Một số bệnh viêm khó điều trị dứt điểm và dễ dẫn đến ung thư, viêm gan B chẳng hạn. Ngoài ra, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng… cũng thường xuất phát từ các bệnh viêm.
Viêm là cơ chế phức tạp của cơ thể để bảo vệ các mô khỏi tổn thương. Khi bị viêm, phản ứng xung huyết và tiết dịch khiến các mô và tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, các tế bào nhu mô và trung mô sẽ được tái tạo do cơ chế tự chữa lành.
Tình trạng viêm được chia thành cấp tính và mãn tính. Triệu chứng của viêm cấp tính rất rõ ràng: Mẩn đỏ, sưng đau và tăng bạch cầu. Viêm mãn tính lại có triệu chứng không rõ ràng, phá hủy sức khỏe trong thời gian dài và nếu không chấm dứt thì sẽ khiến tần suất sửa chữa tế bào tăng lên. Quá trình nhân lên của tế bào sẽ sinh ra các tế bào đột biến, vốn là tế bào ung thư. Tần suất sửa chữa càng cao thì tỷ lệ đột biến và ung thư cũng càng cao.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nhiều bệnh ung thư là do sự kéo dài của 7 loại viêm nhiễm phổ biến sau.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng mãn tính có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư trong ruột. Nhiều bệnh nhân chỉ dùng thuốc kháng viêm để giảm triệu chứng khi bệnh mới khởi phát mà không có hướng điều trị tận gốc khiến bệnh cứ hết rồi tái phát, cuối cùng dẫn đến ung thư đại tràng.
Bụng căng tức, chán ăn, mệt mỏi... là một trong số dấu hiệu của viêm đại tràng mãn tính.
Viêm gan
Ung thư gan chủ yếu do viêm gan B và C hoặc do uống nhiều bia rượu gây ra. Theo một nghiên cứu do Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) công bố, 60% ca ung thư gan ở nước này xuất phát từ viêm gan B. Đây là bệnh viêm gan siêu vi mãn tính, gan bị tổn thương và tự sửa chữa liên tục. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan, sau đó là ung thư gan. Biến chứng từ viêm gan sang ung thư gan thường rất chậm, khiến nhiều người không chú ý.
Viêm cổ tử cung
Không phải tất cả các ca viêm cổ tử cung đều gây ra ung thư cổ tử cung. Viêm cổ tử cung do lậu cầu và chlamydia (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến) sẽ không gây ung thư, còn viêm cổ tử cung do nhiễm HPV nếu không được điều trị hiệu quả sẽ có thể phát triển thành ung thư trong vòng 8 đến 10 năm. Những người quan hệ tình dục quá sớm, có nhiều bạn tình, sẩy thai nhiều lần, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... thường dễ nhiễm virus HPV.
Cần phòng ngừa các bệnh phụ khoa để tránh ung thư.
Viêm tụy
80% bệnh nhân ung thư tụy có tiền sử viêm tụy. Viêm tụy cấp nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dễ phát triển thành viêm mãn tính, theo thời gian làm tăng nguy cơ ung thư. Bệnh ung thư tuyến tụy có tỷ lệ sống sót sau 5 năm cực kỳ thấp, dưới 5%. Để tránh bệnh này, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, không rượu bia, không ăn quá no.
Tuyến tụy là bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, có chức năng ngoại tiết và nội tiết.
Viêm tuyến vú
Các tổn thương không tăng sinh của vú không liên quan đến ung thư tuyến vú, kể cả viêm tuyến vú trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên nếu bị bệnh mà không được điều trị, loại viêm này có thể dễ dàng làm hỏng vú và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Viêm tuyến vú có các triệu chứng: Đỏ tại chỗ, sốt và đau nhức toàn thân.
Viêm tuyến tiền liệt
Bệnh viêm tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới trung niên và cao tuổi. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính cũng có thể gây ung thư.
Ung thư tiền liệt tuyến dễ nhầm với phì đại thông thường.
Thực chất, viêm nhiễm là cơ chế tự vệ chống lại các kích thích để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân của môi trường. Không phải tất cả các chứng viêm đều gây ra ung thư. Tùy vào thể chất, mức độ viêm, thời gian từ viêm chuyển sang ung thư sẽ khác nhau ở mỗi người. Khi xảy ra tình trạng viêm nhiễm, hãy điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn, không tự ý mua thuốc. Bên cạnh đó, bạn cần ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá và rượu, tập thể dục nhiều hơn và học cách quản lý cảm xúc.