Dân lo sốt vó vì nhà máy xử lý rác thải không nhận rác

Google News

(Kiến Thức) - Nhà máy xử lý rác thải cho thành phố Hải Dương bất ngờ từ chối tiếp nhận rác với lý do rác sinh hoạt lẫn rác công nghiệp khiến người dân lo lắng.

Không tiếp nhận rác vì nguồn gốc rác thải bị lập lờ
Liên tục thời gian gần đây, người dân TP Hải Dương lo lắng trước việc Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin (có trụ sở tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất của Thành phố Hải Dương với công suất khoảng 150 tấn rác/ngày đêm đã bất ngờ đóng cửa, không tiếp nhận rác từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương, đơn vị thu gom rác trên địa bàn TP Hải Dương. Người dân lo lắng bởi hiện lượng rác thu gom từ thành phố là 170 tấn/ngày. Nếu công ty APT-Seraphin không tiếp nhận xử lý thì lượng rác tồn đọng tại các địa bàn trên TP rất lớn. Đặc biệt, thời điểm này tỉnh Hải Dương đang diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Dan lo sot vo vi nha may xu ly rac thai khong nhan rac
 Nhà máy xử lý rác của công ty APT-Seraphin.
Dan lo sot vo vi nha may xu ly rac thai khong nhan rac-Hinh-2
 
Để tìm hiểu rõ những thông tin liên quan vụ việc trên, sáng ngày 22/10, PV Kiến Thức đã đến nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin (APT). 
Tại đây, PV bắt gặp cảnh 6 xe rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương đỗ ở cổng nhà máy bởi lãnh đạo công ty APT không đồng ý tiếp nhận xử lý rác do có khúc mắc chưa được giải quyết triệt để với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Trịnh Quốc Lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin cho biết, việc công ty không tiếp nhận các xe rác của công ty Môi trường đô thị Hải Dương trong ngày 22/10 là có lý do cụ thể.
“Ngày 21/10, có một xe chở rác công nghiệp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương vào nhà máy. Công ty APT ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Hải Dương về việc xử lý rác thải sinh hoạt. Vì thế, tôi đã yêu cầu ông Khôi, Giám đốc công ty môi trường đô thị Hải Dương xuống gặp và giải quyết nhưng ông Khôi không xuống mà chỉ cho PGĐ công ty xuống nên công ty APT không đồng ý. Chúng tôi đề nghị phải làm việc với lãnh đạo cao nhất phía công ty Môi trường đô thị Hải Dương. Đây cũng là nguên nhân dẫn đến ngày 22/10 các xe chở rác không được vào cổng. Nếu công ty Môi trường đô thị Hải Dương không giải quyết chúng tôi không nhận rác. Chứ nhận kiểu này công ty tôi chẳng mấy mà phá sản”, ông Lập cho biết.
Dan lo sot vo vi nha may xu ly rac thai khong nhan rac-Hinh-3
 Các xe rác của công ty Môi trường đô thị Hải Dương không được công ty APT tiếp nhận nên phải đỗ đầy cổng nhà máy xử lý rác vào ngày 22/10.
Dan lo sot vo vi nha may xu ly rac thai khong nhan rac-Hinh-4
 
Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin cho biết thêm,căn cứ vào Nghị định 59/2007/NĐCP ngày 9/4/2007 (nay được thay thế bằng Nghị định 38/NĐ-CP) về quản lý chất thải rắn và phế liệu thì chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ đối với rác thải sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng. 
"Ngày 1/1/2014 công ty APT ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Hải Dương về việc xử lý rác thải sinh hoạt. Hiện nay, đơn giá hỗ trợ xử lý là 244 nghìn đồng/tấn là tiền hỗ trợ được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Công ty Môi trường đô thị Hải Dương lại có đi thu gom, ký hợp đồng dịch vụ với các công ty, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, không thông báo cho chúng tôi biết. 
Trước vấn đề này đầu năm 2015, tôi cho người đi giám sát, phát hiện ngoài rác thải dân sinh, Công ty Môi tường đô thị Hải Dương còn có thu gom cả rác thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn đưa về nhà máy đánh đồng đó là rác thải sinh hoạt và trả số tiền là 244 nghìn/ tấn. Trong khi để xử lý 1 tấn rác thải công nghiệp chúng tôi phải nhờ đơn vị thứ 3 theo giá hiện nay là 2.300.000 đồng/tấn rác thải. Phát hiện ra việc đó, ngày 1/4/2015 Công ty APT có công văn gửi cho ông Trần Trọng Khôi, giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Dương nhưng đến nay vẫn chưa được sự hợp tác nhằm để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, ông Khôi còn dùng biện pháp không thanh toán tiền chi phí xử lý rác thải khoảng hơn 10 tỷ từ ngày 1/4 cho đến nay, để ép tôi kí vào biên bản giao xác nhận tất cả số rác trên là rác thải sinh hoạt.
Tại cuộc họp có Ủy ban thành phố Hải Dương, Sở Tài Chính, sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hải Dương và văn bản trả lời Công ty Môi trường đô thị Hải Dương và Công ty APT, bản thân ông Khôi có xác nhận là có đi thu gom rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhưng khi để thanh toán số tiền khoảng 10 tỷ cho việc xử lý rác thải từ ngày 1/4/2015 đến nay, ông Khôi lại không ký vào biên bản giao nhận làm cho 6 đến 7 tháng nay công nhân của APT chưa có lương và chi phí phí duy trì hoạt động hàng ngày. Việc làm này của ông Khôi làm tôi vô cùng bức xúc”, ông Lập cho biết.
“Công ty APT đề nghị Công ty Môi trường đô thị cần phân loại rõ chủng loại rác; đồng thời, làm hợp đồng thống nhất mức giá xử lý cho phù hợp với từng loại rác thải. Đến nay Cty APT vẫn giữ quan điểm là đến ngày 30/10/2015, nếu đơn giá đề nghị của APT không được các cơ quan quản lý phê duyệt thì APT sẽ chỉ tiếp nhận rác của cá nhân và các hộ gia đình theo quy định hỗ trợ của Nghị định 38/NĐ-CP. Đồng thời, Công ty Môi trường đô thị phải chuyển kết quả thống kê lượng rác thải thu gom của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ ngày 1/4/2015 đến 30/9/2015. Nếu không có bản thống kê này thì từ ngày 1/11/2015, Công ty APT-SERAPHIN sẽ dừng tiếp nhận rác thải của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Công ty Môi trường đô thị chuyển đến. Đồng nghĩa như vậy, sẽ có cả trăm tấn rác mỗi ngày không có nơi nhận xử lý gây ô nhiễm cho người dân.”, ông Lập đề nghị.
Không thu gom rác thải công nghiệp?
Làm việc với PV Kiến Thức về vụ việc trên, ông Trần Trọng Khôi, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Dương khẳng định, đơn vị không thu gom rác thải công nghiệp và mức giá xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty APT đã được UBND tỉnh quy định là 244.000 đồng/tấn.
“Rác sinh hoạt chưa phân loại được chắc chắn lẫn. Trên địa bàn thành phố có những gia đình sản xuất kinh doanh đã thải ra lượng rác mà bắt buộc mình phải dọn, chưa nói điểm tập kết rác, người ta tháo dỡ nhà cửa, gia đình có người chết, giường chiếu chăn màn, bàn ghế hỏng người ta cũng thuê vận chuyển ra điểm tập kết rác, mình phải mang đi, đến xuống dưới chỗ xử lý thì người ta lại ngộ nhận rác công nghiệp. Trong hơn 800 ngày, hai bên giao nhận rác không hề có ý kiến rác công nghiệp hay gì cả. Hàng ngày chúng tôi mang rác xuống cân, họ tiếp nhận và cũng không có biên bản rác công nghiệp lẫn rác sinh hoạt thành ra họ không đòi được số tiền truy thu xử lý rác công nghiệp. Chúng tôi cũng có văn bản gửi tỉnh về việc trên để xin hướng xử lý. Ngay cả cuối năm 2 bên thanh lý hợp đồng cũng thống nhất không có nợ nần gì, năm nào dứt điểm năm đấy mới được quyết toán”, ông Khôi cho biết.
Dan lo sot vo vi nha may xu ly rac thai khong nhan rac-Hinh-5
 Lý do APT từ chối tiếp nhận rác là do phát hiện một xe chở được công ty này cho rằng là rác công nghiệp của Công ty môi trường đô thị Hải Dương vào nhà máy xử lý.
“Chúng tôi cũng chỉ làm về rác thải sinh hoạt, còn rác công nghiệp thì các đơn vị khác đến xử lý hết. Chúng tôi không có khâu xử lý rác công nghiệp nên chúng tôi cũng không dám làm. Hơn nữa, hiện nay APT đang hiểu lầm câu chuyện công ty làm thu gom rác với các doanh nghiệp thì bọn mình thu tiền doanh nghiệp đấy mà không nộp vào ngân sách. Kinh phí chi trả cho công ty tôi theo hợp đồng thành phố ký theo đơn giá tỉnh quy định, mỗi năm ngân sách chỉ cấp 65 đến 70%, ngoài ra phần thiếu giao cho công ty thu phí vệ sinh, làm dịch vụ bù đắp chi phí do ngân sách cấp thiếu được thể hiện bằng cách giao kế hoạch hàng năm. Ví dụ 100 triệu, tỉnh chỉ cấp 65 triệu, 35 triệu còn lại là phải đi thu phí vệ sinh và làm dịch vụ phải thể hiện trên sổ sách chứ không có chuyện bỏ riêng ra hay hiểu lượng rác đã được thành phố chọn mà ông lại thu số tiền đấy để riêng là không có mà có là chết ngay. Bởi hiện nay đang phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp, hàng năm có kiểm toán, thanh tra, thậm chí quyết toán...” ông Khôi thông tin.
Để giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn này, trong biên bản làm việc ngày 14/10/2015, đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hải Dương đã có ý kiến: Công ty Môi trường đô thị Hải Dương có trách nhiệm thống kê rác thải của các doanh nghiệp trên địa bàn từ ngày 1/4/2015 đến ngày 30/9/2015. Về đơn giá chưa thống nhất được giữa 2 đơn vị, đề nghị có kiến nghị tới UBND tỉnh Hải Dương xem xét để cho ý kiến thực hiện.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng nên sớm tìm giải pháp phù hợp dựa trên những quy định của pháp luật để xử lý vụ việc trên, nếu những mâu thuẫn của hai đơn vị trên không được giải quyết, tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì người dân sẽ bị ảnh hưởng khi hàng trăm tấn rác mỗi ngày không được xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống, gây mất mỹ quan đô thị...
Hải Ninh

Bình luận(0)