Su-30MKI thay đổi chiến lược tác chiến của Ấn Độ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tiêm kích Su-30MKI đang giúp cho Ấn Độ mở rộng khả năng tác chiến và có những hoạch định chiến lược mới cũng như những bước đi táo bạo hơn so với trước đây.

Tạp chí quân sự Nga-Ấn (RIR) mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Rakesh Krishnan Simha có tựa đề: Su-30MKI đang thay đổi chiến lược tác chiến của Không quân Ấn Độ (IAF).
Bài phân tích chỉ ra rằng, tính chất phát triển không ngừng và khả năng tác chiến linh hoạt của máy bay chiến đấu Sukhoi trong biên chế đã giúp Không quân Ấn Độ mở rộng khả năng tác chiến và có những hoạch định chiến lược mới cũng như những bước đi táo bạo hơn so với trước đây.
 Tiêm kích đa năng thế hệ 4 Sukhoi Su-30MKI.
Với việc tiếp nhận số lượng lớn các máy bay chiến đấu hàng đầu Su-30MKI, IAF không chỉ thực hiện một bước chuyển đổi lịch sử từ các phi đội máy bay MiG-21 sang Su-30MKI, mà học thuyết tác chiến chiến tranh của Ấn Độ cũng đã được thay đổi, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược tầm xa.
Theo bài phân tích, tính chất công kích và kỹ thuật điều khiển máy bay chiến đấu của phi công là một yêu cầu cơ bản, tối quan trọng của tác chiến đường không và IAF từ lâu đã là một lực lượng như vây.
Lịch sử đã minh chứng, vào ngày 3/12/1971, Không quân Pakistan (PAF) đã phát động một tấn công vào các căn cứ IAF, ngay lập tức IAF đã mở màn bằng cuộc đáp trả thắng lợi bằng công kích đường không ồ ạt vào sáng ngày 4/12/1971 vào Pakistan. Trong các cuộc không chiến này, IAF đã đúc rút ra kinh nghiệm rằng, không quan trọng nếu đối thủ có các máy bay và các hệ thống radar tốt hơn, mà điều quan trọng quyết định thắng lợi là thời cơ công kích và kỹ năng điều khiển bay tác chiến của phi công IAF.
 Su-30MKI là biến thể hiện đại nhất của dòng Su-30, trang bị radar mạng pha cực mạnh Bars và cặp động cơ có kiểm soát véc tơ lực đẩy.
Theo phân tích, Su-30MKI là một thế hệ máy bay chiến đấu “thống trị trên không”, nó cho phép IAF thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tầm chiến lược, cân xứng với khả năng tác chiến toàn cầu của Ấn Độ.
Tính ưu việt của Su-30MKI nằm ở khả năng mở rộng phạm vi tác chiến, tốc độ xuất kích, hỏa lực mạnh và khả năng cơ động linh hoạt, điều này đã được IAF và không quân một số nước đang sở hữu loại máy bay tân tiến này kiểm nghiệm thực tế.
Vào tháng 4/2013, IAF tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có liên quan đến việc triển khai 200 máy bay vận tải, máy bay trực thăng và 400 máy bay chiến đấu trong đó có Su-30MKI. Cuộc tập trận nhằm mục đích kiểm tra khả năng tác chiến của IAF cho một cuộc chiến hai mặt trận chống lại Trung Quốc và Pakistan, bằng việc triển khai lực lượng không quân linh hoạt dựa trên kịch bản tác chiến từ phía Tây sang phía Đông Ấn Độ.
Trong cuộc tập trận này, các máy bay chiến đấu Su-30MKI đã bay 1.800 km và thực hiện nhiệm vụ đánh bom từ Chabua ở Assam sang mặt trận phía Tây (Ấn Độ) nhờ tiếp nhiên liệu từ trên không.
 Su-30MKI có thể mang tên lửa, bom chính xác cao thực hiện nhiệm vụ tấn công trên 3 mặt trận: mặt đất, trên không, trên biển.
Su-30MKI có 12 điểm treo tên lửa và bom. Hiện IAF đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi cấu trúc trên Su-30MKI để có thể mang theo tên lửa hành trình siêu thanh tân tiến BrahMos. Nếu thành công, mỗi máy bay Su-30MKI có thể mang tới 3 tên lửa BrahMos.
Quyết định trang bị tên lửa hành trình BrahMos cho Su-30MKI có thể coi là ý tưởng táo bạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp mới và báo hiệu một khả năng tác chiến mạnh hơn cho IAF.
BrahMos là tên lửa có khả năng phá hủy mục tiêu với độ chính xác cao, vì vậy nếu xảy ra các cuộc không chiến trong tương lai, Su-30MKI tích hợp tên lửa BrahMos hiện đại có thể trở thành nỗi khiếp sợ của các lực lượng không quân thù địch. Trước đây, có thông tin cho rằng, Bộ Tư lệnh các Lực lượng chiến lược của Ấn Độ (SFC) yêu cầu 40 máy bay tấn công hạt nhân có khả năng sử dụng tên lửa đạn đạo tích hợp.
 Năng lực tác chiến của Su-30MKI sẽ càng được nâng cao, thậm chí tới mức đang sợ với tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Mặc dù không công khai, song thực tế việc IAF đang nghiên cứu tích hợp các tên lửa BrahMos cho 40 máy bay Su-30MKI là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và giả thiết một đầu đạn hạt nhân được gắn trên một tên lửa BrahMos được phóng đi từ Su-30MKI sẽ không những tăng cường hơn nữa sức mạnh tấn công của IAF, mà còn làm phức tạp kế hoạch phòng thủ của đối phương.
Bây giờ, IAF đang hướng tới sở hữu tới 272 máy bay Su-30MKI và số máy bay này đang được Ấn Độ nâng cấp lên chuẩn “Super Sukhoi” với tính năng tương tự như một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Không giống như trước đây, IAF chỉ có thể triển khai số lượng hạn chế tại các căn cứ trọng yếu như Adampur, Jammu, Amritsar và Jodhpur (giáp biên giới với Pakistan), nhưng trong tương lai với 272 máy bay Su-30MKI, IAF có thể xây dựng một mạng lưới các phi đội Su-30MKI trên khắp đất nước Ấn Độ và có thể tham chiến ngay sau khi phát lệnh 1 giờ nhờ khả năng cơ động linh hoạt và phạm vi tác chiến xa của loại máy bay này.
Hoàng Nam

Bình luận(0)