Theo đó, các lãnh đạo Đà Nẵng đã bắt đầu có những ý kiến về việc giải quyết đối với khu biệt phủ trăm tỷ của đại gia khai khoáng Ngô Văn Quang. Cách xử phạt rồi cho tồn tại đang được tính đến…
|
Một ngôi nhà trong khu biệt phủ ông Quang. |
Cho tồn tại?
Như đã nhiều lần thông tin, hai khu biệt thự xây trái phép trên rừng Hải Vân của thiếu tướng công an Phan Như Thạch và đại gia khai khoáng Ngô Văn Quang đã bị xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài ngôi biệt thự của ông Thạch đã được gia đình tự nguyện tháo dỡ đúng thời hạn thì ngôi biệt thự của đại gia Quang vẫn yên vị.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng, các khu biệt thự này tách biệt và không liền kề nhau, vì vậy, không nên đập bỏ toàn bộ khu biệt thự mà cần xử lý vi phạm hành chính cho tồn tại đối với một số biệt thự không ảnh hưởng đối với quy hoạch chung.
“Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất, phần nào xây dựng trái phép thì kiên quyết đập, xử lý. Còn cái mà nó không ảnh hưởng đến quy hoạch chung thì tiếp tục cho tồn tại nhưng mà phải nộp thuế. Rồi yêu cầu xây dựng đề án sử dụng khu vực này thành khu du lịch sinh thái hoặc du lịch tâm linh. Chứ nếu đập bỏ thì cũng lãng phí xã hội” - ông Hùng nói.
Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí cũng nói, nếu đập bỏ cả khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng thì lãng phí của cải xã hội. Ông Võ Công Trí cho hay, việc xử lý đối với khu biệt thư ông Quang phải dựa trên các quy định của pháp luật.
Phải thượng tôn pháp luật
Ngay sau khi UBND quận Liên Chiểu có văn bản xử phạt đối với hai khu biệt thự xây trái phép ở rừng Hải Vân, gia đình thiếu tướng công an Phan Như Thạch đã chấp hành xong cả về phạt hành chính cũng như tự tháo dỡ. Tuy nhiên, đối với ông Ngô Văn Quang chỉ tháo dỡ một số hạng mục nhỏ rồi làm đơn cứu xét lên UBND thành phố Đà Nẵng cũng như Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT).
Ông Quang xin được nộp phạt hành chính rồi cho phép tồn tại. Bộ TNMT cũng đã có ý kiến đề nghị Đà Nẵng xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm. Lãnh đạo quận Liên Chiểu cho rằng, theo quy định, kể từ ngày ra văn bản xử phạt, ông Quang có 12 tháng để chấp hành.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ hưu trí (xin giấu tên) cho rằng, cần phải xử lý nghiêm vụ việc này để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. “Đập bỏ một tài sản lớn thì lãng phí và vô cùng đáng tiếc. Tài sản cá nhân cũng là của xã hội, tuy nhiên, thượng tôn pháp luật, lấy lại lòng tin của người dân vào cách xử lý nghiêm của chính quyền mới là cái được lớn” - vị cán bộ này nói.