Liên quan đến vụ hơn 1000 công nhân công ty SUNGJIN INC VINA đình công ngày 23/9 vừa qua, ban lãnh đạo công ty này cho rằng nguyên nhân do công nhân hiểu nhầm những quy định mới và có đối tượng kích động.
Tại buổi làm việc với PV Kiến Thức tại trụ sở công ty, ban lãnh đạo SUNGJIN INC VINA đã trao đổi nhiều thông tin xoay quanh vụ việc với sự có mặt của ông LEE BANG BAIK - Tổng Giám đốc công ty TNHH SUNGJIN INC VINA , bà Nguyễn Thanh Nghị – Giám đốc Hành chính-Nhân sự, ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Sung Jin, Luật sư Nguyễn Quang Thái - Trưởng VPLS Nguyễn Quang Thái và Cộng Sự, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương.
|
Toàn bộ công nhân công ty SUNGJIN INC VINA đã trở lại làm việc bình thường sau khi ban lãnh đạo công ty tiếp nhận ý kiến của người lao động. |
Theo đó, sau khi xảy ra sự việc hơn 1000 công nhân tổ chức đình công vì cho rằng bị công ty chèn ép, lãnh đạo công ty SUNGJIN INC VINA đã tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp với toàn thể công nhân đang làm việc tại công ty.
Trao đổi với PV Kiến Thức, lãnh đạo công ty cho rằng những kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin của công nhân để kích động đình công bất hợp pháp và trình bày sự thật về các vấn đề mà một vài người lao động đã phản ánh sai lệch.
Bà Nguyễn Thanh Nghị – Giám đốc Hành chính-Nhân sự cho biết, qua phản ánh của công nhân và báo chí, Ban giám đốc công ty ghi nhận còn tồn tại những thiếu sót nhưng còn nhiều vấn đề công nhân phản ánh chưa được chính xác, thiếu tính trung thực, tạo dư luận xấu cho phía công ty.
Cụ thể, lãnh đạo công ty SUNGJIN INC VINA khẳng định không có chuyện trừ lương của người lao động một cách vô căn cứ. Theo đó, hàng tháng công ty đều có khoản tiền thưởng chuyên cần với mức thưởng là 300.000 đồng/tháng cho những công nhân làm đủ công và chấp hành nghiêm túc nội quy của công ty đề ra khi ký hợp đồng lao động. Điều này đã được ghi rất rõ trong nội quy công ty và nội quy này đã được đăng ký với Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương.
|
Bảng lương của các công nhân thể hiện việc tiền công tăng ca cũng như phụ cấp hằng ngày của người lao động đều được công ty đáp ứng đầy đủ. |
Lý giải về việc công nhân phản ánh khoảng 2 tháng trở lại đây, phía công ty ép công nhân làm việc thông ca và ép sản lượng cao nhưng không được tính thêm tiền công cũng như phụ cấp tiền ăn tăng ca mỗi ngày, bà Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “ Hai tháng vừa qua là mùa thấp điểm, công ty không có nhiều đơn đặt hàng nên công nhân không được tăng ca nhiều. Thời gian làm việc của mỗi công nhân là sáng từ 7h30 đến 11h50/buổi sáng, buổi chiều từ 12h50 đến 16h. Tổng thời gian làm việc chỉ 7,5 giờ, tuy nhiên, công ty vẫn trả đủ tiền công cho mỗi công nhân là 8 giờ làm việc và nếu có tăng ca thì sẽ tăng ca từ 16h00 đến 17h30 mỗi ngày và được tính tiền tăng ca 1,5 giờ”.
|
Bảng lương của những công nhân làm ở bộ phận keo có chất độc hại được công ty cung cấp thể hiện việc ban lãnh đạo đã trợ cấp phụ cấp độc hại cho người lao động. |
Về việc công nhân phản ánh việc họ thường xuyên bị quản lý chửi bới, lăng mạ trong quá trình làm việc và quy định khó hiểu khi chỉ cho mỗi công nhân đi vệ sinh 2 lần/ngày. Ngoài ra nếu công nhân nào mang theo điện thoại khi đi vệ sinh sẽ bị phạt 300.000 đồng/ 1 lần, ông Nguyễn Văn Trung - chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Sung Jin cho biết, công ty không có quy định cấm người lao động đi vệ sinh mỗi ngày không quá 2 lần. Nhưng thực tế vẫn diễn ra việc người lao động lợi dụng việc đi vệ sinh để nghe điện thoại hoặc làm việc riêng, nếu bị phát hiện thì người lao động chỉ bị trừ tiền thưởng nội quy do đã vi phạm nội quy trong giờ làm việc và việc trừ tiền này được thực hiện theo quy định trong nội quy chứ không phải phạt 300.000 đồng/1 lần vi phạm như một số công nhân đã phản ánh.
Ông Trung cũng cho biết thêm, việc một số công nhân của bộ phận keo nói họ không có phụ cấp độc hại là không đúng sự thật, phía công ty đã cung cấp đầy đủ những bằng chứng cho thấy toàn bộ công nhân trong công ty đều được hỗ trợ tiền phụ cấp độc hại và số tiền phụ cấp này được cộng vào lương căn bản để làm cơ sở tham gia BHXH, trong bảng lương của công nhân có nêu rõ vấn đề này và mỗi bảng lương của người lao động cũng đã được đăng ký với cơ quan quản lý lao động.
Ghi nhận thực tế của PV vào sáng 03/10/2015 cho thấy, toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc bình thường.
Trao đổi với PV tại xưởng làm việc, chị Đàm Thị Thanh Hồng- công nhân làm ở bộ phận Join Together (hay còn gọi là bộ phận keo) cho biết: "Thật ra công nhân đình công chiều hôm đó do phía lãnh đạo công ty đang họp để giải quyết những đòi hỏi của công nhân nhưng chưa đưa ra được hướng xử lý nên một số người cho rằng ban giám đốc không giải quyết nên đã hô hào toàn thể mọi người nghỉ việc ra về. Đến sáng hôm sau (tức ngày 23/9- PV), khi công nhân đến công ty để làm việc bình thường thì có một số người lạ mặt kích động yêu cầu không được vào xưởng làm việc chứ không phải là tụi em cố tình đình công".
Cùng chung quan điểm với chị Hồng, nhiều công nhân cho rằng họ chỉ nghỉ việc tập thể vào chiều ngày 22/9 vì hiểu nhầm việc ban lãnh đạo công ty cố tình lờ đi yêu cầu đòi tăng ca của người lao động.
"Chúng tôi ngưng việc tập thể vào chiều 22/9 là để phản ánh việc công ty bắt công nhân làm việc đạt 70% sản lượng mới được phép tăng ca. Sau khi các cơ quan chức năng xuống làm việc vào sáng 23/9 và nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc. Ban giám đốc công ty cũng đã bỏ những quy định cũ và tổ chức cuộc đối thoại để lắng nghe những ý kiến của chúng tôi, hiện tại công nhân chúng tôi đã được công ty cho tăng ca để cải thiện thu nhập" - chị Đỗ Thị Mỹ Trang, công nhân bộ phận FINISHING chia sẻ.