Liên quan đến vụ
tai nạn giao thông khiến một
lái xe và 3 người trong gia đình một
bác sĩ ở Long An tử vong, mới đây Công an huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) đang xác minh việc hai chiếc xe đi ngang hiện trường vụ tai nạn này nhưng không cứu giúp để có hình thức xử lý phù hợp và làm gương cho các trường hợp sau.
Thông tin này đã gây nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Nhiều người băn khoăn liệu việc xác minh những chiếc xe đi ngang qua hiện trường có dễ không, làm sao để biết được là họ biết có tai nạn mà không dừng xe đưa người đi cấp cứu. Nếu có người vẫy xe, kêu cứu giữa đường, họ không tin, sợ nguy cơ bị lừa đảo, cướp giật nên không dừng xe thì xử lý ra sao? Trong pháp luật Việt Nam có quy định gì về hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy kịch hay không, nếu có thì hình thức xử lý như thế nào?
|
Hiện trường vụ tai nạn ô tô làm 3 người trong gia đình bác sĩ ở Long An và 1 tài xế tử nạn. |
Trao đổi với Kiến Thức về những vấn đề trên, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, trong Bộ luật Hình sự 1999 tại Điều 102 có quy định về tội “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Theo đó, “người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Vậy, theo luật, để quy tội này cho một người thì phải đảm bảo 2 yếu tố: 1/ Người đó biết về việc nạn nhân đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; 2/ Người đó có đủ điều kiện cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn dến nạn nhận chết. Thiếu một trong hai thì không đủ điều kiện xử lý hình sự. Ngoài ra thì ngay cả Luật giao thông đường bộ tại Điều 36 cũng quy định người nào có mặt tại hiện trường phải tham gia cứu giúp người bị nạn, xe đi ngang qua có nghĩa vụ đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Trong vụ việc này, theo lời khai của một số nhân chứng, họ thấy có hai chiếc xe đi qua hiện trường vụ tai nạn, mặc dù đã được người dân ra dấu hiệu cứu giúp người bị nạn nhưng hai chiếc xe vẫn bỏ đi. Với thông tin như vậy thì công an truy tìm 2 chiếc xe trên là điều cần thiết để làm rõ việc có hay không hành vi không cứu giúp người bị nạn trong lúc họ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Việc truy tìm 2 chiếc xe này cũng không khó vì có thể nhân chứng nhớ được biển số xe.
Ở đây cần làm rõ 2 tình tiết: Một là thời điểm 2 chiếc xe đi qua hiện trường nạn nhân đã chết chưa; hai là lái xe của 2 chiếc xe trên trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy có đủ để nhìn thấy hoặc nhận thức được rằng vừa có một vụ tai nạn vừa xảy ra hay không?
Đối với tình thiết thứ nhất thì có thể dễ dàng xác minh qua lời khai của nhân chứng kết hợp với những phân tích mang tính khoa học.
Đối với tình tiết thứ hai thì cần phải tiến hành thực nghiệm điều tra, ngoài lời khai của người yêu cầu trợ giúp còn lấy lời khai những hành khách đi cùng trên xe để xác minh tài xế có đủ điều kiện để nhận thức được vừa có một vụ tai nạn xảy ra và có người bị nạn đang cần giúp đỡ hay không?
“Trả lời câu hỏi này cần đặt một người bình thường vào vị trí của tài xế liệu có thể biết được dấu hiệu của người yêu cầu dừng xe là dấu hiệu trợ giúp người gặp nạn hay không? Để biết được dấu hiệu dừng xe của người yêu cầu là dừng xe để cứu giúp người bị nạn hay dừng xe vì lý do khác thì cần kết hợp: 1. Tín hiệu yêu cầu dừng xe; 2. dấu hiệu có thể nhìn thấy quanh hiện trường như vết trượt của xe, cây đổ bên đường và cả xe nằm dưới ao (có xét đến điều kiện ánh sáng, tốc độ). Nếu có đủ hai yếu tố này thì theo tôi tài xế phải có nghĩa vụ dừng xe để tiếp nhận thêm thông tin từ người yêu cầu. Nếu không dừng thì tài xế có dấu hiêu phạm vào tội tội “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, Luật sư Thạch phân tích.
Cũng theo ông Thạch, một trường hợp đặc biệt là mặc dù có yêu cầu dừng xe và thông tin mà người yêu cầu cung cấp là dừng xe để cứu người bị nạn, tài xế có giảm tốc độ nhưng không nhìn thấy dấu hiệu của một vụ tai nạn nên họ không dừng lại vì lo sợ bị cướp nhất là trong hoàn cảnh đêm khuya, đường vắng thì có phạm tội hay không? Đây là trường hợp sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
“Nhiều người cho rằng tình ngay, lý gian và tài xế vẫn phạm tội tuy nhiên quan điểm cá nhân của tôi cho rằng áp dụng pháp luật như vậy là cứng nhắc, tôi cho rằng trường hợp này tài xế không phạm tội. Còn trong trường hợp có nhìn thấy dấu hiệu của vụ tai nạn như tôi phân tích ở trên thì không thể viện lý do lo sợ cướp được hoặc thậm chí biết yêu cầu dừng xe của họ là yêu cầu cứu giúp người bị nạn, nhưng không giảm tốc độ để quan sát xác minh thông tin mà đi lướt ngay thì vẫn có lỗi”, Luật sư Thạch nhận định.