Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense - THAAD) là một hệ thống phòng thủ do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo.
Lầu Năm Góc cho biết, cùng với Aegis, Patriot PAC-3, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã tạo nên tấm khiên đánh chặn ba tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng lập nên ô che chắn cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương. Hiện nay, trước những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hệ thống này đã được Mỹ đưa tới Hàn Quốc từ cuối năm 2016 và đang được bố trí ở tỉnh Seongju nhằm giúp nước này đối phó với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.
|
Phạm vi tác chiến của THAAD. Ảnh: Ilbe.com |
Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động trên của Mỹ và Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc phản ứng một cách gay gắt như vậy bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính sau:
- Thứ nhất, Trung Quốc lo ngại với tầm giám sát trên 1.000km như vậy có thể sẽ khiến các hoạt động triển khai tên lửa đạn đạo của nước này bị Mỹ - Hàn giám sát chặt chẽ, qua đó khiến toàn bộ năng lực tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh bị hạn chế nếu như có một cuộc xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mặc dù chỉ có phạm vi đánh chặn chỉ 200km nhưng hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD có khả năng giám sát, theo dõi mục tiêu lên tới 1.000km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km. Rõ ràng phạm vi giám sát này hoàn toàn bao phủ một vùng rộng khắp tại khu vực phía Đông, Đông Bắc của Trung Quốc, đồng thời toàn bộ căn cứ quân sự dọc theo Hoàng Hải và Đông Hải đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.
Nhận định về vấn đề này, Jonathan Marcus - phóng viên chuyên về quân sự và ngoại giao của BBC cho rằng, “Điều khiến Bắc Kinh lo ngại là mạng radar X-band cực mạnh của
THAAD có thể vươn sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và gửi thông số về cho hệ thống phòng thủ của Washington, chẳng hạn như loại tên lửa tìm diệt bố trí tại Mỹ và như thế sẽ làm suy yếu năng lực răn đe của Trung Quốc”.
|
Xe bệ phóng tên lửa của THAAD. Ảnh: Armyrecognition.com |
- Thứ hai, Trung Quốc lo sợ hình thành liên minh phòng thủ qua đó kiềm chế các năng lực tác chiến của Trung Quốc trong tương lai. Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cho rằng, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ là bước đệm để cũng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn.
Nhiều chuyên gia nhận định, sau khi hoàn tất việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, bước tiếp theo là kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản. Washington đang tìm cách hình thành một liên minh quân sự giữa 3 nước giống như một NATO mini ở Đông Á. Đây rõ ràng là một lo lắng có cơ sở của Trung Quốc bởi vì, hiện nay, Mỹ và Nhật đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước.
Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ rằng, THAAD là một bước trong kế hoạch mà Mỹ thực hiện để bao vây Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nhật Bản đến Đài Loan và thậm chí là Ấn Độ.
|
Cơ chế đánh chặn của THAAD. Ảnh: Economictimesindiatimes.com |
Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, để trả đũa hành động cho phép Mỹ bố trí THAAD, Trung Quốc có thể áp dụng một số đòn trừng phạt kinh tế với Hàn Quốc trong thời gian tới như:
1. Áp đặt các rào cản phi thuế quan lớn hơn đối với thương mại, chẳng hạn như các yêu cầu hải quan và thanh tra;
2. Cấm hoạt động du lịch từ Trung Quốc vào Hàn Quốc và kéo dài thời gian cấp thị thực;
3. Sử dụng truyền thông do nhà nước kiểm soát để tổ chức các cuộc tẩy chay và chiến dịch chống lại các mặt hàng Hàn Quốc;
4. Đóng cửa các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc;
5. Từ bỏ khoản đầu tư vốn của Trung Quốc vào các thị trường tài chính Hàn Quốc.