Đuổi việc vì uống rượu bia trong giờ hành chính có đúng luật?

Google News

(Kiến Thức) - UBND tỉnh Trà Vinh vừa ra quy định từ ngày 6/4 cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính có thể bị cho thôi việc. Quyết định này được nhiều người ủng hộ nhưng lại nằm "ngoài luật”.


Có thể bị cho thôi việc

Theo quyết định của UBND tỉnh Trà Vinh, kể từ ngày 6/4, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh vi phạm chỉ thị của Tỉnh ủy về uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa có thể bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc cắt hợp đồng lao động.

Các hành vi sẽ bị kỷ luật bao gồm: uống rượu bia trong giờ hành chính; uống trong các bữa ăn trưa của ngày làm việc; tiếp khách ở những nơi có tính chất nhạy cảm, có dư luận xã hội không tốt...

 PGS. TS. Phùng Trung Tập: "Tôi rất ủng hộ quyết định này nhưng cần xem xét có đúng với Luật Cán bộ, Công chức hay không"

Quyết định này quy định việc xử lý kỷ luật diễn ra trong 30 ngày kể từ ngày phát hiện vụ việc. Nếu cá nhân vi phạm lần đầu thì bị nhắc nhở, phê bình. Vi phạm lần thứ hai sẽ bị cắt thi đua và nếu vi phạm lần thứ ba sẽ bị kỷ luật. Người đứng đầu và đơn vị có cá nhân vi phạm cũng sẽ bị xử lý không xét thi đua hoặc kỷ luật tùy theo mức độ.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên Kiến Thức về việc cấm công chức uống rượu, bia... PGS.TS Nguyễn Hữu Hải, Học viện Hành chính nhận định: "Một trong những nguyên nhân để cán bộ, công chức có thể uống rượu, bia ngay trong ngày làm việc là do quỹ thời gian của họ quá dư dật. Với nhiều người thật sự mang đậm nét của một công chức chức nghiệp, kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", việc hôm nay không làm thì có thể để đến ngày mai, ngày kia cũng chẳng sao. Thêm nữa, cơ chế hiện nay đang "cực an toàn" cho cán bộ, công chức, nếu họ có vi phạm chưa đến mức độ nghiêm trọng thì thủ trưởng cơ quan cũng không thể cách chức, đuổi việc họ được. Do đó, cái gốc của vấn đề là phải để công chức thấy rằng họ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định thì sẽ bị ảnh hưởng đến tiền lương, thưởng, thậm chí là "về vườn".

Được đồng tình nhưng lại chưa đúng luật?

Trao đổi với Kiến Thức, PGS.TS. Phùng Trung Tập, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Trà Vinh đã có những biện pháp mạnh, cứng rắn nhằm răn đe và phòng ngừa những thói quen uống rượu của một số cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước đã gây ảnh hưởng không tốt đối với hình ảnh và phong cách của cán bộ, công chức, bộ đội nói chung trong suy nghĩ của người dân”.

“Biện pháp cứng rắn này đã góp phần giữ vững kỷ cương trong từng đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan và thể hiện được trách nhiệm của cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, công tác của cơ quan, đơn vị giao phó”.

Tuy nhiên, PGS. TS. Phùng Trung Tập cũng cho rằng còn một số điểm trong Quyết định cần phải được xem xét thật cẩn trọng và phù hợp với Luật Cán bộ, Công chức đang có hiệu lực thi hành.  

“Tại các Điều 78, Điều 79 và Điều 80 của luật này qui định hình thức kỷ luật buộc cán bộ, công chức bị cách chức, bãi nhiệm (đối với cán bộ) và hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (đối với công chức) chỉ trong trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định của Luật Cán bộ, Công chức. Nhưng trong Luật Cán bộ, Công chức không có quy định chế tài đối với cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính và buổi trưa".

Theo PGS. TS. Phùng Trung Tập:  “Quyết định của UBND tỉnh Trà Vinh rất tích cực nhưng biện pháp mạnh và mục đích tốt cũng cần phải dựa trên những nguyên tắc của pháp luật thì mới có hiệu quả cao trong khi áp dụng và được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ tuân theo”.



Nga Quỳnh

Bình luận(0)