Ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Quốc hội TP HCM:
Luật biểu tình, phải tính đến người buôn thúng bán bưng
“Xây dựng Luật biểu tình là cần thiết, nhưng đừng nên nóng vội. Phải tính đến tất cả các yếu tố khác như bảo hiểm nhân thọ, người buôn thúng bán bưng. Và dân biểu tình không có nghĩa là chính quyền phải đáp ứng nguyện vọng cuộc biểu tình đó”, ông Hoàng Hữu Phước cho biết.
Biểu tình không phải là để ép chính quyền
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có ngay Luật biểu tình để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Quan điểm của ông thế nào?
Luật Biểu tình đòi hỏi sự chuẩn bị công phu. Điều mà tôi nói từ năm 2011 là chúng ta không có sự tương đồng giữa tiếng Anh và tiếng Việt về chữ biểu tình. Trong khi đó luật nào cũng cần phải có cả bản tiếng Anh. Vì luật không chỉ điều chỉnh hành vi của công dân Việt Nam mà cả hành vi của những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Biểu tình trong từ điển tiếng Việt là bày tỏ chính kiến ủng hộ hoặc không ủng hộ điều gì đó. Trong khi đó trong từ điển Việt Anh thì lại định nghĩa biểu tình là một hành động phản vệ, chống lại cái gì đó mà người ta gây ra thiệt hại cho mình, tập hợp đông người. Hiểu ngắn gọn là chống lại một quy định, sắc lệnh, đạo luật nào đó của chính quyền có hại cho mình.
Ý ông Luật biểu tình là cần, nhưng chưa vội?
Giờ nếu không có sự chuẩn bị kỹ, khi biểu tình, có những người không thiện chí, phá hoại thì những trường hợp đó lại nằm trong các điều khoản chi tiết của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vậy thì nó nảy sinh vấn đề pháp lý, tranh luận, tranh cãi kiện tụng với nhau. Cần chuẩn bị kỹ các chi tiết như thế
Vậy nếu có Luật biểu tình, nguyện vọng của người dân có được đáp ứng nhiều hơn?
Ở các nước tư bản, quyền tự do tụ tập đông người là quyền của người dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc tụ tập nào cũng đạt được nguyện vọng. Tụ tập là quyền của dân. Giải quyết vấn đề hay không là quyền của chính quyền. Họ tự do nói, tự do làm. Trước đây người dân Mỹ xuống đường chống chiến tranh Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền đâu có rút quân, dừng lại cuộc chiến đâu.
Đó cũng chính là nội dung của khái niệm biểu tình mà chúng ta xây dựng?
Đúng thế. Người dân có bức xúc và quan trọng là chính phủ lắng nghe chứ không phải là anh nộp đơn tôi không nghe, khi anh biểu tình thì tôi nghe. Dù đó là tờ giấy hay là tụ tập lại để đề đạt ý kiến thì cũng không có nghĩa là nguyện vọng ấy được thỏa mãn, được lắng nghe.
Phòng tiếp dân chỉ để cho có
Hiện khiếu nại tố cáo của người dân tăng cao, trong khi đó các kênh để đề đạt nguyện vọng lại không nhiều?
Có nước nào như Việt Nam, có quá nhiều cơ quan tiếp dân. Từ trung ương đến cơ sở. Nếu người dân có vấn đề gì, thì tại sao không đến những cơ quan này để bày tỏ nguyện vọng? Hoặc có thể bằng cách gửi email thể hiện nguyện vọng của mình. Phải chăng chúng ta đang không phát huy tác dụng của những cơ quan đó hay sao?
Ông vừa nói đến bộ phận tiếp dân, hiện nay rõ ràng vai trò của nó được thể hiện không nhiều?
Từ trước đến giờ địa điểm tiếp dân chưa phát huy tác dụng. Có những vụ việc kéo dài vài chục năm, hết người này người kia chỉ đạo xử lý mà không giải quyết được. Không phải chúng ta không có cơ chế để giải quyết những uẩn khúc của người dân mà là có những vị lãnh đạo đã không làm tròn cái đó. Đó là một trong những lý do khiến khiếu nại tố cáo nhiều.
Vì đến phòng tiếp dân không giải quyết được, người dân buộc phải tụ tập biểu tình?
Lãnh đạo phải lắng nghe, có trả lời giải tỏa ý kiến nguyện vọng của dân, nhưng không phải dân đề đạt điều gì là lãnh đạo phải làm theo điều đó. 90 triệu dân có 90 triệu nguyện vọng thì nhà nước sẽ như thế nào. Vấn đề là nhà nước phải giải thích cho dân hiểu pháp luật, hiểu các quy định và chấp hành nó.
Rõ ràng nhiều người dân mong muốn có Luật biểu tình để thỏa mãn những bức xúc?
Kinh nghiệm ở các nước tư bản, biểu tình là thể hiện quyền tự do của công dân. Chứ không phải biểu tình là ép buộc được nhà nước làm theo ý của mình. Ai cũng có quyền tự do phản vệ, phản đối với những điều mình thấy không thỏa đáng. Đó chỉ là biện pháp nêu chính kiến chứ không có nghĩa là biểu tình thì đạt được mục đích.
Biểu tình phải bồi thường cho người buôn thúng bán bưng
Ông vừa nói ta phải có thời gian chuẩn bị kỹ luật này, theo ông sẽ phải chuẩn bị điều gì?
Những chuyện tụ tập đông người thường làm phương hại đến đời sống của những người buôn thúng bán bưng, ách tắc giao thông. Nếu xây dựng luật thì phải có thêm điều là ngoài việc xin phép cơ quan nhà nước để tụ tập đông người tại địa điểm đó, thời gian đó thì phải làm việc với những người buôn thúng bán bưng ngoài đường để bồi thường cho người ta. Vì thu nhập chính đáng của người ta bị mất. Đó là một trong những điều phải tính đến.
Ngoài ra phải chuẩn bị điều gì nữa thưa ông?
Chúng ta cần nhiều thời gian để chuẩn bị tất cả mọi thứ như bảo đảm những trường hợp bất trắc có thể xảy ra trong biểu tình thì người bị hại được bồi thường như thế nào, được bồi thường trong những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như thế nào. Phải chuẩn bị từ việc lý giải từ ngữ biểu tình. Phải làm việc với chủ nhân những cửa hàng buôn bán nơi diễn ra biểu tình. Nói chung là nhiều việc.
Và ông cũng nói biểu tình không có nghĩa là lật đổ hay phản đối, đơn giản là thể hiện chính kiến?
Đúng thế. Một số người biện luận nói rằng các nước đều có luật biểu tình thì ta cũng thế. Họ quên mất một điều rằng đó là những nước tư bản. Thân phận của người lao động cách đây hàng trăm năm là những người bị bóc lột. Họ bơ vơ, họ phải tụ tập đông người lại để đề đạt chính kiến đối với nhà cầm quyền. Trong khi đất nước của chúng ta hoàn toàn khác.
Rõ ràng những vấn đề đó có thể giải quyết được trong quá trình làm luật?
Tôi cung cấp những tư liệu đó để những người làm luật để ý để đưa vào. Tôi mong rằng người soạn thảo dự án luật sẽ xem xét để có bộ luật hoàn hảo. Tôi vẫn khẳng định Luật biểu tình là cần thiết, nhưng phải làm kỹ.
Xin cảm ơn ông!