn đến xô đẩy, chen lấn, đè lên nhau...
Tôi khẳng định không có chuyện bảo vệ kiệu dùng gậy đánh trả, ngăn không cho người dân và du khách thập phương cướp lộc. Trước khi tham gia vào đội rước kiệu chúng tôi đã thực hiện kí các biên bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không được dùng bất cứ vật gì để đánh du khách và người cướp giò hoa tre. Theo quan niệm của chúng tôi, càng nhiều người vào cướp lộc càng tốt. Nếu giò hoa tre được cướp hết là điều đáng mừng của dân làng trong thôn vì đã tán được hết lộc. Sự việc trên chỉ diễn ra chưa đầy một phút, không có ai bị thương. Cả người tung lộc và cướp lộc đều thấy vui vẻ, thoải mái”, anh Thuận kể lại.
|
Tất cả những người tham gia đoàn rước giò hoa tre đều phải kí Giấy cam kết. |
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Hiến, Phó Giám đốc Trung tâm quản lí khu du lịch di tích đền Sóc Sơn cho biết, “Sự việc này diễn ra ngoài ý muốn một phần là do sự quá khích của người dân, bởi trước khi bắt đầu diễn ra lễ khai hội Ban quản lí và các đơn vị liên quan đã họp hội nghị về công tác tổ chức cũng như bảo đảm an ninh trật tự trong lễ hội, ngoài ra ban tổ chức còn thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền trên loa phát thanh về việc này.
"Trong quá trình cướp lễ hoàn toàn không xảy ra đánh nhau và cũng không có thương tích gì cho những người tham gia lễ hội. Đến nay Ban quản lí di tích cũng chưa nhận được kiến nghị hay trình báo gì của người dân về việc bị thương tích khi tham gia cướp lộc tại lễ hội", ông Hiến nói.
Dù Phó Giám đốc Trung tâm quản lí khu du lịch di tích đền Sóc Sơn và một số người nói không có chuyện đánh nhau ở lễ hội đền Gióng nhưng trả lời trên Zing, Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại xác nhận có tình trạng một số thanh niên, người dự lễ hội đền Gióng quá khích, ẩu đả khi tham gia cướp lộc.
|
Một trong số những hình ảnh ghi lại cảnh hỗn chiến trong lễ cướp giò hoa tre ở đền Gióng (Ảnh nguồn: Zing) |
Bên cạnh đó, các hình ảnh và clip về lễ hội đền Gióng mà báo chí đăng tải vừa qua cũng cho thấy cảnh đánh nhau, ẩu đả rất phản cảm. Xem các clip đăng tải trên mạng có thể thấy đây là một cuộc đánh nhau chứ không phải chen lấn hay xô đẩy. Trong video có hình ảnh các thanh niên cầm gậy tre màu đỏ, hoặc đoạn tre ngắn để vụt người dân, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với người khiêng kiệu và cả du khách cướp lộc cầu may. Ngoài ra trong video còn xuất hiện cả tiếng kêu la khi bị vụt hoặc đẩy ngã. Những hình ảnh phản cảm đó tuy chỉ diễn ra vài phút nhưng nó đã, đang làm xấu đi ý nghĩa rất đẹp của lễ hội đền Gióng.
Hiện một số đối tượng đã được điều tra làm rõ và tiến hành xử lí theo pháp luật.