Tiếp theo kỳ trước, chúng ta hãy đi đến lý do thứ hai mà Việt Nam khó có khả năng mua F-16 – máy bay chiến đấu đa năng huyền thoại Mỹ.
Theo đó, thứ hai mặc dù được thiết kế hết sức linh hoạt, thân máy bay có khả năng chống lại quá tải trọng lực lên tới 9G và có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn hơn một chút giúp máy bay tiêm kích F-16 có khả năng tăng tốc cực tốt.
|
Tiêm kích F-16 thiếu vắng động cơ có khả năng kiểm soát véc tơ lực đẩy. |
Tuy nhiên, F-16 đã ra đời được gần 40 năm, rõ ràng sức mạnh của nó sẽ hạn chế so với các máy bay chiến đấu mới được áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Ví dụ nó không được trang bị công nghệ động cơ điều khiển vector lực đẩy hai chiều AL-31FP giống như của các máy bay Su-30MKI/MKM. Động cơ này kết hợp với thiết kế cánh mũi giúp Su-30 có khả năng siêu vận động, tạo ưu thế trong không chiến quần vòng cự ly gần.
F-16 cũng kém hơn hẳn so với các máy bay Nga và Trung quốc ở khả năng leo dốc nhanh và trần bay. Tính cơ động của nó thậm chí còn bị đánh giá kém hơn so với J-10, loại máy bay được coi là F-16 phiên bản Trung quốc.
Vậy nếu ta mua sắm mấy chục chiếc tiêm kích F-16 thì có thể giúp thay đổi gì về cán cân lực lượng trên Biển Đông khi mà dự kiến từ nay đến năm 2026, Trung quốc có thể sản xuất những...1.200 chiếc J-10 trang bị cho quân đội nhằm thay thế cho các loại máy bay cũ của họ?
Thứ ba, ta đã có nhiều bài học khi nhập khẩu công nghệ cũ từ các lĩnh vực khác. Việc bỏ ra công sức thời gian và tiền bạc để sắm về một dòng máy bay tân trang liệu có phải là khôn ngoan khi mà đồ cũ thì bao giờ cũng vẫn chỉ là đồ cũ, nó chỉ có dự trữ thời gian sử dụng ngắn (khoảng 2.000 giờ).
Ngoài ra, quá trình sử dụng sẽ sớm xuất hiện những vấn đề về hỏng hóc và bảo dưỡng. Mỗi lần như thế có thể phải mang về Mỹ để sửa chữa cực kỳ tốn kém và phức tạp.
|
Phiên bản nâng cấp hiện đại nhất của F-16 có giá quá đắt, đắt hơn cả một chiếc Su-30MK2. |
Còn để mua máy bay mới sản xuất thì các phiên bản tiêm kích F-16C/D Block 50/52 có giá trên 70 triệu USD/chiếc, kèm theo nó là các chi phí về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, trang thiết bị vũ khí bổ sung sẽ không hề rẻ chút nào. Và với nhu cầu hiện tại của Việt Nam đang cần khoảng trên dưới 40 chiếc để đảm bảo khả năng chiến đấu của các trung đoàn không quân, chi phí chung có thể lên tới hàng 3-4 tỉ USD sẽ vượt quá ngân sách của chúng ta.
Do đã ra đời khá lâu và qúa phổ biến nên chắc chắn yếu tố bất ngờ về công nghệ và chiến thuật của tiêm kích đa năng F-16 không còn nữa. Hiện nay có khoảng 25 quốc gia sử dụng F-16 ở nhiều phiên bản khác nhau, và không phải nước nào cũng tuân thủ chặt chẽ việc kiểm soát cung cấp thông tin tính năng kỹ chiến thuật của F-16 cho các nước khác.
Một yếu tố quan trọng nữa là Việt Nam vốn từ trước đến nay quen với việc sử dụng các loại máy bay chiến đấu Nga. Việc tích hợp một dòng vũ khí Mỹ vào các hệ thống chuẩn Nga của Việt Nam là hết sức khó khăn, có thể mất tới nhiều năm và ẩn chứa nhiều rủi ro, tốn kém, khiến cho loại máy bay được sản xuất từ thời chiến tranh lạnh này càng trở nên lạc hậu. Khi đó mục đích đi tắt đón đầu tiến thẳng lên hiện đại của ta sẽ có nhiều triển vọng trở thành “đi tắt đón...đuôi”.
Với những lý do như trên và với chính sách mua sắm quốc phòng thận trọng của ta, có thể thấy rằng việc Việt nam sẽ sở hữu dòng máy bay tiêm kích F-16 nhiều khả năng chỉ là võ đoán...