Hai công nhân bị “chôn sống” ở Hải Phòng: Che sai phạm?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ 2 nữ công nhân chết ngạt tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng lần nữa minh chứng cho việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn lao động...

Đã hai ngày trôi qua, người dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn bàng hoàng, chua xót trước cái chết tức tưởi của hai công nhân tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Cụ thể, vào 7h30 ngày 9/7, Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Hoàng Vỹ (địa chỉ ở xóm 9, xã Tam Hưng), là đơn vị ký hợp đồng dọn tro xỉ với Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng), đã cho công nhân vào thực hiện dọn dẹp tại khu vực phễu tro lọc bụi khối 2 của nhà máy, dẫn tới cái chết thảm, gây nóng dư luận.

Cấm cửa báo chí tác nghiệp...

Trong quá trình dọn tro xỉ, 2 công nhân là Ngô Thị Lan (SN 1976) và Cao Thị Thảo (SN 1987) cùng trú ở xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, đang xúc tro thì bất ngờ bị phần tro trong phễu rơi xuống phủ lên người. Ngay sau đó, Công ty Nhiệt điện Hải Phòng phối hợp cùng Công ty Hoàng Vỹ khẩn trương đưa 2 công nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Thủy Nguyên, nhưng tới 19h30 cùng ngày, cả hai tử vong, nguyên nhân bước đầu được xác định do bị ngạt bụi tro.

Nhân chứng vụ việc, đồng thời là chồng của nạn nhân Ngô Thị Lan, anh Lại Văn Minh (SN 1972) cho biết, Công ty Hoàng Vỹ có hợp đồng vệ sinh với Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Sáng 9/7, anh cùng vợ là Ngô Thị Lan, chị Lại Thị Hạnh, Phạm Thị Hiền, Cao Thị Thảo được công ty điều đến để làm việc. Dù là nhân viên của Công ty Hoàng Vỹ nhưng mọi người đều không có hợp đồng lao động.

 Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, nơi xảy ra vụ tai nạn.

“Ngày 9/7, chúng tôi được phân công vào dọn vệ sinh ở đáy phễu lò hơi để lấy xỉ muội của tổ máy số 2 thuộc Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, chỉ một người một chui vừa miệng phễu. Trong khi anh Minh làm ở một phễu, thì chị Lan và chị Thảo làm tại một phễu khác. Một lúc sau, không thấy phễu bên chỗ chị Lan và chị Thảo có tiếng động, mọi người chạy sang thì cả hai đã bị xỉ muội phủ kín người. Phải khoan lỗ dưới đáy phễu mới đưa được các chị ra ngoài. Dù đưa đi cấp cứu nhưng cả hai đã bị chết ngạt”, một nhân chứng cho biết.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, không hiểu vì lý do gì mà Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng ngăn cản các phóng viên vào tác nghiệp. Không chỉ có vậy, khi sự việc xảy ra, cán bộ công an xã Tam Hưng và Trạm công an Phà Rừng có mặt nhưng cũng bị cấm cửa. Đến chiều ngày 10/7, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng mới cho các PV vào hiện trường để tác nghiệp. Đến sáng ngày 11/7, lực lượng công an mới tiếp cận hiện trường để điều tra. 

Chiều 10/7, trao đổi với Kiến Thức, ông Đỗ Văn Hải, Trưởng phòng Hành chính - Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, hiện đơn vị vẫn đang phối hợp với Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thủy Nguyên cùng các cơ quan chức năng thành phố tiến hành làm rõ nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn. Công ty cũng đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.

Xử lý thế nào?

Vụ tai nạn thương tâm tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng bảo vệ an toàn lao động hiện nay. Trước đó, cũng đã xảy ra không ít vụ tai nạn lao động thương tâm, mà nguyên nhân chính là do sự thờ ơ của các đơn vị trong việc bảo vệ an toàn cho người lao động.

Trong Nghị định 06/CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về An toàn lao động, vệ sinh lao động, Điều 6 Chương 2 đã nêu rõ: Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy cách và chất lượng theo tiêu chuẩn, danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng được quy định cụ thể trong Điều 9, Chương 3 của Nghị định này, Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động theo Điều 105 của Bộ luật Lao động được quy định như sau: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu tại chỗ người bị tai nạn lao động, sau đó phải chuyển ngay đến cơ sở y tế. Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm nhiều bị thương nặng thì phải giữ nguyên hiện trường nơi xảy ra tai nạn lao động và báo ngay với cơ quan Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động và cơ quan Công an địa phương.

 Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng.

Các điều luật đã quy định rõ như vậy, tuy nhiên vấn đề an toàn lao động vẫn bị một số đơn vị thiếu quan tâm.

Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề trên, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ông Hà Tất Thắng cho biết, các điều luật về lao động đã quy định rõ, vụ việc hai công nhân chết tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng do tai nạn lao động, thì khi xảy ra sự việc, công ty có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan công an để điều tra làm rõ nguyên nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Xử lý xong hiện trường, lập biên bản và thông tin ban đầu tới báo chí.

“Khi xảy ra tai nạn tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, đoàn kiểm tra lao động của TP Hải Phòng, bao gồm Thanh tra Lao động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, đại diện sở Y tế, dưới sự giám sát của công an TP Hải Phòng và Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng sẽ tổ chức điều tra. Khi nào đoàn kiểm tra mà có khiếu kiện từ cơ sở, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cùng các đơn vị của Bộ sẽ xuống hiện trường để thanh tra, làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm”, ông Hà Tất Thắng cho biết.

Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về vụ việc này...

Bố chồng nạn nhân Ngô Thị Lan, khi tiếp chuyện với PV Kiến Thức đã không giấu nổi sự bức xúc: “Khi nhận tin con dâu bị như thế, tôi đã chết điếng người. Không ngờ bất hạnh lại đổ xuống gia đình nghiệt ngã như thế. Nhà máy và công ty đã hỗ trợ tiền. Tuy nhiên, số tiền lớn đến bao nhiêu không so được với mạng người. Vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ an toàn lao động hiện nay vẫn bị coi nhẹ. Từ trước đến giờ đã xảy ra nhiều vụ tương tự, nhưng không ngờ con tôi lại là nạn nhân. Đi làm không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm lao động. Nghiệt ngã, quá nghiệt ngã”.

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Thiên Ninh

Bình luận(0)