Đuổi trộm, một người bị đâm chết
Ngày 24/8/1970 tại cánh đồng xóm Hưng Thịnh (xã Lương Sơn, Yên Lập, Phú Thọ) đã xảy ra vụ án mạng hi hữu khiến ông Hoàng Văn Giáp trú tại thôn Xuân Tân cùng xã chết thảm.
Lật lại vụ án, vào tối cùng ngày khi đang ngủ, người dân thôn Xuân Tân bỗng nghe tiếng hô thất thanh “ trộm…trộm”. Khi đó trong làng có một số người mang gậy gộc ra để truy đuổi trộm. Những người truy đuổi đó gồm ông Trần Hưng Tiếp (SN 1933), ông Hoàng Văn Giáp, ông Nguyễn Văn Tài. Khi chạy đến cánh đồng xóm Hưng Thịnh, không bắt được trộm nhưng ông Hoàng Văn Giáp bỗng ôm bụng rồi kêu thất thanh bằng tiếng Mường :“Các anh ơi, tôi bị đâm vào bụng rồi”. Do vết thương nặng, ông Giáp đã tử vong vài ngày sau.
|
Ông Trần Văn Tiếp |
Ngay khi xảy ra vụ án mạng, cơ quan công an huyện Yên Lập đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc và xác định hung thủ. Điều khiến người dân trong xã Lương Sơn bất ngờ là ngày 25/11/1970, sau 3 tháng xảy ra vụ án mạng, công an huyện Yên Lập đã bắt ông Trần Hưng Tiếp bởi ông Tiếp là nghi can vụ giết người khiến ông Giáp thiệt mạng trước đó.
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Hưng Tiếp đã nhận tội gây ra cái chết cho ông Giáp. Khai về hung khí gây án mạng, Trần Hưng Tiếp khai rằng đã vất xuống ao, sau đó lại khai rằng, con dao nhọn dấu ở nhà em gái. Con dao này sau đó được em gái Tiếp giao nộp cho công an.
Tháng 7/1971, theo phán quyết của tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú do ông Đinh Trung Viên làm chánh án đã tuyên Trần Văn Tiếp phải chịu mức án 18 năm tù giam về tội giết người trong vụ án cánh đồng Hưng Thịnh vào ngày 24/8/1970.
Lá đơn xin minh oan của “hung thủ” sau khi thụ lý án
Cứ tưởng vụ án đã khép lại khi Trần Hưng Tiếp thụ án nhưng sau khi được mãn hạn tù do cải tạo tốt, ông Tiếp đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng khi cho rằng mình không phải kẻ thủ ác ra tay giết hại ông Giáp trong vụ án cánh đồng Hưng Thịnh. Do bị bức cung đến không chịu nổi nên đã nhận tội bừa.
Theo lá đơn xin minh oan của ông Tiếp, từ khi chấp hành xong bản án, chưa khi nào ông được yên lòng, bởi kẻ giết người thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn ông thì lại mang tiếng giết người để đời.
Theo lời ông Tiếp, cách đây 43 năm, vào đêm ngày 24/8/1970, đang ngủ say tại nhà, ông Tiếp giật mình tỉnh giấc bởi tiếng tri hô bắt trộm. Lúc này, mẹ ông giục dậy xem có chuyện gì xảy ra. Ông Tiếp vội vớ lấy chiếc đòn gánh rồi mở cửa chạy ra ngoài. Vừa mới ra khỏi nhà thì ông thấy đã có hai người cùng xóm là ông Nguyễn Văn Tài và Hoàng Văn Giáp đứng chờ rủ ông cùng đi bắt trộm.
Sau đó, cả ba người chạy đuổi theo trộm, ông Giáp chạy trước, rồi đến ông Tài, còn ông Tiếp chạy sau cùng. Họ băng qua cánh đồng, khi đến một cái gò thì ông Giáp bị đâm. Sau đó, ông Tiếp và ông Tài liền chạy lại đưa ông Giáp vào nhà dân gần đấy để băng bó vết thương, rồi họ đưa ông Giáp về nhà ông Tiếp để mẹ ông Tiếp điều trị bằng thuốc nam.
|
Lá đơn xin minh oan của ông Trần Văn Tiếp |
“Sáng hôm sau, hai công an xã là ông Hà Trọng Hạt và Nguyễn Tặng Bát đến lấy lời khai của ông Giáp. Lúc đó ông Giáp vẫn còn rất tỉnh táo, ông Giáp nói rằng: “Kẻ gian đâm tôi chứ không phải anh Tiếp đâm”, ba ngày sau vì vết thương nặng, ông Giáp qua đời.
Tuy nhiên, tôi không hề được biết đến lời khai này và những người cố tình buộc tội cho tội đã bỏ qua lời chứng quan trọng này. Mãi sau này, trước khi qua đời, ông Tài mới nói với tôi chuyện này.
Ngày 25/11/1970, tôi bị Công an huyện Yên Lập đến bắt giữ tại nhà vì là nghi can của vụ giết người. Những ngày tháng tạm giam, tôi bị truy bức dẫn tới hoảng loạn tinh thần, nhận bừa mình đã đâm ông Giáp. Công an hỏi về con dao gây án, tôi khai bừa là mình đã vứt xuống ao. Công an cho hút cạn nước cái ao đó vẫn không tìm được dao. Tôi bị truy bức, cực chẳng đã đành khai là giấu ở nhà em gái, bởi tôi biết nhà chú thím mình ăn trầu có con dao nhọn dài chừng 15 cm, khi công an dẫn giải về nhà chú, tôi lén lấy con dao này rồi đưa cho em gái để nộp cho Công an”, ông Tiếp cho hay.
Nói về việc tại sao người ta lại vu oan, khép tội ông, ông Tiếp khóc ròng: “Họ thù tôi vì năm 1968 tôi làm Trưởng ban kiểm tra tài chính của Hợp tác xã, phát hiện ra một số cán bộ lãnh đạo hợp tác tham ô. Chính do sự phát hiện của tôi mà có người bị đi tù, có người phải trả lại Hợp tác xã 2 tấn thóc. Những kẻ đó vào hùa với nhau tố cáo ngược tôi mới là kẻ tham ô. Nhân việc ông Giáp bị đâm chết, họ lập mưu rồi vu cho tôi giết ông Giáp để bịt đầu mối. Bây giờ, vẫn có người trong số họ còn sống, họ bị cắn rứt lương tâm và giờ đây sẵn sàng đứng ra làm chứng cho sự vô tội của tôi. Tôi chỉ muốn làm rõ vụ việc, bởi trong khi tôi phải chịu án oan thì kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
Bài sau: Những nhân chứng đều khẳng định ông Tiếp vô tội