Vì sao không khởi tố hình sự?
Sự việc cha con trưởng an ninh khu phố đánh người dã man đã xảy ra hơn 4 năm nhưng những người hành hạ anh Trương Quốc Hội (33 tuổi, ngụ KP 7, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành một người ngớ ngẩn, đãng trí vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
|
Anh Hội bị cha con ông Chiến trói quặt tay chân và hành hạ như thời trung cổ. Trong ảnh là ông Thọ (cha anh Hội- áo trắng) và ông H. (ngoài cùng bên trái) vào giải cứu đưa đi bệnh viện. Ảnh gia đình nạn nhân cung cấp. |
Theo hồ sơ vụ án của cơ quan công an, khoảng 22h30 ngày 9/2/2011, anh Hội sang nhà Nguyễn Chí Công (SN 1987, là người hàng xóm ở cạnh nhà anh Hội) để nói chuyện về việc Công bơm nước ban đêm, gây ồn ào nhưng Công không ra mà vào nhà khóa cửa lại.
Bực tức, anh Hội leo rào vào nhà anh Công, dùng tay phải đập vỡ 2 tấm kính cửa trước nhà, kính vỡ làm cẳng tay phải của Hội bị thương.
Ngay sau đó, anh Công gọi điện cho cha mình là ông Nguyễn Quyết Chiến (SN 1953 tổ trưởng tổ an ninh khu phố 7, P. Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và em ruột là Nguyễn Hồng Quyết (SN 1983) ở gần đó đến can thiệp...”.
Lúc xảy ra sự việc,có nhiều người trong khu phố trong đó có cả ông Trưởng khu phố và ông Phó khu phố đã chạy tới can ngăn nhưng bị ông Chiến đe dọa không cho vào, đồng thời, tiếp tục đánh đập anh Hội và có những lời lẽ thô tục.
Không những thế, ông Chiến còn dùng điện thoại chụp lại cảnh anh Hội bị cha con mình đánh đập nhằm để bêu rếu và hạ nhục gia đình bà Yến. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự xuất hiện của một cảnh sát khu vực (CSKV) tên Đông yêu cầu không được đánh.
|
Sau khi bị cha con ông Chiến đánh đập, hành hạ, anh Hội trở thành người ngớ ngẩn. |
Quá xót xa, bà Phạm Thị Yến (56 tuổi, mẹ anh Hội) đã vác đơn đi cầu cứu khắp nơi, đề nghị khởi tố vụ án đồng thời yêu cầu đưa con mình đi giám định thương tật.
Ngày 10/10/2011, anh Hội được đưa đi giám định thương tật. Ngày 23/12/2011, Trung tâm giám định y khoa tỉnh Bình Dương kết luận nạn nhân bị mất 4% sức lao động tạm thời.
Từ kết luận này, ngày 6/6/2012, cơ quan CSĐT công an TP Thủ Dầu Một ra quyết định không khởi tố vụ án do hành vi của ba cha con ông Chiến là “chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích”. Qua đó Công an TP Thủ Dầu Một cũng giao cho công an phường Phú Lợi xử lý hành chính cha con ông Chiến.
Nhận được thông báo này, bà Yến cho rằng việc giám định thương tật của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bình Dương là chưa khách quan. Kết luận giám định chỉ xác định thương tích ở tay, trong khi đó anh Hội bị thương tích nhiều nơi trên cơ thể.
Người trong cuộc và nhân chứng nói gì?
Để thông tin được khách quan, PV Kiến Thức đã tìm đến nhà ông Nguyễn Quyết Chiến để tìm hiểu. Sau khi nghe PV trình bày sự việc, ông Chiến liên tục phủ nhận hành động đánh người của cha con mình.
Đồng thời ông Chiến khẳng định, cha con ông không hề đánh anh Hội mà chỉ trói tay, vì cho rằng hành vi của anh Hội là xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Bản thân ông là tổ trưởng an ninh khu phố nên có quyền bắt trói tránh nguy hại cho những người thân trong gia đình mình. (?!)
|
PV báo Kiến Thức cùng đồng nghiệp làm việc với ông Chiến (áo sơ mi bên phải). |
Khi được hỏi vì sao không đánh người mà trong biên bản giải quyết hòa giải về mặt dân sự tại UBND phường Phú Lợi, ông lại nhận sai và hứa sẽ bồi thường tiền thuốc thang cho gia đình nạn nhân? Ông Chiến trả lời, lời ông thừa nhận sai phạm, đánh người là không có thật, chính cán bộ phường ghi biên bản tự ghi thêm vào và ông sẽ khiếu nại.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Trúc Phương – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lợi (là người trực tiếp ghi biên bản lúc vụ việc xảy ra) cho biết: "Sự việc xảy ra đã lâu và mọi giấy tờ đều được lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ. Việc ghi biên bản là phải trung thực, thẳng thắn. Không có chuyện ghi thêm vào biên bản vì việc đó là không được phép!”
Đồng quan điểm với bà Phương, ông Lê Văn Dân – Phó bí thư Đảng ủy phường Phú Lợi (trước là Phó chủ tịch UBND phường, người chủ trì cuộc hòa giải – PV) nói: “Có biên bản của công an xác nhận hết, chúng tôi không có sửa chữ nào. Không có ghi gì hết, làm việc phải có nguyên tắc chứ?. Ông ấy (tức ông Chiến -PV) nói vậy hóa ra nguyên tắc chúng tôi làm việc tự ý à? Nói như vậy là không được!”.
|
Biên bản hòa giải của phường Phú Lợi sau khi xảy ra sự việc, mặc dù có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan nhưng ông Chiến khẳng định rằng cán bộ phường đã ghi sai nội dung biên bản? |
Bà Trương Thị Ngôn (Phó trưởng khu phố 7) kể lại, khi bà chạy đến hiện trường thì thấy anh Hội bị trói quặt tay chân, máu me khắp người. Mặc dù anh Hội đã bị ngất nhưng hai người con của ông Chiến vẫn tiếp tục dùng chân đạp vào mặt và mạng sườn. Riêng ông Chiến thì dùng đèn pin (công cụ dành cho bảo vệ dân phố đi tuần tra) vụt liên tiếp vào mặt khiến chiếc đèn gãy đôi.
Thấy vậy bà yêu cầu ông Chiến và 2 người con của mình dừng tay. Ngay lập tức, ông Chiến quay sang nạt: “Bà câm cái mồm bà đi, bà không có quyền gì ở đây mà nói…”.
Chỉ đến khi anh Đông CSKV ngăn cản, người dân mới đưa được anh Hội đi cấp cứu. Trong lúc ông Thọ và ông Hiền vào cởi trói, ông Chiến đã lấy máy ảnh chụp lại cảnh toàn thân anh Hội và dưới sàn nhà bê bết máu đem cho nhiều người trong khu phố xem nhằm bôi nhọ gia đình bàYến.
Anh Hội được đưa vào viện trong tình trạng người mềm nhũn bị sưng, bầm tím nhiều chỗ, cơ thể chảy nhiều máu. Sau ngày bị đánh, từ bệnh viện trở về nhà đến nay, anh Hội trở thành người có thần kinh không ổn định.
Là nhân chứng của sự việc trên, ông Trần Duy H. bày tỏ bức xúc : “Lời ông Chiến nói là hoàn toàn sai sự thật, tôi đã tận mắt chứng kiến. Lúc tôi xông vào can ngăn, ông Chiến nói: “Không phải việc của ông thì ông lui ra”. Tôi phản ứng: “Ông có giỏi thì ông đánh chết người ta đi” và bất lực nhìn cha con họ đánh anh Hội”.
Ông H một mực khẳng định, tại buổi lập biên bản hòa giải ở UBND phường Phú Lợi, ông Chiến đã khai từ đầu đến cuối hành vi đánh anh Hội, có chữ ký làm chứng của ông ở biên bản đó mà. Ông Chiến cũng chấp nhận bồi thường nhưng sau đó có ông Nghĩa (tức ông Trần Mạnh Nghĩa – nguyên Phó bí thư khu phố 7) gạt phắc đi.
Liên lạc qua điện thoại, Trung tá Trần Văn Trú – Phó trưởng công an TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Do sự việc này xảy ra từ khi tôi chưa chuyển công tác về đây. Vì vậy, tôi sẽ nghiên cứu hồ sơ trao đổi với anh em trong cơ quan rồi có buổi trao đổi cụ thể với báo chí”.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà Yến phải chuyển đi chỗ khác ở vì liên tục bị gia đình ông Chiến hăm dọa, sỉ nhục. Hiện tại hoàn cảnh gia đình bà Yến rất khó khăn, hai vợ chồng tuổi đã cao nhưng suốt ngày vẫn phải nai lưng ra làm đủ việc để kiếm tiền lo thuốc thang cho anh Hội.
Gia đình bà Yến chỉ mong cơ quan pháp luật sớm quan tâm xem xét vào cuộc điều tra lại sự việc, trả lại công bằng cho gia đình.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới độc giả.