Năm1964, ở tuổi ngoài 20, người con gái xứ Thanh xung phong vào làm công nhân Quốc phòng, chỉ trong thời gian ngắn cấp trên phát hiện, bà mang đậm tính cách của cháu con bà Triệu và trao cho bà chức A trưởng (tiểu đội trưởng). Liền sau đó một đại đội nữ được tuyển chọn và đưa sang Trung Quốc đào tạo lái xe tải, trong đó có bà. Trở về nước năm 1966, hầu hết trong đại đội nữ lái xe lên đường vào phục vụ tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
|
Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Chững.
|
Đến thăm bà tại nhà riêng ở đường Hoàng Diệu, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), giờ đã bước qua tuổi 73, nữ Cựu chiến binh, thương binh ¾, Dũng sĩ giao thông vận tải - Nguyễn Thị Chững, vẫn giọng nói sang sảng kể lại: “ngày ấy khi nghe cấp trên cho biết, sẽ đưa một đại đội nữ đi Trung Quốc học lái xe vận tải, ai cũng không tin bởi đang trong thời chiến ác liệt như vậy, là con gái chân yếu, tay mềm như chúng tôi thì lái xe làm sao được? Thế nhưng sang nước bạn, tất cả đều học và lái xe ngon lành. Xong một năm học trở về nước, lập tức nhận lệnh lái xe tải chở hàng vào miền Nam theo tuyến đường Trường Sơn. Chị em chúng tôi hiểu rằng, sẽ phải lái xe dưới mưa bom, bão đạn, là chạy đua với tử thần…nhưng tinh thần và tư thế rất sẵn sàng, thậm chí còn thấy vinh quang và tự hào”.
Hơn hai năm lái xe trên đường Trường Sơn, kỷ niệm hào hùng thật nhiều, nhưng cũng không ít bi thương. Với bà, chỉ một tuyến đường khói lửa thuộc địa danh Nghệ - Tĩnh, mãi mãi in đậm vào lịch sử cuộc đời bà. Đúng vào năm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng (năm 1967), cũng là lúc giặc Mỹ điên cuồng dội bom đạn và dải chất độc hóa học dọc tuyến đường Trường Sơn.
|
Với chiến công lập được, bà Nguyễn Thị Chững đã được Bộ Giao thông Vận tải trao tặng danh hiệu: Dũng sĩ Giao thông Vận tải đánh thắng giặc Mỹ.
|
Bà nghẹn ngào kể lại: “Tôi lái chiếc xe tải do Liên Xô ngày trước chế tạo, loại xe Gaz 51, chở đạn và một số nhu yêu phẩm khác vào chiến trường miền Nam, trên đầu thì giặc Mỹ ném bom, pháo địch ở Biển Đông nã vào (tàu chiến Mỹ nằm ở ngoài biển). Xe bị trúng đạn và bốc cháy, trong khi đợi đồng đội và nhân dân ứng cứu, một mình vừa dập lửa vừa kéo, vác các kiện hàng ra khỏi xe.
Thời đấy, nhờ thân hình to khỏe (67kg), nên một mình dựng đứng những phy xăng to như thế mà vẫn thấy bình thường, nhiều lần cứu được hàng nhưng xe bị hư hỏng nặng. Năm 1968, tại đoạn đường qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xe lại bị trúng đạn bốc cháy, vừa cứu xe cứu hàng, nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục ném bom.
Có quả rơi gần xe hàng, sức ép của bom hất tung người lên rồi rơi xuống đất ngất đi, khi tỉnh dậy, quân y cho biết, mình bị dập 5 đốt sống lưng; 13 mảnh đạn găm vào người, trong đó có 3 mảnh ở đầu và đến giờ trong đầu vẫn còn 1 mảnh đạn. Sau lần bị thương ấy, bà được đưa về tuyến sau điều trị và xếp loại thương binh ¾, năm 1969 bà chuyển sang dân sự làm việc cho đến khi nghỉ hưu”.
|
Ảnh chụp vợ chồng bà Nguyễn Thị Chững cùng huân huy chương mà 2 người cùng nhận được.
|
Giờ đây sống trong một gia đình êm ấm, bà không thể nào quên được những năm tháng vô cùng gian khổ, cứu xe cháy, dập lửa cứu hàng…và cũng không thể nhớ hết được có bao nhiêu xe cháy. Cứu xe và hàng xong còn phải lo chôn cất những người đã hy sinh…Bà bảo, lúc nhận danh hiệu, Dũng sĩ Giao thông vận tải đánh thắng giặc Mỹ, nhưng cả đơn vị nữ lái xe chỉ còn lại 8 người. Kể đến đây, bà lặng người đi rồi đến bàn thờ thắp nén nhang thầm gọi từng cái tên đồng đội đã hy sinh.
Người chồng của bà ở Nam tập kết ra Bắc, là bộ đội thiết giáp, tuy tuổi tác có chênh lệch nhiều, nhưng bà bảo, mình còn có chồng, thời chúng tôi quá lứa là ế. Giờ đây, giữa đời thường, vẫn bề bộn việc nhà, việc hội hè, đoàn thể, nhưng bà vẫn xem việc chăm sóc gia đình, dù trong 4 người con, có 2 người bị di chứng chất độc da cam/Dioxin. Thế nhưng, nữ dũng sĩ lái xe Trường Sơn luôn quan niệm, chăm sóc con là niềm hạnh phúc lớn lao của bà.