Và với đà doanh thu của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" như hiện nay, thì tính đến hết ngày chủ nhật tuần này, sau 10 ngày chiếu, phim sẽ đạt con số xấp xỉ 50 tỷ đồng, tương đương với 650.000 lượt người xem.
Như vậy là với mức kinh phí 20 tỷ đồng, bộ phim này đã chính thức hòa vốn từ giữa tuần và sinh lãi từ cuối tuần này. Con số doanh thu hẳn sẽ còn tăng thêm từ 15-20% nếu được chiếu ở 35 cụm rạp của CGV, hệ thống rạp chiếu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.
Thời điểm điện ảnh Việt tụt dốc
Thị trường điện ảnh Việt Nam, sau hai thành công đột phá của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (doanh thu khoảng 80 tỷ) và Em là bà nội của anh (103 tỷ, xác lập kỷ lục là phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước tới nay), đã bắt đầu có những tín hiệu xuống dốc trong nửa đầu năm 2016.
Hai bộ phim thuộc loại “bom tấn Việt”, được đầu tư trên 20 tỷ đồng là Truy sát và Fan cuồng thất bại nặng nề và nhanh chóng biến mất khỏi các hệ thống rạp chiếu dù được ưu tiên tối đa. Những bộ phim được kỳ vọng trước đó như Nữ đại gia hay Bao giờ có yêu nhau cũng đạt doanh số khá thấp.
Dù con số phim Việt ra rạp tăng hơn nhiều so với năm ngoái, thậm chí có tháng có đến 4 phim ra rạp, nhưng hầu hết là chết yểu và thậm chí còn không được giới truyền thông nhắc đến.
Từ đầu năm đến hết tháng 7, có khoảng 25 bộ phim Việt ra rạp, nhưng chỉ có 3 bộ phim khá thành công về doanh thu và có lãi là Gái già lắm chiêu, Taxi em tên gì và Bệnh viện ma - một con số quá thấp.
|
Phim của Ngô Thanh Vân có thể hoà vốn và sinh lãi. |
Thị trường điện ảnh Việt, dù đầy triển vọng, nhưng cũng khó dự đoán là vậy. Sự khó dự đoán này phần lớn đến từ chất lượng phim. Hầu hết các bộ phim Việt chiếu rạp có chất lượng từ trung bình đến tệ và rất tệ.
Người viết từng bỏ buổi chiếu để về sau khoảng 20 phút chiếu của hai bộ phim Vợ ơi em ở đâu và Tik tak anh yêu em do sự yếu kém từ kịch bản cho đến chỉ đạo diễn xuất, và tệ hại hơn nữa là họ coi điện ảnh không khác gì những màn tấu hài nhảm nhí đang nở rộ trên truyền hình hay những tập phim truyền hình sitcom biến thành bản phim chiếu rạp.
Sự thất bại của hai bộ phim được đầu tư kỹ càng hơn về mặt “production value” (chất lượng sản xuất) là Truy sát và Fan cuồng thì lại rơi vào trường hợp cả hai đều có kịch bản yếu và quá nặng về hình thức mà ít chú trọng về nội dung.
Do đó, dù được đầu tư lớn về dàn diễn viên hay chỉ riêng một concert nhạc rock hoành tráng tốn đến 6 tỷ, cả hai cũng đều không “neo” được người xem vào bộ phim mà họ kỳ vọng.
Sự thất bại nặng nề của Truy sát và Fan cuồng khiến những nhà đầu tư khá hoang mang, bởi Fan cuồng thuộc ê-kíp của đạo diễn Charlie Nguyễn và diễn viên hài Thái Hòa, bộ đôi đánh đâu thắng đó với 5 bộ phim liên tiếp thành công về doanh thu. Còn Truy sát bám theo công thức từng mang lại thành công cho Trương Ngọc Ánh ở bộ phim trước đó là Hương ga.
Thành công nhờ chiến lược marketing
Tấm Cám phát hành sau một loạt thất bại nói trên dĩ nhiên chịu khá nhiều áp lực. Hoặc là nó sẽ tiếp tục thất bại như những “bom tấn Việt” được đầu tư cao như trước đây, hoặc nó sẽ “cứu nguy” cho thị trường điện ảnh Việt đang bết bát sau hơn nửa năm thất bại. Và may mắn là Tấm Cám rơi vào trường hợp thứ 2.
Sự thành công về doanh thu của bộ phim này có thể lý giải ở nhiều góc độ. Trước hết, đây là một bộ phim có nhiều cái đầu tiên: Phim action fantasy (hành động kỳ ảo) đầu tiên, phim đầu tay của một nữ đạo diễn xuất thân là một diễn viên, ê-kíp thực hiện CGI cho bộ phim 100% người Việt và có lẽ cũng là một bộ phim thương mại Việt được đầu tư kỹ càng như thế, với thời gian sản xuất lên đến 18 tháng.
Những hình ảnh tuyệt đẹp từ teaser đầu tiên tung ra cách đây mấy tháng lập tức tạo một cú “wow” cho người xem và “viral” (lan truyền) rất nhanh chóng trên mạng xã hội. Chiến lược marketing “word of mouth” (truyền miệng) không mất tiền phát huy hiệu quả tức thì.
Tấm Cám-Chuyện chưa kể và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là 2 bộ phim hiếm hoi tạo được độ lan truyền trên mạng xã hội ngay từ teaser đầu tiên cho đến ngày ra rạp và tiếp tục “nóng” trên mạng xã hội, các diễn đàn sau các suất chiếu.
Với Tấm Cám thì hiệu ứng truyền thông mạng xã hội còn nóng hơn sát vào ngày chiếu với vụ scandal ầm ĩ liên quan đến chuyện CGV không phát hành bộ phim này và “giọt nước mắt tràn ly” của Ngô Thanh Vân trong buổi họp báo.
Bộ phim có tính giải trí cao
Tất nhiên, không bột thì khó gột nên hồ. Ngoài những lý do đã phân tích ở trên, Tấm Cám dĩ nhiên cũng phải là một bộ phim có tính giải trí cao. Rõ ràng là vậy, dù chất lượng bộ phim còn đáng được mổ xẻ nhiều ở góc độ chuyên môn.
Dù nó chia rẽ khán giả với những lời khen về tâm huyết và lời chê về kịch bản, dù nó biến mỗi khán giả trở thành… một nhà phê bình điện ảnh, nhưng nó kích thích được người xem.
Và cũng rất hiếm hoi có một bộ phim Việt tạo được sự tranh luận sôi nổi như thế, từ truyền thông chính thống đến mạng xã hội, từ các diễn đàn trên mạng đến quán cà phê vỉa hè.
Hiệu ứng này đã kéo khán giả đến rạp. Dù mất tới gần 30% thị phần của hệ thống rạp chiếu lớn nhất hiện nay là CGV, bộ phim này được khai thác tối đa ở các hệ thống rạp chiếu khác.
Trong ba ngày cuối tuần đầu tiên, phim tăng doanh thu theo từng ngày. Số suất chiếu cũng được tăng lên từ 780 suất chiếu ngày thứ 6 lên đến 900 suất chiếu ngày chủ nhật. Doanh thu tăng từ 5,7 tỷ ngày thứ 6 lên đến 8,3 tỷ ngày chủ nhật.
Theo thông tin từ bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc BHD tại TP HCM thì sang tuần này, bộ phim tiếp tục tăng suất chiếu. Sau 3 ngày đầu tuần thường doanh thu giảm sâu trên 50%, nhưng Tấm Cám vẫn giữ được lửa và thu thêm gần 12 tỷ đồng.
Việt Nam - thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh
Trong vòng vài năm qua, thị trường rạp chiếu phim Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo thông tin của tờ Hollywood Reporter thì Việt Nam là 1 trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng rạp chiếu phim nhanh nhất thế giới trong vài năm gần đây.
Theo con số mà người viết có được, thì hiện tại toàn bộ thị trường chiếu bóng Việt Nam có 168 cụm rạp với 654 phòng chiếu và 99.683 ghế ngồi. Số cụm rạp do Nhà nước sở hữu chiếm hơn một nửa nhưng thực ra doanh thu từ con số này khá thấp, vì phần lớn chúng là hệ thống rạp chiếu bóng cũ kỹ ở các tỉnh với số phòng chiếu thấp.
|
Phim tạo được hiệu ứng truyền thông tốt. |
CGV chiếm tỷ lệ cao nhất, với 35 cụm rạp, chiếm khoảng 21,34%. Một đại gia khác của Hàn Quốc là Lotte cũng tăng tốc xây dựng rạp chiếu và đã đạt con số 27 cụm rạp, đạt tỷ lệ 16,64%.
Hai hãng tư nhân nội địa có “máu mặt” là Galaxy và BHD có 13 cụm rạp, chiếm khoảng 8%. Tất nhiên, những con số này sẽ còn được tăng lên với cuộc chiến xây rạp để cạnh tranh thị phần ngày một lớn.
Dự báo trong khoảng 3 năm tới, số cụm rạp ở Việt Nam sẽ đạt con số khoảng 200 cụm với khoảng 900 phòng chiếu.
Từ con số phòng chiếu này, chúng ta có thể thấy được thị trường điện ảnh và rạp chiếu phim Việt Nam còn tăng rất mạnh. Bởi với một thị trường 90 triệu dân, con số 900 phòng chiếu trên toàn quốc vẫn còn rất thấp.
Hãy thử nhìn sang thị trường điện ảnh Hàn Quốc. Có lẽ hai đại gia CGV và Lotte đầu tư xây dựng rạp chiếu phim nhanh chóng ở Việt Nam như hiện nay, dù có một số cụm rạp không hiệu quả, là do họ có được kinh nghiệm từ thị trường Hàn Quốc khoảng 2 thập kỷ trước.
Bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Hàn Quốc năm nay là Train to Busan (đang chiếu ở Việt Nam), riêng trong 5 ngày đầu tiên đã thu hút tới hơn 5 triệu lượt người xem (bình quân mỗi ngày bán được 1 triệu vé).
Đến nay phim đã thu hút 11 triệu lượt người Hàn đến rạp để xem phim (trên tổng số 50 triệu dân), đạt doanh thu khoảng 90 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng). Tất nhiên, Train to Busan không phải là ngoại lệ đặc biệt. Những bộ phim Hàn thu hút từ 1 đến 2 triệu lượt người xem trong 3 ngày đầu tiên nhiều không đếm hết.
Hãy mơ xa hơn
Nhìn sang một ví dụ gần với chúng ta để thấy rằng thị trường điện ảnh Việt Nam còn rất lớn. Con số 300.000 lượt người xem sau 3 ngày chiếu của Tấm Cám dù đã là đột phá ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quá khiêm tốn với một thị trường có hơn 90 triệu dân.
Vậy thì thay vì nghi ngờ con số đó, chúng ta hãy mơ đến con số 500.000 hay thậm chí là 1 triệu lượt người xem cho một bộ phim Việt trong 3 ngày chiếu đầu tiên. Chẳng ai cấm chúng ta mơ cả.
Nhưng muốn có những giấc mơ đẹp thì trước hết phải hành động. Và hành động đúng nhất của điện ảnh Việt Nam bây giờ là các nhà sản xuất phim và ê-kíp sáng tạo (biên kịch, đạo diễn, diễn viên) phải có một tầm nhìn lớn, dài hạn và chất lượng các bộ phim, phải được đặt lên hàng đầu.