Dân “tố” CSCĐ vung gậy: Bệnh viện từ chối cấp cứu nạn nhân?

Google News

Gia đình nạn nhân tố CSCĐ vung gậy gây thương tích tiếp tục phản ánh việc bệnh viện từ chối cấp cứu nạn nhân trong khi có giấy chuyển viện.

Ngày 30/10, anh Lê Thanh Hải (32 tuổi, quê Bình Định) cho biết, cơ quan công an đã tiến hành xác định tỷ lệ thương tật đối với tình trạng thương tích của anh.
Theo anh Hải, hiện tại mắt phải của anh không nhìn thấy bất cứ vật gì, mắt trái lờ mờ, sức khỏe đỡ hơn nhưng vẫn còn đau nửa thân bên phải, nước ối, máu mủ chảy ra, đầu óc có lúc choáng váng, đau nhức. Hiện tại, anh Hải sinh hoạt, đi lại rất khó khăn do hạn chế tầm nhìn.
Biểu mẫu "tai nạn giao thông" đã được lập trình?
Liên quan đến vụ việc, chúng tôi đã nhận được đơn người thân của anh Hải phản ánh bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 không tích cực chữa trị ngay từ đầu đối với tình trạng thương tích của Hải khiến hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Đặc biệt, Bệnh viện Mắt TP HCM lại từ chối cấp cứu nạn nhân trong khi có giấy chuyển viện từ Bệnh viện 115.
 Nạn nhân Lê Thanh Hải có khả năng bị mù mắt phải, hiện mắt trái cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Phan Cường
Đơn phản ánh thể hiện, sau khi bị cảnh sát cơ động vung gậy té ngã, anh Lê Thanh Hải được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế Q.10. Tuy nhiên do thương tích nặng nên Hải được chuyển đến Bệnh viện 115 vào lúc 3h ngày 21/10/2014.
Tại phòng Cấp cứu Bệnh viện 115 các bác sỹ ca trực này không rửa vết thương, không thuốc men cho bệnh nhân và thông báo vết thương ngoài da không hệ trọng, gia đình đem về nhà chữa trị. Chỉ đến khi gia đình phản ứng quá bác sỹ mới để nạn nhân nằm lại.
Từ khi nhập viện 3h ngày 21/10/2014 đến 9h sáng cùng ngày các bác sỹ mới rửa vết thương, không có thuốc men và động tác chuyên môn gì cho đến chiều 21/10/2014 chuyển đến khoa Mắt - Bệnh viện 115.
Tại đây bác sỹ tên Bùi Trung Dũng – Phó khoa Mắt Bệnh viện 115 xem xét, khám rồi cho toa mua thuốc bên ngoài.
Sau đó gia đình tiếp tục hối thúc bác sỹ, y tá khám lại thì vào lúc 10h ngày 23/10/2014 bác sỹ Dũng chính thức tư vấn cho gia đình biết bệnh tình của bệnh nhân (theo hồ sơ bệnh án) là chấn thương đụng dập nhãn cầu, tổn thương thị thần kinh hậu cầu, nứt xoang hàm...
"Bác sỹ Dũng nói ở Bệnh viện 115 không đủ thiết bị chữa trị mắt cho bệnh nhân này, do vượt quá khả năng chữa trị của bệnh viện, nên yêu cầu gia đình chuyển viện cho bệnh nhân” - đơn viết.
Theo người nhà nạn nhân, bác sỹ Dũng đề nghị gia đình anh Lê Thanh Hải ký tên vào biểu mẫu trống. Đáp lại, người nhà anh Hải yêu cầu bác sỹ Dũng phải ghi rõ nội dung đã tư vấn vào biểu mẫu nhưng bác sỹ Dũng trả lời tất cả bệnh nhân đều phải ký tên như vậy.
"Gia đình không đồng ý ký tên khống hồ sơ. Chúng tôi chỉ ký khi bác sỹ Dũng viết nội dung đúng như những gì đã tư vấn vào biểu mẫu, thế nhưng bác sỹ Dũng lại không đồng ý. Sau một hồi đôi co cuối cùng bác sỹ Dũng mới đồng ý viết theo nội dung vụ việc xảy ra và tình trạng thương tích của Hải" - người nhà anh Hải nói.
 Nạn nhân Lê Thanh Hải có khả năng bị mù mắt phải, hiện mắt trái cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Phan Cường.
Bệnh viện 115 phản hồi
Ngày 31/10, sau khi nhận được phản ánh của người dân, bác sỹ Trần Văn Sóng – phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân Lê Thanh Hải nhập viện lúc 3h08 ngày 21/10/2014 do 3 chiến sĩ CSGT CA Q.3 đưa vào kèm giấy chuyển viện của bệnh viện Q.10.
Tình trạng bệnh nhân lừ đừ, than đau đầu, trầy sát ở trán, tiếp xúc được, tim rõ đều, phổi không ran, không yếu liệt tay chân, mắt phải sưng, chảy máu từ trong mắt, vết thương 2cm ở mi mắt phải, bụng mềm, xây xát hai tay. Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là 98.5mg/dl (cao), giới hạn phát hiện là 10mg/dl.
Lúc 3h15 ngày 21/10/2014, người bệnh được chuyển chụp CT scanner, băng rửa vết thương và chích ngừa uốn ván. Khi có kết quả CT scanner bác sỹ khoa Cấp cứu mời bác sỹ chuyên khoa Mắt khám và được ghi nhận: vết thương mi phía thái dương dài khoảng 2cm tụ máu, không tự mở mắt được, kết mạc xuất huyết, che lấp giác mạc bán phần trước nhãn cầu.
Được chẩn đoán: vết thương mi ở mắt phải khoảng 2cm, theo dõi chấn thương nhãn cầu/chấn thương sọ não và xử lý khâu vết thương mi, tiếp tục cho theo dõi diễn tiến của chấn thương sọ não do lúc vào người bệnh có triệu chứng lừ đừ, đau đầu và có nồng độ cồn trong máu cao hơn so với ngưỡng cho phép.
Đến 7h10, người bệnh được xử trí thêm thuốc giảm đau và thuốc chống nôn ói.
Người bệnh được lưu tại cấp cứu với mục đích theo dõi thêm về tình trạng sọ não, nếu diễn tiến có dấu hiệu máu tụ, sẽ được các bác sỹ chuyên khoa Ngoại Thần kinh xử trí kịp thời và mổ cấp cứu.
Đến 10h20 ngày 21/10/2014, theo dõi các dấu hiệu sọ não tạm ổn, người bệnh được chuyển từ khoa Cấp cứu đến khoa Tai Mũi Họng với chẩn đoán: Theo dõi vỡ xong hàm phải, máu tụ xoang trán + vết thương mi ở mắt phải khoảng 2cm, theo dõi chấn thương nhãn cầu và tiếp tục được xử trí thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
Sáng 23/10/2014 người bệnh được bác sỹ Bùi Trung Dũng giải thích và tư vấn: Đây là trường hợp chấn thương dập nhãn cầu, còn sưng, phù nề cần phải điều trị bằng phương pháp nội khoa (thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề, giảm đau), tiếp tục theo dõi một thời gian và chưa có chỉ định can thiệp ngoại khoa ở thời điểm này.
"Sau đó sẽ đánh giá lại có can thiệp ngoại khoa hay không. Chúng tôi đã tư vấn và giải thích chu đáo cho người bệnh và thân nhân như chuyên môn đã ghi nhận.
Nếu gia đình đồng ý tiếp tục điều trị nội khoa tại bệnh viện nhân dân 115 thì vẫn được các bác sỹ tận tình chăm sóc và theo dõi. Nếu gia đình muốn điều trị tiếp tại Bệnh viện chuyên khoa thì chúng tôi sẽ chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn, ở đây chúng tôi không hối thúc người nhà chuyển viện.
Sau khi bác sỹ tư vấn và giải thích cho người bệnh và thân nhân thì bác sỹ có yêu cầu thân nhân ký vào phiếu tư vấn, giải thích làm đã được nghe bác sỹ tư vấn chứ không phải ký vào phiếu có biểu mẫu trống.
Người bệnh được chuyển viện theo yêu cầu của gia đình, sau khi đã nghe tư vấn, giải thích, bác sỹ Bùi Trung Dũng đã sơ kết bệnh án và viết phiếu chuyển viện đến bệnh viện Mắt TP.HCM lúc 14h59 với mục đích chuyển viện để được điều trị chuyên khoa sâu về bán phần sau và thần kinh nhãn khoa." - bác sỹ Sóng nói.
Không cấp cứu bệnh nhân là vi phạm pháp luật
Đến 14h30 ngày 23/10/2014 Bệnh viện 115 chuyển bệnh nhân Lê Thanh Hải đến Bệnh viện Mắt TP.HCM. Thế nhưng nơi đây lại từ chối cấp cứu bệnh nhân Lê Thanh Hải mà không rõ lý do gì.
“Khi xe cấp cứu Bệnh viện 115 chở con trai tôi đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Mắt TP.HCM, một bác sỹ có xem hồ sơ bệnh án của cháu và nói khoa Mắt tại Bệnh viện 115 rất giỏi sao lại không ở đó điều trị mà lại chuyển đến đây.
Nói rồi vị bác sỹ lắc đầu không tiếp nhận hồ sơ bệnh án cũng như không đưa con tôi vào điều trị theo giấy chuyển viện từ Bệnh viện 115” - bà Thân Thị Hồng (SN 1967), mẹ nạn nhân Lê Thanh Hải kể lại.
Thấy tình hình căng thẳng, nhân viên đi theo xe cấp cứu Bệnh viện 115 liền lấy điện thoại gọi về bệnh viện 115 xin ý kiến chỉ đạo, lát sau xe rời khỏi bệnh viện Mắt và nhắm hướng Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5).
“Đi trên xe cấp cứu tôi hồi họp, lo lắng vì nếu thằng Hải đến Bệnh viện Chợ Rẫy mà nơi này từ chối nữa thì không biết chuyển về đâu, trong khi bệnh tình ngày một nặng thêm. Cũng may mà ở đây họ nhận cấp cứu và chữa trị cho con trai tôi. Đến nơi, lập thủ tục, hồ sơ nhập viện xong khoảng 21h00 ngày 23/10/2014” – bà Hồng nói.
Trao đổi với PV VTC News, một lãnh đạo bệnh viện cho rằng: “Dù thế nào đi chăng nữa, khi bệnh nhân có giấy chuyển viện từ nơi khác đến nơi anh thì bắt buộc anh phải tiếp nhận và điều trị. Sau đó mới nói rõ lý do chuyển đi đâu, lý do tại sao, giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết.
Khi họ đồng ý mới được chuyển viện, phải có bút tích phê trong hồ sơ chứ không nói miệng. Trong bất cứ trường hợp nào, bệnh viện từ chối cấp cứu bệnh nhân là sai quy định, vi phạm pháp luật”.
Chiều 31/10, bác sỹ Bùi Thị Thu Hương – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng cho biết sẽ kiểm tra lại vấn đề có hay không các bác sỹ Bệnh viện Mắt từ chối cấp cứu bệnh nhân Lê Thanh Hải trong khi có giấy chuyển viện của Bệnh viện 115 chuyển đến.
Ngày 1/11, TS.BS Nguyễn Đình Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: “Sau khi hoàn tất hồ sơ chuyển viện, bệnh viện 115 có điều xe cấp cứu và nhân viên hỗ trợ đưa bệnh nhân Lê Thanh Hải đến bệnh viện Mắt TP.HCM để theo dõi điều trị tiếp tục.
Tuy nhiên, sau đó có thông tin Bệnh viện Mắt TP.HCM không tiếp nhận bệnh nhân, cái này thì tôi không biết được. Tuy nhiên, xét về nguyên tắc, khi có bệnh nhân cấp cứu thì buộc bệnh viện phải tiếp khám chứ không thể từ chối, nếu từ chối là sai quy định và phải ghi rõ bút tích trong hồ sơ khi tiếp khám hay chuyển viện với bất cứ lý do gì”.
Theo VTC

Bình luận(0)