Chân dung những GĐ Ban quản lý dự án ĐSVN bị bắt, đình chỉ

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trần Quốc Đông bị bắt, ông Trần Văn Lục bị đình chỉ chức vụ không thời hạn. Vụ hối lộ 16 tỷ diễn ra trong giai đoạn chuyển giao chức vụ giữa hai ông.

Dư luận đang xôn xao trước thông tin ông Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cùng 3 thuộc cấp vừa bị bắt để điều tra nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của nhà thầu Nhật Bản.
Việc bắt ông Đông diễn ra tại trụ sở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngày 3/5. Ba cán bộ tại Ban Quản lý dự án thuộc Tổng công ty cũng bị bắt.
Thời kỳ ông Đông giữ chức Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (RPMU) là từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2011.
Trước khi về làm Giám đốc RPMU, ông Đông từng là Trưởng ban Ban Quan hệ quốc tế thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I" (đoạn Giáp Bát - Gia Lâm dài 15,26km) giữa Đường sắt Việt Nam và Liên danh tư vấn JKT (trong đó có JTC) được ký ngày 9/9/2009, tức là trong giai đoạn chuyển giao chức vụ giữa hai ông Trần Văn Lục và Trần Quốc Đông.
Ông Trần Quốc Đông.  
Ông Trần Văn Lục giữ chức Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong thời gian từ năm 2000 đến tháng 9/2009. Hiện ông là Trưởng ban quản lý dự án đường sắt - Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ông Trần Quốc Đông và 3 thuộc cấp của mình bị bắt thì Bộ GTVT đã “đình chỉ chức vụ không thời hạn” đối với ông Trần Văn Lục từ trước dịp nghỉ lễ 30/4. Ông này “bị đình chỉ do nghi vấn liên quan đến nghi án nhận hối lộ của JTC từ thời kỳ ông này làm Gíam đốc Ban Quản lý Dự án của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam”.
Trên cương vị mới, ông Trần Văn Lục đang quản lý các dự án đường sắt trên cao đoạn Hà Đông - Cát Linh, dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Cái Lân (Quảng Ninh). Trước đó, Bộ GTVT cũng cho ông Lục tạm dừng công tác một thời gian để giải trình.
Ông Lục là người liên quan tới thời điểm mở hồ sơ thầu để chọn nhà thầu tư vấn. Kết thúc thời gian chọn thầu và tạm ứng tiền cho nhà thầu thì ông Lục nghỉ.
Đây là lần bị đình chỉ công việc thứ 2 của ông Lục. Trước đó, ông Lục đã bị tạm dừng điều hành công việc 15 ngày (từ 24/3 đến 7/4).
 Ông Trần Văn Lục. 
Ngày 21/3, nhiều tờ báo Nhật đồng loạt đưa tin về việc Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC của Nhật khai đã hối lộ một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (16 tỷ đồng) để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA về đường sắt. Trước cơ quan điều tra của Nhật, ông này đã khai các chi tiết như đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu, vào những thời điểm nào.
Vài ngày sau, phó tổng giám đốc Đông cùng người đồng nhiệm Ngô Anh Tảo bị đình chỉ chức vụ trong vòng 10 ngày, để làm rõ thông tin liên quan nghi án.
Trong cuộc họp chiều 23/3, vị giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đương nhiệm và một số cán bộ liên quan đã phát biểu, cam kết thời gian qua không nhận một khoản tiền nào từ phía nhà thầu Nhật Bản. Tương tự, ông Trần Văn Lục, nguyên giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cũng khẳng định không nhận hối lộ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá, thông tin về việc hối lộ mà báo chí Nhật đưa rất nghiêm trọng. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp Nhật đề nghị trao đổi thông tin chính thức để làm sáng tỏ sự việc.
Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hiện là nhà thầu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1. Sau hơn hai năm triển khai, giá trị hợp đồng tư vấn với JTC đã tăng từ 900 tỷ đồng lên hơn 1.226 tỷ đồng.
Đông Nhiên (tổng hợp)

Bình luận(0)