Bắt siêu thị mở cửa mùng 1 Tết: Nặng mùi hành chính!

Google News

(Kiến Thức) - Việc bắt buộc các trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa trong đêm giao thừa và sáng 1 tết là không phù hợp với thực tế và "nặng mùi" hành chính.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra nhiều cam kết đảm bảo trật tự an ninh và tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết. Trong đó ý kiến về việc các trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa mùng 1 Tết và mở cửa muộn trong đêm giao thừa. Các chuyên gia kinh tế, luật sư đều nhìn nhận, việc bắt buộc các trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa trong đêm giao thừa và sáng 1 Tết là không phù hợp với thực tế và "nặng mùi" hành chính.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhìn nhận, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng các siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội phải mở cửa đêm giao thừa và sáng 1 tết là muốn người dân được phục vụ tốt nhất trong việc mua sắm hàng hóa, tuy nhiên "lệnh có lẽ chỉ là lệnh" vì yếu tính thực thi.
“Có một thực tế vài chục năm làm điều hành trong lĩnh vực này tôi nhận thấy, trong khoảng thời gian từ 30 tết đến 1 tết hầu hết các siêu thị đều khan hàng thiết yếu nhất là các mặt hàng đầu vị như thịt lợn, gà ta, rau, hoa quả. Ngay từ ngày 27, 28 tết chỉ còn 1 hoặc 2 siêu thị lớn là còn hàng còn lại tất cả các siêu thị khác đều hết hàng. Vì thế trong thời gian áp tết, chủ yếu là thị trường tự do như chợ cóc, chợ dân sinh khu vực. Hiện tại Hà Nội, các siêu thị cũng chỉ chiếm 13% doanh số, còn lại là thị trường tự do ở các chợ. Bên cạnh đó là tâm lý người tiêu dùng, trong dịp lễ tết họ đa số mua sắm trước, chứ ngày 30 và 1 tết ít người còn đi mua sắm. Trong ngày mùng 1 họ chỉ đi mua con cá, ít rau về nấu canh. Hơn nữa không phải ai cũng đi chợ trong ngày đầu năm mà chỉ họa huần mới có người đi mua vì thời gian đó họ đi thăm họ hàng, đi chơi tết. Nếu không cân nhắc kỹ sẽ thành con dao hai lưỡi“, ông Phú nhìn nhận.
Bat sieu thi mo cua mung 1 Tet: Nang mui hanh chinh!
 Dịp 30, mùng 1 tết sức mua người tiêu dùng giảm mạnh.
Hơn nữa, theo ông Vũ Vinh Phú cho biết, dù có quyền chỉ đạo nhưng lãnh đạo Hà Nội không thể lệnh cho các siêu thị tư nhân được mà chỉ một số các siêu thị, trung tâm thương mại thuộc nhà nước. Nhưng dù chỉ đạo thế nào cũng phải có tính thực thi.
Ở góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, hiện không có quy định nào bắt buộc các siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa bán hàng vào ngày 30 cũng như mùng 1 tết.
“Nếu bắt các siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa đêm 30, sáng 1 thì quá nặng mùi hành chính. Thứ nhất, đó là những ngày nghỉ lễ tết, Hà Nội vắng như chùa Bà Đanh, các siêu thị, trung tâm thương mại có mở cửa thì bán cho ai. Dịp đó, sức mua sẽ kém bởi người tiêu dùng đã mua sắm tết từ những ngày trước. Thứ hai, hiện luật lao động quy định thời gian nghỉ lễ tết. Việc làm thêm là tự nguyện, nhân viên không bán hàng thì chủ siêu thị có mở cửa hàng được không? Nếu nhân viên đồng ý bán hàng, lương phải trả đến 300% trong khi đó sức mua kém. Bán nhưng người mua ít, không đủ chi phí, thua lỗ thì ai chịu. Người ta kinh doanh chỉ mong có lợi nhuận chứ ai vì cộng đồng mà phục vụ miễn phí trong khi việc kinh doanh không mang lại nguồn lợi đâu. Trong trường hợp những đêm 30 và sáng 1 tết mà bán chạy, nhu cầu tiêu dùng cao thì các siêu thị sẽ tự mở cửa mà không cần ai phải chỉ đạo. Nhưng thực tế thì đã thấy qua nhiều năm rồi“, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
“Bên cạnh đó, việc bắt các siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa đêm 30, sáng 1 tết cũng không hợp lý. Bởi tâm lý tết ai cũng muốn về nhà để sum họp gia đình nên không thể cưỡng bức như thế được. Vì quyền lợi của một bộ phận mà bắt 1 bộ phận khác hy sinh cung là bất công. Nên chăng hãy kêu gọi sự tự nguyện từ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị. Doanh nghiệp nào nhận thấy họ có thể bán được trong dịp này thì họ bán chứ không nên ép buộc họ”, Luật sư Thái nêu ý kiến.
Hải Ninh

Bình luận(0)