Theo mục tiêu xây dựng của dự án, khi hoàn thành vào năm 2013 Trường THPT Trần Phú có quy mô đào tạo 66 lớp học, 2.000 học sinh với hơn 200 cán bộ, giáo viên.
Các khu nhà học chính, nhà thư viện đều được xây bốn tầng. Không chỉ học sinh đất cảng, ngôi trường hứa hẹn sẽ đào tạo cả học sinh năng khiếu các tỉnh khu vực duyên hải Bắc bộ, học sinh ngoại thành.
Học sinh sẽ học tập, ăn ở tại trường với điều kiện học tập, sinh hoạt đạt chuẩn quốc gia.
Năm 2009, dự án chính thức được khởi công xây dựng trên tổng diện tích hơn 42.000m2. Tính đến cuối năm 2012, công trình này đã được rót vào 163 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, xây thô, trát các khu nhà hiệu bộ, khu nhà học cao bốn tầng...
Nhưng từ đầu năm 2013 đến nay công trình bỗng dưng “án binh bất động”, các hạng mục đã xây xong cũng nằm “đắp chiếu”.
Một số hạng mục đang thi công dở dang, đất đai, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang.
Hiện toàn bộ hoạt động xây dựng tại đây đã tạm ngừng, đơn vị chủ thầu chỉ cử hai công nhân ở lại làm nhiệm vụ trông coi, dọn dẹp khuôn viên trong trường.
Công trình bị “đắp chiếu”, theo ông Bùi Văn Phú (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, nguyên trưởng ban quản lý đầu tư dự án), vì từ năm 2013 đến nay TP gặp khó khăn về nguồn thu, dự án không được cấp kinh phí, các gói thầu phải tạm ngừng xây dựng.
Mặt khác, thời điểm này nhân sự lãnh đạo của trường có sự thay đổi, ông Phú chuyển công tác sang làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên nên việc xây dựng công trình cũng bị gián đoạn.
Đặc biệt, lãnh đạo mới của trường cũng như phụ huynh học sinh cho rằng địa điểm xây dựng trường mới không phù hợp vì quá xa trung tâm, lại nằm cạnh quốc lộ dẫn ra cảng nên ồn ào và mất an toàn cho giáo viên, học sinh khi đi lại (!?).
Sẽ chuyển nhượng dự án cho hoạt động thương mại
Sau gần hai năm tạm ngừng thi công, hiện UBND TP Hải Phòng cùng các cơ quan liên quan đang lấy ý kiến, nghiên cứu phương án chuyển đổi địa điểm xây dựng trường. Ngôi trường mới đang bỏ hoang sẽ được chuyển đổi cho đơn vị khác.
Bà Đỗ Thị Hòa, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú, luôn tìm cách thoái thác trả lời phóng viên. Bà Hòa cho hay vì đây là dự án của TP, quyền phát ngôn hay quyết định thế nào là do TP. Dự án này có từ đời hiệu trưởng trước, khi bà chuyển về thì dự án đã tạm ngừng
Theo bà Hòa, việc xây dựng trường ở vị trí mới là không thuận lợi, khiến giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh không đồng tình.
Bởi vị trí xây dựng trường mới ở sát trục đường giao thông lớn, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là các loại xe trọng tải lớn ra vào cảng Hải Phòng.
Việc 1.800 cán bộ, giáo viên và học sinh qua lại đây bốn lượt hằng ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chính vì lý do này, nhà trường đề xuất với HĐND, UBND TP và các sở, ngành liên quan chọn phương án xây dựng trường mới ngay tại địa điểm của trường hiện nay (số 12 phố Trần Phú).
Được biết ngày 19-6-2014, UBND TP Hải Phòng cũng có ý kiến về việc này.
Theo đó, giao các ngành kế hoạch - đầu tư, tài chính nghiên cứu phương án chuyển nhượng khu vực trường đang xây dựng cho đơn vị có nhu cầu, phù hợp quy hoạch, lấy kinh phí xây dựng trường ở địa điểm khác thuận lợi hơn, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho hoạt động dạy và học của nhà trường.
Tuy nhiên, ngược với ý kiến trên, ông Bùi Văn Phú cho rằng khi đưa dự án này ra thì đã qua rất nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến từ trên xuống dưới, trong đó có cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Tất cả đều nhất trí xây dựng trường mới tại khu đô thị Lê Hồng Phong là hợp với chủ trương, quy hoạch của TP trong tương lai.
“Tôi được biết hiện tại dự án đã được UBND TP phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng với lý do điều kiện giao thông không phù hợp cho trường học. Tuy nhiên trước khi phê duyệt dự án đã lấy ý kiến các sở ngành.
Khi đó nhiều vấn đề khúc mắc được đặt ra, trong đó có vấn đề giao thông. Nhà trường đã giải trình khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành, các xe container, xe tải sẽ không chạy ở cung đường qua trường nữa mà phải lên đường cao tốc.
Khi đó nút giao thông qua trường sẽ thành nút giao thông nội ô, không có chuyện trường bị ảnh hưởng vì lượng xe cộ ra vào cảng, đường lại rộng rãi nên vị trí rất hợp lý và rất đẹp để xây dựng trường” - ông Phú nói.
Ông Phú cho biết thêm hơn 100 tỉ đồng được đầu tư để xây phần thô là đi vay Bộ Tài chính, ngân sách TP Hải Phòng cấp cho dự án khoảng 20 tỉ đồng.
Địa điểm không hợp lý
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Ngọc Tuấn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hải Phòng, cho biết trên cơ sở đề nghị của Trường THPT Trần Phú, UBND TP đã có quyết định 4366 giao Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài chính nghiên cứu phương án chuyển nhượng khu vực trường đang xây dựng cho đơn vị có nhu cầu phù hợp quy hoạch để lấy kinh phí xây dựng trường ở địa điểm khác thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Theo quan điểm của UBND TP Hải Phòng, địa điểm đang xây dựng Trường Trần Phú không hợp lý vì giao thông không thuận tiện, không đảm bảo an toàn cho học sinh.
“Hơn nữa mặt đường đó để ưu tiên cho thương mại thì sử dụng hiệu quả hơn là để làm trường học” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm UBND TP Hải Phòng cũng chưa quyết định giao diện tích đất, công trình đang xây dở Trường Trần Phú cho đối tác nào.
“Vị trí khu đất này là đất thương mại nên để chuyển mục đích sử dụng sang đầu tư thương mại sẽ hiệu quả hơn. Hiện vẫn chưa có đối tác mua, cũng có những công ty quan tâm tìm hiểu nhưng chưa thống nhất được phương án nên chưa mời.
Giả sử khi chuyển sang hình thức thương mại, nhà đầu tư sẽ phải nghiên cứu tận dụng công trình đã xây để làm kinh doanh và hoàn trả số tiền đã đầu tư xây dựng” - ông Tuấn nói.