Trong bài phát biểu của mình, ông Netanyahu cho biết, trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, phía Israel đã tiến hành các cuộc không kích lớn, tiêu diệt nhiều phần tử Hamas. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của chiến dịch và cuộc chiến tại Gaza sẽ còn khó khăn và kéo dài.
“Đây là cuộc chiến giành độc lập thứ hai của chúng ta. Đây là sứ mệnh của chúng ta, mục đích sống của chúng ta và chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng” – ông Netanyahu nói.
Việc mở rộng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) diễn ra gần ba tuần sau khi các chiến binh Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào nhà nước Do Thái, tấn công các thị trấn và thành phố của Israel bằng tên lửa và tấn công các khu định cư gần biên giới Gaza. Theo các quan chức Israel, khoảng 1.400 người Israel đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu và hơn 200 người bị bắt làm con tin.
“Đêm qua, các lực lượng mặt đất được tang cường đã tiến vào Gaza, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn thứ hai của cuộc chiến, với mục tiêu là tiêu diệt các địa điểm quân sự và chính trị của Hamas cũng như đưa những công dân bị bắt cóc trở về,” ông Netanyahu nói.
Máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích suốt đêm thứ Sáu và thứ Bảy, khi lực lượng bộ binh và thiết giáp được tung ra trong một cuộc tấn công đáng kể vào vùng đất của người Palestine.
Trong khi đó, Bộ Y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát đã công bố báo cáo hơn 6.700 người đã tử vong ở khu vực này kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hôm 7/10.
Báo cáo cho biết từ ngày 7 – 26/10, tổng cộng 7.028 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 2.913 trẻ em. Họ cho biết thêm 281 thi thể vẫn chưa được xác định danh tính.
Danh sách 6.747 cái tên bao gồm giới tính, tuổi tác và số chứng minh nhân dân của từng nạn nhân – một nỗ lực rõ ràng nhằm củng cố độ tin cậy của dữ liệu trước những thách thức từ Mỹ và Israel.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một lần nữa kêu gọi ngừng bắn
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 29/10 một lần nữa kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas, sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công mở rộng trên bộ và phá hủy liên lạc ở Gaza. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi thả con tin vô điều kiện và cung cấp hàng cứu trợ ở mức độ tương ứng với nhu cầu của người dân ở Gaza.
Trước đó Tổng thư ký Antonio Guterres cũng kêu gọi việc giám sát việc vận chuyển viện trợ đến Dải Gaza từ Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah phải được “điều chỉnh để cho phép nhiều xe tải hơn vào Gaza mà không bị chậm trễ”.
Rafah là cửa khẩu chính ra vào Gaza không giáp biên giới Israel. Nơi đây đã trở thành điểm phân phối viện trợ chính kể từ khi Israel “bao vây toàn diện" khu vực này để trả đũa cuộc tấn công của Hamas. Mỹ đang dẫn đầu đàm phán với Israel, Ai Cập và Liên Hợp Quốc để cố gắng tạo ra một cơ chế phân phát viện trợ liên tục cho Gaza.
Hiện dân thường ở Gaza không có điện thoại hoặc dịch vụ vô tuyến. Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, việc phân phát viện trợ không được thực hiện vì các cuộc tấn công. Viện trợ nhân đạo bao gồm thực phẩm, nước uống và vật tư y tế đã bắt đầu được chuyển tới dải Gaza vào tuần trước. Nhưng khi xung đột leo thang, ngày càng có nhiều lời kêu gọi viện trợ nhiều hơn cho thường dân bị mắc kẹt ở Dải Gaza.