Trong cuộc tranh luận tổng thống gần đây, người điều phối đã hỏi cựu Tổng thống Donald Trump rằng: “Ông có muốn Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến này không?”. Ông Trump trả lời rằng ông muốn cuộc chiến tranh này chấm dứt. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng có câu trả lời tương tự. Tuy nhiên, không giống như ứng cử viên đối thủ, bà đã thể hiện rõ quan điểm của mình rằng sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Trên thực tế, đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Vậy việc giành chiến thắng trong cuộc xung đột này sẽ mang lại ý nghĩa gì? Các nước phương Tây hoặc giữa phương Tây và Ukraine không cùng chung quan điểm về vấn đề này.
Ngay từ đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác định rõ ràng rằng chiến thắng đồng nghĩa với việc giải phóng tất cả vùng đất thuộc Ukraine bị Nga chiếm đóng từ năm 2014. Điều này sẽ khiến đất nước của ông được trở lại toàn vẹn trong vùng biên giới được quốc tế công nhận từ năm 1991, khi Ukraine được thành lập sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Kế hoạch hoà bình của Ukraine rõ ràng hướng đến việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bằng việc tuyên bố rằng Ukraine không sẵn sàng đàm phán hay thỏa hiệp về việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng kể từ năm 2014. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Ukraine đồng ý với mục tiêu của Tổng thống Zelensky, mặc dù thái độ của họ đang thay đổi do chi phí đổ vào cuộc chiến ngày càng tăng.
Một vài ý kiến cho rằng Ukraine sẽ được coi là chiến thắng khi nước này có thể đẩy lùi Nga quay trở lại với đường biên giới vốn có vào ngày 23/2/2022, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bằng cách này, Moscow vẫn sẽ kiểm soát khoảng 10% lãnh thổ Ukraine mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014; tuy nhiên, Nga sẽ không đạt được bất kì thành quả nào từ cuộc xung đột gần đây nhất.
Cũng có ý kiến khác cho rằng việc giữ cho Ukraine có độc lập và chủ quyền, ngay cả khi bị mất các lãnh thổ hiện đang bị Nga chiếm đóng, cũng sẽ là một chiến thắng cho nước này. Đồng thời, đây sẽ là thất bại chiến lược cho Nga bởi quốc gia này đã đặt mục tiêu chinh phục toàn bộ Ukraine. Một số người thậm chí còn cho rằng Ukraine đã giành được chiến thắng bởi Nga khó có thể tiến xa hơn nữa vào lãnh thổ của Ukraine so với những gì họ đã từng đạt được.
Mỹ nói gì sau sự kiện tháng 11?
Trong khi đó, chính quyền Biden-Harris chưa bao giờ xác định rõ ràng chiến thắng hay tuyên bố một cách rõ ràng điều họ đang cố gắng đạt được. Họ chưa bao giờ công khai nhận mục tiêu của Tổng thống Zelensky là của mình. Thay vào đó, trong hai bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã nêu quan điểm về sức mạnh của tự do để khuất phục chế độ chuyên quyền. Tuy nhiên, trong cả hai bài phát biểu này, ông đều không nhắc đến chiến thắng cho Ukraine một cách cụ thể.
Các quan chức khác đã tiết lộ đôi chút về quan điểm của chính quyền; mặc dù vậy, không ai đưa ra một sự giải thích toàn diện về các mục tiêu của chính quyền. Dưới áp lực của Quốc hội, chính quyền cuối cùng đã gửi một chiến lược cho Ukraine vào giữa tháng 9, nhưng chưa có chi tiết nào được công bố.
Những gì còn sót lại là sự thiếu rõ ràng và nhất quán trong chính sách của chính quyền Mỹ đối với Ukraine. Ví dụ, chính quyền Mỹ đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến “chừng nào còn cần thiết”, nhưng lại không làm rõ kết quả hay mục tiêu cuối cùng của sự hỗ trợ này. Họ cũng cho biết đang tăng cường vũ khí cho Ukraine để tăng cường vị thế của quốc gia này trên bàn đàm phán, nhưng không đề cập đến những giới hạn cụ thể của thoả thuận mà họ muốn Ukraine có thể đàm phán được.
Chính quyền Mỹ đã tuyên bố mục tiêu là bảo vệ chủ quyền và độc lập của Ukraine, nhưng không chỉ rõ rằng trong biên giới nào, mặc dù Mỹ chính thức công nhận đường biên giới được xác lập năm 1991. Và trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu, Tổng thống Joe Biden đã kiên quyết nói rằng Mỹ sẽ không tham chiến với Nga để bảo vệ Ukraine và tránh nguy cơ thảm hoạ hạt nhân mà nó mang lại. Liệu đây còn có phải là điều đúng đắn ngay cả khi đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự thất bại của Ukraine và ý đồ chinh phục Ukraine của Nga? Có lẽ sẽ không ai biết chắc chắn được câu trả lời là gì.
Tất cả những điều này cho thấy rằng bản thân chính quyền Mỹ chưa thống nhất nội bộ về các mục tiêu của mình hoặc họ tin rằng mình không thể chống lại cuộc tranh luận công khai. Có thể họ cũng lo ngại rằng nếu tầm nhìn của họ về sự thành công được tiết lộ, nó có thể phá tan sự đoàn kết của phương Tây và sự liên kết với Ukraine trong bối cảnh sự xâm lược của Nga.
Đây có thể được coi là một chiến lược thất bại. Chiến lược này gây đe doạ sự ủng hộ của công chúng - yếu tố quan trọng đối với thành công của bất kỳ chính sách đối ngoại nào trong một xã hội dân chủ; khiến các nguồn lực sẽ bị lãng phí; làm dấy lên sự tranh cãi công khai và vô tận - điều làm hao mòn sức mạnh của Mỹ; đồng thời, củng cố niềm tin của Điện Kremlin rằng họ có thể vượt qua phương Tây để đạt được mục tiêu của mình trong cuộc xung đột này.
Đã đến lúc Mỹ cần đưa ra một cái nhìn thuyết phục về việc nước này đang cố gắng đạt được điều gì từ cuộc chiến ở Ukraine và một chiến lược để đạt được thành công. Điều đó cần phải được xây dựng dựa trên thực tế khách quan, với một đánh giá rõ ràng về lợi ích và khả năng của Nga, Ukraine, châu Âu và Hoa Kỳ, và xác định các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu đó. Mỹ cần phải gắn các mục tiêu đối với Ukraine vào một cái nhìn bao quát hơn về an ninh tương lai của châu Âu trong bối cảnh sự thù địch và cản trở liên tục từ Nga. Mỹ cần phải vạch ra một con đường để cùng tồn tại với Nga bởi dù kết quả của cuộc chiến Ukraine như thế nào, Nga vẫn sẽ là một đối thủ lớn, đồng thời vẫn là một đối tác cần thiết trong việc quản lý sự ổn định chiến lược và đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia cấp bách với biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu.
Thời điểm hiện tại đã quá muộn để chính quyền Biden thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đây nên là ưu tiên của vị tổng thống kế tiếp để xác định rõ ràng rằng Ukraine và Mỹ chiến thắng trong cuộc xung đột này sẽ mang lại những ý nghĩa gì.