Khúc tự tình của những người trẻ bất an

Google News

Tuổi thanh xuân được Nguyễn Phương Văn cảm nhận bằng nhãn quan khác biệt. Khi đôi mươi, người ta có hoài bão, nhiệt huyết và tình yêu nhưng phải đối mặt với đầy rẫy áp lực.

Tập truyện Mặt trời trong suối lạnh giống như một bức tranh về cuộc sống của những người trẻ. Ở đó, gam màu trầm đóng vai trò chủ đạo. Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện được kể bằng giọng văn nhẹ nhàng, đầy tình tứ nhưng man mác buồn và trĩu nặng suy tư. Đằng sau những trang viết đầy chất thơ ấy là tâm sự của bạn trẻ đang loay hoay tìm cách khẳng định chính mình.

Khuc tu tinh cua nhung nguoi tre bat an

Sách Mặt trời trong suối lạnh. Ảnh: Thụy Oanh.

Tìm chính mình trong thế giới rộng lớn

Nguyễn Phương Văn đã mang đến cho người đọc một tập truyện dung dị, nhưng đầy cảm xúc. Tác giả không cầu kỳ trong cách lựa chọn nhân vật và xây dựng tình huống truyện. Các sáng tác đều được viết bằng lối văn tự nhiên, với câu từ đơn giản nhưng giàu cảm xúc, khiến người đọc có cảm giác đang ngồi kề bên nhân vật, lắng nghe họ chuyện trò.

Các nhân vật của Nguyễn Phương Văn mộc mạc và bình dị như vừa bước ra từ đời thực. Đó có thể là một cô gái tuổi đôi mươi, hoang mang không biết làm gì với tương lai, nghe theo sự sắp đặt của gia đình, hay cố sức vượt khỏi sự an bài đầy yên ổn để theo đuổi hoài bão của bản thân.

Những gì mà nhân vật trải qua trong tác phẩm là cảm giác đời thường mà chính mỗi người trong chúng ta từng gặp phải, đó là sự bất lực khi phải từ bỏ ước mơ, cảm giác bế tắc khi loay hoay giữa các lựa chọn, không biết phải làm gì để có được kết quả tốt nhất.

Trong cuộc sống, đúng và sai đôi khi thật mơ hồ, nó không rõ ràng giống như phép toán trong bài kiểm tra. Trước khi thử, người ta mường tượng ra kết quả tốt nhất, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Sẽ có lúc, người đọc cảm thấy nuối tiếc cho nhân vật, bởi họ đã kiên trì theo đuổi giấc mơ nhưng kết quả họ nhận được chỉ là thất bại mà thôi.

Tác giả khá táo bạo khi cho nhân vật sống thật với những cảm xúc của mình. Thay vì “cổ tích hóa” cuộc sống, Nguyễn Phương Văn lại mang tới cho người đọc những câu chuyện trần trụi và khốc liệt về hành trình trưởng thành của người trẻ. Trong cuốn sách này, đã có những nhân vật gục ngã và quyết định buông bỏ cuộc sống.

Họ tìm tới cái chết, coi đó như lối thoát duy nhất cho những vấn đề mà mình gặp phải. Trải qua khoảnh khắc cận kề sinh tử, họ dần nhận ra giá trị của cuộc sống. Với tác giả, trưởng thành giống như đi bộ đường trường, hành trang quan trọng nhất chính là sự kiên nhẫn.

Khi vừa trải qua một biến cố lớn, muốn lấy lại sự cân bằng cần phải có thời gian. Hiểu được điều đó, nên tác giả tôn trọng những cảm xúc rất con người của mỗi nhân vật và đưa chúng vào trong các truyện ngắn một cách trọn vẹn.

Khuc tu tinh cua nhung nguoi tre bat an-Hinh-2

Khi đôi mươi, người ta có hoài bão, nhiệt huyết và tình yêu nhưng phải đối mặt với đầy rẫy áp lực. Minh họa: Dribbble.

Bản hòa âm mang hơi thở cuộc sống

Mặt trời trong suối lạnh đem đến những cảm nhận đa chiều về người trẻ trong những năm tháng đầy biến động. Trong tập truyện là sự hiện diện và đan cài của hàng loạt cảm xúc khác nhau: sợ hãi, do dự, mông lung, cố chấp… Trải qua hết những hỉ nộ rất đời thường ấy, người ta nhận ra mình đã trưởng thành.

Các nhân vật: Giang, Zi, Quyên, Sang… không có ai hoàn hảo. Mỗi người đều có những khiếm khuyết riêng, với những vấn đề khác nhau trong quá trình hoàn thiện bản thân và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.

Chủ đề xuyên suốt của tập truyện là hành trình khẳng định bản thân và đi tìm ý nghĩa cuộc sống của những người trẻ. Nhưng tác giả khá tài tình khi xây dựng một hệ thống nhân vật đa sắc, có cá tính riêng, khiến cho mỗi truyện ngắn mang một màu sắc riêng biệt.

Viết về tình yêu, Nguyễn Phương Văn đã để lại trong lòng người đọc nhiều nuối tiếc. Các mối tình trong tập truyện này đều dang dở và kết thúc trong sự day dứt của nhân vật. Những năm tháng tuổi trẻ, người ta dễ phải lòng nhau và hay mơ mộng, nhưng mấy ai đủ kiên trì và bao dung để nuôi dưỡng tình yêu tới ngày đơm hoa kết trái.

Phần lớn sáng tác trong tập truyện này được lấy bối cảnh vào cuối những năm 1990, giới trẻ khi ấy chìm đắm trong những giai điệu âm nhạc của Âu Mỹ, đi đâu người ta cũng có thể nghe thấy những câu từ đầy da diết của U2. Nỗi hoài nhớ quá khứ được tác giả gợi lên tinh tế qua những tình tiết nhỏ.

Ba truyện ngắn Em xóa nó đi, được không?, Thức giấc nghe nước xa chảy xiết, Sài Gòn 68 và tiểu thuyết mini Ba mùa yêu có sự kết nối tự nhiên, tạo nên một chỉnh thể thống nhất cho cuốn sách.

Nguyễn Phương Văn đã kết nối các nhân vật của mình một cách tài tình. Nhân vật phụ của truyện ngắn này, lại trở thành nhân vật chính của một truyện ngắn khác. Các yếu tố này tạo nên chuỗi móc xích, kết nối các sáng tác trong tác phẩm, khiến chúng không rời rạc mà nâng đỡ cho nhau.

Bên cạnh đó, tập truyện này còn hấp dẫn người đọc ở lối viết tình cảm, giàu chất thơ. Ngoài cốt truyện lôi cuốn, tác giả còn phối hợp các yếu tố liên văn bản để tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho tác phẩm. Hiện thực và những suy tưởng của nhân vật được đan xen một cách hợp lý khiến cho tác phẩm không nhàm chán.

Theo Thuỵ Oanh/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)