Khi đang đánh cá trên biển của Việt Nam, thuyền viên trên tàu Dna 90152 TS bị tàu quân sự Trung Quốc đâm lật úp.
Thuyền trưởng tàu Dna 90152 TS là ông Đặng Văn Nhân kể lại với CNN rằng, ngày 26/5, ông và các thuyền viên đang điều khiển tàu Dna 90152 TS trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ), cách vị trí hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 17 hải lý. Khi thủy thủ đoàn đang làm việc trên tàu đánh cá của họ vào lúc 16h thì thấy một tàu Trung Quốc tiến về phía họ.
“Chúng tôi quay đầu rồi tăng tốc nhưng vẫn bị họ đâm vào mạn phải tàu rồi chuyển sang mạn trái khiến cho tàu chúng tôi bị lật. 10 ngư dân trên tàu đã phải nhảy xuống biển. Sau đó, chúng tôi được tàu Dna 90508 giải cứu. Chúng tôi đã phải bơi trong vòng 10 phút", ông Nhân kể lại.
|
Thuyền viên tàu cá Dna 90152 TS trả lời phỏng vấn CNN. |
May mắn được giải cứu
Ông Đặng Văn Nhân còn cho biết, ông và các thuyền viên rất may mắn vì có các tàu cá Việt Nam đang hoạt động gần đó đến giải cứu.
“Chúng tôi rất may mắn vì vụ chìm tàu xảy ra vào ban ngày và một số người bạn đã nhìn thấy chúng tôi’, ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, thời gian từ lúc va chạm đầu tiên cho đến khi các thuyền viên tàu Dna 90152 TS phải bỏ tàu chỉ có 4 phút. Các thuyền viên thậm chí không có thời gian để mặc áo phao. Hai thuyền viên của ông Nhân đã bị thương nhẹ.
“Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tàu Trung Quốc ở xung quanh nhưng không có tàu Trung Quốc nào có bất cứ hành động gì để cứu các thuyền viên Việt Nam”, ông Nhân cho hay.
|
Tàu cá Dna 90152 TS được trục vớt và đưa về bờ ngày 2/6. |
"Ăn cướp còn la làng"
Mặc dù đã chủ động hung hăng đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc vẫn cho rằng tàu cá Việt Nam đã quấy rối tàu cá Trung Quốc tại vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Tân Hoa xã còn đưa tin, tàu cá Việt Nam bị chìm do “xô đẩy” với tàu cá Trung Quốc.
Ông Đặng Văn Nhân và các thuyền viên phủ nhận tất cả các chứng cứ do phía Trung Quốc dựng lên nhằm đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam.
“Tuyên bố của Trung Quốc là sai sự thật. Tàu Trung Quốc lớn gấp 6 lần tàu chúng tôi. Tàu của chúng tôi là tàu gỗ còn tàu của họ bằng kim loại. Thật là vô lý nếu chúng tôi tiếp cận tàu họ và cố gắng đâm tàu họ với con tàu gỗ như vậy”, ông Nhân cho hay.
Theo thuyền viên Nguyễn Huỳnh Bá Biên – người bị thương nhẹ sau vụ đâm tàu của Trung Quốc, con tàu của họ đã đánh bắt nhiều năm ở ngư trường Hoàng Sa trước khi vụ việc xảy ra. Anh Biên cho biết, các vụ tấn công tương tự của tàu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần nhưng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trái phép, số vụ tấn công đã tăng mạnh.
Mặc dù gặp những mối nguy hiểm thường trực ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống, chủ chiếc thuyền và các ngư dân khẳng định vẫn quyết tâm bám biển và không từ bỏ một tấc nào trong lãnh thổ Việt Nam: “Chúng tôi sẽ quay lại đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Đây là khu vực đánh cá tốt duy nhất của chúng tôi”.
Trung Quốc chưa bồi thường
Bà Huỳnh Thị Như Hoa cho biết, chính phủ Trung Quốc không cung cấp bất cứ khoản bồi thường nào và bà cũng không đủ tiền để mua thuyền mới.
“Bây giờ các thuyền viên đang thất nghiệp. Chúng tôi phải cho họ nghỉ việc tới khi sửa chữa xong chiếc thuyền", bà Hoa cho hay.
Con thuyền do ông Nhân điều khiển có giá khoảng 5 tỷ đồng, bị đắm ở quần đảo Hoàng Sa. Theo bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ nhân chiếc tàu, các đơn vị chức năng hỗ trợ gia đình bà thuê hợp tác xã trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dùng cần cẩu và máy bơm song song để kéo tàu lên.
Lúc 14h30 chiều 2/6, tàu cá ĐNa 90152 đã được kéo thành công lên thanh đà tại HTX trục vớt đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để sửa chữa.
Chính quyền địa phương cho biết, họ sẽ hỗ trợ cho bà Hoa khoảng 800 triệu đồng.