Giờ chờ tuyên án, ánh mắt hắn đờ đẫn, không ra khôn mà cũng chẳng ra dại ngó nghiêng ra phía hành lang tòa như tìm người thân nhưng không một ai tới dự.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Linh tại tòa. |
Lấy vợ được vài năm thì ly hôn, Linh về sống cùng cha mẹ già. Ngày 24/3/2012, Linh say xỉn về nhà bằng taxi nhưng không có tiền trả. Tài xế taxi phải nhờ công an phường Hiệp Bình Chánh can thiệp. Bà Thái Thị Quế phải trả tiền taxi cho con trai. Bực mình vì con hay rượu chè nên bà Quế cằn nhằn, Linh liền xông tới bóp cổ và dùng dao giết chết mẹ rất dã man. Hắn lục túi bà Quế lấy 70.000đ bỏ trốn, sau đó ra đầu thú.
Xét thấy hành vi của Linh vi phạm nghiêm trọng đạo lý làm con, nhưng bị cáo là người bị bệnh tâm thần nhẹ nên HĐXX tuyên án tù chung thân đối với Linh về tội "giết người" và "cướp tài sản".
Thời gian qua, TAND TP.HCM xét xử 2 vụ án đau lòng, con giết mẹ đẻ một cách dã man. Sự việc này gióng lên hồi chuông báo động về sự tha hóa đạo đức làm người, tình cảm gia đình, tình mẫu tử ngày càng rẻ rúng.
Tuy nhiên ở vụ án này, đa số người dự khán đồng tình với ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo tại Tòa, khi vị luật sư ái ngại: "Không phủ nhận hành vi phạm tội của bị cáo mất tính người, nhưng kết quả giám định tâm thần của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM kết luận: Bị cáo bị tâm thần nhẹ. Trước, trong và sau khi gây án đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cần được quản lý tại cơ sở chuyên khoa tâm thần đề phòng có hành vi nguy hiểm đối với người thân nhất là khi sử dụng rượu.
Ở đây lại là vấn đề lâu nay tồn tại trong xã hội đó là nhiều trường hợp bị tâm thần nhưng gia đình không có điều kiện cho đi điều trị, sống lang thang tại địa phương. Lúc này, trách nhiệm thuộc về cấp phường, xã quản lý, tuy nhiên địa phương cũng khó khăn về kinh phí để tập trung các đối tượng tâm thần vào trại.
Có không ít các vụ án đau lòng xảy ra mà bị cáo lại là người tâm thần. Cần có biện pháp cảnh tỉnh những gia đình có trường hợp người nhà như vậy. Chính quyền địa phương phải đôn đốc nhắc nhở, có chính sách hỗ trợ nếu gia đình có người bị bệnh tâm thần quá khó khăn về kinh tế trong vấn đề đưa bệnh nhân đi điều trị, cách ly khỏi khu dân cư, để tránh gây nguy hiểm cho người thân và cộng đồng".