Tiêm kích tàng hình J-20 do Trung Quốc chế tạo vừa tiến hành bay biểu diễn lần đầu trước công chúng tại triển lãm Chu Hải. 2 tiêm kích J-20 trổ tài nhào lộn trên không nhằm quảng bá thành tựu công nghiệp hàng không lớn nhất của Trung Quốc.
J-20 có thực sự tốt?
Truyền thông Trung Quốc dùng nhiều “mỹ từ” ca ngợi “màn trình diễn” của J-20 trước công chúng. Một sĩ quan không quân Trung Quốc tên Wang nói với Global Times, góc bay lên cao của J-20 khoảng 90 độ, điều đó chứng minh chất lượng động cơ rất cao, khả năng này cung cấp cho chúng tôi nhiều lợi thế trong chiến đấu.
Chen Ho, tổng biên tập tạp chí quân sự thế giới của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu đến thế giới về việc họ chính thức có máy bay chiến đấu thế hệ 5. Một thành viên không quân Pakistan cho biết rất ấn tượng với “màn trình diễn” của J-20, ngoại trừ thời gian bay quá ngắn.
Nhưng ngay khi tiêm kích tàng hình hiện đại nhất Trung Quốc có “màn trình diễn” khá ấn tượng, Bắc Kinh vẫn chi hàng tỷ USD để mua chiến đấu cơ từ Nga. Điều đó dẫn đến câu hỏi về năng lực thực sự của tiêm kích này.
|
Tiêm kích J-20 bay biểu diễn tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải. Ảnh: Popsci |
Hãng tin TASS, dẫn lời ông Vladimir Drozhzhov, phó giám đốc về hợp tác quân sự của Liên bang Nga ngày 2/11 nói rằng Moscow bắt đầu sản xuất tiêm kích Su-35 theo hợp đồng đã ký với Bắc Kinh. “Cung cấp máy bay sang Trung Quốc sẽ được thực hiện theo các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Bây giờ, chúng tôi đang thực hiện giai đoạn đầu của hợp đồng”, ông Drozhzhov nói.
Trước đó, tháng 11/2015, Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng mua bán 24 tiêm kích Su-35 trị giá 2 tỷ USD. Nga dự kiến chuyển giao cho Trung Quốc 4 Su-35 trong năm 2016, những máy bay còn lại sẽ được chuyển giao trong vòng 3 năm tới.
Khai thác công nghệ
Nhận xét về hợp đồng mua Su-35 của Trung Quốc, nhà phân tích quân sự Dave Majumdar cho rằng bất chấp thỏa thuận đã ký với Moscow, Bắc Kinh quan tâm đến Su-35 chắc chắn là để khai thác công nghệ phục vụ cho mục đích của họ.
Tiêm kích J-20 có thiết kế khí động học giống máy bay chiến đấu thế hệ 5, nhưng động cơ và hệ thống điện tử hàng không của nó vẫn chưa đạt chuẩn. Động cơ kiểm soát vector lực đẩy Saturn AL-41F1S, radar quét mạng pha điện tử thụ động Irbis-E và hệ thống chiến tranh điện tử trên Su-35 là những thành phần mà Bắc Kinh có thể quan tâm.
|
Su-35 được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc thèm khát. Ảnh: Defence Industry Daily |
Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện động cơ phản lực WS-10 để trang bị cho các phiên bản “nhái” của dòng Su-27/30. Bắc Kinh được cho là đang trong quá trình phát triển động cơ WS-15 để trang bị cho J-20.
Hiện tại, động cơ WS-15 được cho là đang tiến thử nghiệm tĩnh ở mặt đất, sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm bay trên máy bay Ilyushin Il-76. Thực tế, Trung Quốc chưa chứng minh được khả năng chế tạo động cơ phản lực đáng tin cậy.
J-20 đang bay với động cơ AL-31F vốn sử dụng cho tiêm kích Su-27. Ông Majumdar cho rằng, trưng dụng động cơ AL-41F1S từ Su-35 có thể là một giải pháp cho vấn đề khủng hoảng động cơ phản lực của Trung Quốc.
Có nguồn tin nói rằng J-20 có thể được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) KLJ-5. Radar này đang được thử nghiệm trên máy bay Tu-204 do Liên Xô sản xuất. Tuy nhiên, không có cách nào để xác nhận thông tin về radar KLJ-5 vì Trung Quốc hầu như không chia sẽ thông tin về dự án.
Trong khi đó, công nghệ radar của Nga phát triển hơn so với Trung Quốc nên Bắc Kinh có thể khai thác công nghệ từ radar Irbis-E để hoàn thiện radar phát triển trong nước.
J-20 đại diện cho bước nhảy vọt đáng kể của công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc. Bắc Kinh có thể độc lập phát triển động cơ, radar và các hệ thống điện tử đẳng cấp thế giới nhưng đó không phải là ngày hôm nay.
Nếu J-20 là một tiêm kích có năng lực, chắc chắn Bắc Kinh sẽ không chi tới 2 tỷ USD để mua phi đội chiến đấu kém năng lực hơn máy bay do họ sản xuất, ông Majumdar kết luận.