Vụ việc một người mẹ tại huyện Nhà bè (TP HCM) giết con gái 13 tháng tuổi rồi sau đó treo cổ tự tử nhưng bất thành đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xôn xao. Không như những vụ giết con rồi tự tử khác, trong vụ việc này, người mẹ sau khi dùng gối làm ngạt thở khiến con mình tử vong, đã treo cổ tự tử nhưng được hàng xóm phát hiện trong tình trạng vẫn còn thở thoi thóp và đưa đi viện cấp cứu. Hiện sức khỏe người mẹ này đã bình phục. Nhiều người không khỏi xót xa trước hoàn cảnh cùng quẫn của người mẹ cũng như cái chết oan uổng của bé gái 13 tháng tuổi, nhưng dù là lý do gì thì người mẹ giết con này cũng phải đối mặt với những bản án của lương tâm và pháp luật. Vậy, với hành vi giết con trong lúc tuyệt vọng, người mẹsẽ phải chịu hình phạt như thế nào? Việc giết con ruột và giết người ngoài, hình phạt có khác nhau không? Người mẹ sau khi giết con đã có hành vi tử tự (nhưng bất thành) có phải là tình tiết để giảm nhẹ tội không?
|
Công an đang làm việc với người nhà của chị A. - người mẹ giết con 13 tháng tuổi rồi tự tử nhưng bất thành. |
Trao đổi với
Kiến Thức, luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, nếu sự thật là người mẹ đã giết con 13 tháng tuổi thì người mẹ phạm vào tội
Giết người theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là "Giết trẻ em". Mức hình phạt cho khung này là từ 12 năm tù đến tử hình.
Giết con và giết người ngoài thì về cơ bản đều phạm vào tội Giết người. Tuy nhiên cũng có trường hợp giết con sẽ không phạm vào tội Giết người mà phạm vào tội Giết con mới đẻ theo Điều 94 Bộ luật Hình sự 1999 với mức hình phạt nhẹ hơn nhiều, chỉ tối đa 02 năm tù. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ áp dụng khi đủ 02 điều kiện: 1. Người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ: phụ nữ ít học khi sinh con ngoài giá thú, lo sợ bị dư luận phán xét hoặc đứa trẻ được sinh ra có tật nguyền nên bị người mẹ giết (đây chỉ là ví dụ thực tế chứ pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể và tội danh này hiện nay cũng hiếm khi được áp dụng); 2. Đứa trẻ phải là con mới sinh dưới 7 ngày tuổi.
Cũng theo luật sư Thạch, người mẹ giết con rồi tự tử không phải là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên nó chứng minh động cơ giết con của người mẹ là không hề ác ý mà chỉ là hành động thiếu suy nghĩ, muốn con chết cùng mẹ. Điều này thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này không lớn như những hành vi giết người khác. Do vậy đây cũng được xem là cơ sở để hội đồng xét xử cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người mẹ.
Điều 93 Bộ luật Hình sự: Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.