Án oan Phú Thọ: Nhân chứng đều khẳng định ông Tiếp vô tội

Google News

(Kiến Thức) - Các nhân chứng khẳng định, kẻ thủ ác gây ra cái chết cho nạn nhân Hoàng Văn Giáp không phải là ông Tiếp mà là một người khác…

Nhân chứng nói kẻ thủ ác là người vào làng tìm người nhờ bán ma túy giúp
Liên quan đến vụ án “đuổi trộm, chết người” xảy ra tại cánh đồng Hưng Thịnh khiến nạn nhân Hoàng Văn Giáp chết thảm vào ngày 24/8/1970, 40 năm sau những nhân chứng vụ việc đồng loạt lên tiếng minh oan cho ông Trần Văn Tiếp.
Theo những nhân chứng trình bày trong đơn, tối hôm xảy ra vụ án mạng, ông Đinh Công Chi (Lúc bấy giờ ngụ ở xóm Vượng, xã Xuân An, huyện Yên Lập) đã đem 2 gói thuốc phiện từ xã Nghĩa Tân, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đến nhà ông Nguyễn Đăng Kim (Ngụ xóm Phú Thịnh, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) và ông Lý Kim Khánh (Ngụ xóm Hon 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập) nhờ tiêu thụ. Tuy nhiên, cả hai ông này đều từ chối.
Giấy làm chứng của ông Hạt khẳng định ông Tiếp không phải là người gây ra cái chết cho ông Giáp 
Đến khoảng 12 giờ đêm 24/8/1970, ông Giáp đi chơi về và phát hiện một người đi trước nên đã bám theo, đến trước cửa nhà ông Tiếp, ông Giáp quát hỏi người ấy là ai thì người này bỏ chạy. Tưởng là kẻ trộm nên ông Giáp liền hô hoán lên rồi cùng ông Tài và ông Tiếp đuổi theo, đến chỗ gò thì người bỏ chạy kia quay lại đâm ông Giáp. Người đó không ai khác là kẻ buôn thuốc phiện Đinh Công Chi. Sau đó, ông Chi chuyển hẳn về huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để ở, giờ không biết sống chết thế nào.
Và đến bây giờ, ông Hà Trọng Hạt (SN 1930, ngụ khu Phú Thịnh, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, lúc bấy giờ là công an viên của HTX Phú Hưng lúc bấy giờ đến lấy lời khai của ông Giáp) cũng có giấy làm chứng để minh oan cho ông Tiếp.
Trong giấy làm chứng của ông Hạt thể hiện lời khai của ông Giáp lúc bấy giờ: “Sáng ngày 25/8/1970, nhận được tin báo ông Hoàng Văn Giáp đi đuổi kẻ gian bị đâm trọng thương và đang ở nhà riêng của ông Tiếp, làm thuốc nam cầm máu. Tôi làm công an viên HTX Phú Hưng và ông Nguyễn Tặng Bát làm phó chủ tịch, trưởng công an xã Lương Sơn đã đến nhà ông Tiếp để gặp ông Giáp lấy lời khai. Lời khai của ông Giáp như sau: “Ông Giáp khai, tôi đi chơi xóm về đã quá 12h đêm, đến kho HTX Phú Hưng, tôi thấy có một người đi trước cách chừng 5 – 6m, tôi liền theo dõi đến quá cổng nhà ông Tiếp, tôi hỏi: “Ai!..Đứng lại” thì người lạ mặt chạy qua cánh đồng Hưng Thịnh, một mình tôi đuổi theo một đoạn, tôi lại gọi ông Tài, ông Tiếp cùng đi đuổi kẻ gian đến gò nhà ông Hậu Giới thì gặp kẻ gian, tôi chạy đằng trước nên bị kẻ gian quay lại đâm một mũi dao nhọn vào bụng, tôi kêu lên bằng tiếng mường: “Các anh ơi! Tôi bị đâm vào bụng rồi”. Lúc đó, ông Tài chạy thứ 2, ông Tiếp chạy sau cùng, tôi cùng ông Tài và ông Tiếp đi vào nhà chị Sáng gần đó để băng bó vết thương. Sau đó, ông Tài và ông Tiếp đưa tôi về nhà riêng của ông Tiếp để mẹ ông Tiếp lấy thuốc cầm máu cho tôi”.
Đơn tố cáo của ông Kim tố ông Đinh Công Chi nhờ ông bán ma túy đêm ngày 24/8/1970 nhưng ông Kim không làm theo. 
Trong giấy làm chứng, khi ông Hạt và ông Bát gặng hỏi ông Giáp ai là kẻ đã đâm ông Giáp thì ông Giáp vẫn một mực khẳng định kẻ gian đã đâm ông Giáp chứ không phải là ông Tiếp. Ngoài giấy làm chứng của ông Hạt ra thì vẫn còn rất nhiều giấy làm chứng và đơn tố cáo của những người chứng kiến sự việc lúc đó, tố cáo ông Đinh Văn Chi mới chính là kẻ đâm ông Giáp, đồng thời tố cáo ông Hà Trọng Đạt (hiện đã chết) lúc đó làm trưởng HTX Phú Thịnh, do bị ông Tiếp phát hiện việc tham ô tiền và thóc nên đã nhân cơ hội đó đã làm đơn và xúi giục người khác viết đơn để hãm hại ông Tiếp.
Bán nhà cửa, vợ dắt con đi ăn xin
“Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt. Cha tôi đổ bệnh rồi mất ngay cái năm tôi bị đi tù, mẹ tôi sống trong day dứt cho rằng vì bà đã gọi con dậy đi đuổi trộm nên vô tình đẩy con vào vòng lao lý. Bị tố cáo ngược là tôi “Tham ô và giết người để bịt đầu mối”, vợ tôi đã phải bán nhà, ruộng vườn để đền cho gia đình nạn nhân và đền bù cho công quỹ. Có lúc vợ tôi đã phải dắt 5 con nhỏ đi ăn xin để sống qua ngày và nuôi mẹ già”, ông Tiếp cho biết.
 Ông Tiếp cho biết, trong ngày ông chịu vòng lao lý, vợ con ông đã phải bán nhà, ruộng vườn, nhiều khi dắt nhau đi ăn xin
Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, ông Tiếp cho biết: “Tôi chẳng làm gì nên tội, nên tình, vậy mà họ nhẫn tâm đẩy tôi vào vòng lao lý. Sau 43 năm chịu oan trong vòng lao lý, nay tôi đã bước sang tuổi 80, đã có 8 người con, 14 cháu nội, 19 cháu ngoại, bản thân tôi cũng sắp đến lúc phải về với đất, nhưng tôi muốn các cơ quan chức năng minh oan cho tôi, để đến lúc nhắm mắt, xuôi tay được thanh thản, để cho con cháu đời sau không phải xấu hổ vì có một người ông mang tiếng là kẻ giết người”.
Các cơ quan chức năng lên làm rõ ông Tiếp oan hay không oan?
Liên quan đến vụ án mạng trên, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đinh Văn Mào (SN 1959, chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) và ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1964, trưởng công an xã Lương Sơn) cho biết, UBND xã Lương Sơn và công an xã Lương Sơn đã nhiều lần tiếp nhận và xác nhận những đơn thư của ông Tiếp gửi đến để xin đòi minh oan vì bị oan uổng trong vụ án “Giết người” cách đây 43 năm.
 Ông Đinh Văn Mào, chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho rằng, các cơ quan chức năng nên làm rõ để minh oan cho ông Tiếp
“Sự việc xảy ra quá lâu rồi, lúc ấy chúng tôi còn nhỏ, sau này được nghe các cụ ở địa phương kể lại mới biết. Nếu đúng như ông Tiếp bị oan sai như tình bày trong đơn đã gửi đến các cơ quan chức năng thì chúng tôi cũng mong sao các cơ quan chức năng làm rõ để minh oan cho ông Tiếp”, chủ tịch UBND xã Lương Sơn, ông Đinh Văn Mào cho biết.
Hải Ninh

Bình luận(0)