“Cảnh báo về bô-xít ở Tây Nguyên đang dần đúng“

Google News

 “Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án bô-xít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bô-xít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.

“Thuận buồm xuôi gió” cũng lỗ?

Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. Công nghệ lạc hậu thì ngày càng rõ, phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ của những năm 1960, phải dùng than cục tốt của Hòn Gai loại 4A.

 Khu vực sẽ trở thành hồ chứa bùn đỏ ở dự án bô-xít Nhôm (Lâm Đồng) (ảnh minh họa)

Về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai, theo Tiến sĩ Sơn, dự án đã xong (nhưng chậm tiến độ gần 2 năm) điều đó có thể “nhẩm” được ra chậm tiến độ 1 năm, riêng lãi suất huy động vốn trong quá trình xây dựng đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1100 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, giả sử trường hợp lý tưởng: tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là 10 năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2220 tỷ đồng/năm.

Nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2300USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumina của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc-dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo qui định là 20%, theo Tiến sĩ Sơn mỗi tấn alumina sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nhất (được miễn cả thuế xuất khẩu - ngân sách tạm thời), mỗi tấn alumina sẽ lỗ ít nhất 55 USD, mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.

Gánh nặng kinh tế

Tiến sĩ Sơn cho rằng, dự án gây nguy hại cho sinh thái, nhưng bây giờ chưa thể hiện. Còn đối với Vinacomin, nếu cứ quyết tâm để thử nghiệm đến cùng thì bô-xít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế đối với cả ngành công nghiệp than ở Quảng Ninh. Khoảng 99,36% lợi nhuận thu được để Vinacomin đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án bauxite-alumina) có nguồn gốc từ ngành than. Nếu ngành than bị mất vốn đã đầu tư vào bô-xít và trong tương lai vẫn phải tiếp tục “gánh” lỗ cho bauxite (74,4 triệu USD/năm như phân tích ở trên).

“Tôi thấy buồn vì những cảnh báo của các nhà khoa học cách đây 3-4 năm đang dần đúng. Thực lòng mà nói, thâm tâm tôi cũng phải mong cho việc thử nghiệm thành công. Nhưng rất tiếc, việc thử nghiệm đến nay đã cho thấy rõ kết quả ban đầu là: chậm tiến độ, vốn đầu tư tăng, và chủ đầu tư ngày càng đuối”, Tiến sĩ Sơn cho hay.

Trước hàng loạt vấn đề, Tiến sĩ Sơn mong muốn Vinacomin 2 điều, thứ nhất, dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai “trót lọt”. Nếu có dự án Tân Rai hiệu quả mới triển khai tiếp Nhân Cơ. Thứ hai, hãy tập trung nguồn lực (vốn, thời gian, cán bộ) để phát triển ngành than ở Quảng Ninh.

“Trong tình cảnh của Vinacomin bây giờ, tiết kiệm được một đồng, giảm tổn thất được một đồng cũng quý (dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đô la). Còn trong tình cảnh chung không có alumina thì Tây Nguyên vẫn phát triển được, còn thiếu than thì cả nền kinh tế sẽ gay go”, Tiến sĩ Sơn quan ngại.


Theo Dân Trí

Bình luận(0)