Doanh nhân chế tạo tàu ngầm mơ làm trực thăng giá 200 triệu đồng

Google News

Anh Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, TP Thái Bình) là cá nhân đầu tiên, đã “tay không” xông lên chế tạo chiếc tàu ngầm mini bằng sắt đầu tiên của Việt Nam.

Tàu dài gần 9m, đã vận hành thử nghiệm “ngon lành” trong bể chứa nước ở giữa sân xí nghiệp của mình. Cũng lặn, cũng nổi, cũng lắc, cũng giật với chân vịt quay rào rào, ra đa màn hình xanh đỏ nhấp nháy như ai.
Tàu ngầm Trường Sa 1 của anh Hòa, dự kiến, có thể lặn sâu 50m, hoạt động độc lập trên biển 15 ngày, lúc lặn có thể đạt tốc độ 20-25 hải lý/giờ! Mọi thứ đã bật quy lát, tàu ngầm “made in Quê Lúa” đã sẵn sàng bơi ra biển lớn bất cứ lúc nào. Từ chỗ cười chế nhạo, nghi ngờ “giấc mơ xuống đáy biển” đó, giờ thì nhiều người đã thảng thốt thán phục giám đốc Hòa. Trung ương, địa phương, các GS đầu ngành tới tấp về nghiên cứu. Và, anh Hòa chỉ nhõn việc chạy trốn giới truyền thông đã mệt rã người.
Gọi là tàu ngầm hay máy lặn, thùng lặn đều được!
Anh bảo, tôi biết trước là thử nghiệm sẽ ngon ơ, tôi biết là ra biển sẽ lặn ủng oẳng được, vì mọi chuyện rất đơn giản. Nói rằng gắn ngư lôi, đại bác vào tàu Trường Sa 1 của tôi để làm nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù thì hơi hoang tưởng, nhưng nói tôi không làm được cái tàu đơn giản này thì lại càng hoang tưởng hơn.
Chỉ một đêm, tôi mang máy cẩu, mang xe công-ten-nơ đến “cõng”, là tàu ngầm của tôi vù ra cửa biển chạy thử được thôi. Từ trước khi chế tạo, tôi đã tính, tàu này nặng bao nhiêu tấn, và đến giờ thì nó đã bị gắn thêm vài cái ốc vít “vỡ kế hoạch” nữa, thành ra nặng hơn so với dự định 50kg! Cũng như tôi từng đúc cánh máy bay trực thăng để thực hiện “giấc mơ lên trời”.
 Ông Hòa với ước mơ cháy bỏng chế tạo chiếc tàu ngầm Made in Vietnam.
Nếu nhà nước cho sản xuất để bay đi câu cá, đi du ngoạn, tôi chỉ bỏ 200 triệu đồng ra là có trực thăng bay lên giời cực kỳ an toàn, rồi sản xuất bán hàng loạt. Cũng như tôi từng sản xuất những cỗ máy in mà dân chuyên gia ở Hà Nội, ở Sài Gòn mua cả mớ, mua về dùng tốt quá, tháo ra nghiên cứu để “bắt chước” nhưng chả tài nào sản xuất được. Tôi rất hay có các hợp đồng sản xuất máy móc cho các doanh nhân Nhật Bản đặt hàng…
Toàn những chuyện khó tin. Tôi gặp anh Nguyễn Quốc Hòa khi mà đã có cả trăm bài báo viết về anh. Thế nên việc nhờ người mai mối thu xếp để có cuộc gặp đó, cũng khá nhiêu khê. Gặp chỉ để lý giải: Tại sao anh Hòa dám mơ về việc chế tạo máy bay và tàu ngầm ngay trong cái xưởng cũ kỹ như khu gia cố công nông, như khu làm nhôm kính gia dụng kia? Bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, bao nhiêu chuyên gia được đào tạo trong và ngoài nước, sao họ không dám mơ làm một cái tàu ngầm bằng sắt rồi ẩy thử nó xuống biển xem nổi hay chìm? Anh Hòa cười hiền khô.
Ai nấy lại càng nghĩ đến cảnh cách đây chưa lâu, hai chàng Hai Lúa ở Nam Bộ tự dưng ngẫu hứng chế tạo máy bay và bay thử hẳn hoi. Chưa có cái tàu bay Hai Lúa nào vi vu lên bầu trời được cả, nhưng nếu không lãng mạn, không dám nghĩ lớn, thì làm sao hai anh em nhà Wright (người Mỹ) - “ông tổ” phát minh ra cái máy bay đầu tiên cho nhân loại - có thể làm được việc vô cùng vĩ đại là “cống” cho chúng ta thứ phương tiện mà đến bây giờ không ai có thể hình dung cuộc sống của mình và cộng đồng sẽ bất tiện, khổ sở đến mức nào nếu thiếu lũ “chim sắt” biết bay vượt biển, bay vòng quanh quả đất kia?
Công nhân vẫn miệt mài với công việc. 
Thế rồi, một chiếc máy bay chế tạo dang dở của Hai Lúa Việt Nam đã được bảo tàng nọ ở Úc trân trọng mua về trưng bày. Họ lạ lùng, họ kính trọng, họ thú vị và hết lòng động viên những ý tưởng dám nghĩ dám làm của nhị vị Hai Lúa. Liệu có người Tây nào đến mua tàu ngầm chở đầy khát vọng của anh Hòa về trưng bày kiểu… rất cảm thông kia không nhỉ?
Anh Hòa thở dài: xin mọi người đừng nghĩ là tôi làm cái gì to tát cả. Đừng nghĩ là tôi thử nghiệm thành công trong bể chứa thì nó sẽ ra biển chạy, lặn, nổi băng băng. Từ bể mấy chục mét khối nước ra đại dương còn dài lắm. Tuy nhiên, con tàu của tôi dĩ nhiên là sẽ hoạt động ngon lành, bởi tôi tính toán không thể nào sai được.
Bởi tôi đã thử nghiệm, chui vào lái thử, nếu hệ thống cấp dưỡng khí mà sai sót thì chỉ 5 phút sau là tôi chết trong bể chứa hoặc dưới đại dương mà chiếc tàu ngầm chính là cỗ quan tài nặng 9 tấn. Tôi có dại dột đâu mà đùa cợt với tính mạng mình?
Song, nói tàu ngầm của tôi sẽ hiện đại như tàu Kilo Việt Nam vừa mua của Nga về thì không bao giờ có đâu. Bởi tàu của tôi thô sơ lắm. Tàu của tôi gọi là tàu ngầm cũng được, hoặc gọi nó là cái máy lặn, cái thùng lặn cũng đúng. Nó là cái thùng sắt, có động cơ, có thể lặn và nổi, để phục vụ chiến đấu, để thăm dò đáy biển, để đánh cá hay bảo vệ ngư dân, để phục vụ du lịch. Được tuốt!
Tàu đang thử nghiệm của anh Hòa được đặt tên là Trường Sa 1, là bởi tình yêu nước, yêu biển đảo của anh. Nhưng còn nữa, là bởi anh tin rằng anh còn phải thử nghiệm tiếp, với Trường Sa 2, rồi Trường Sa 3 đến Trường Sa N để làm sao ngày càng hoàn thiện: “Nếu bây giờ ai đó bỏ ra 5 tỉ đồng, tôi sẽ sản xuất cái tàu dài 20m, hình dáng gần giống tàu Kilo”.
Máy nổ, rồi la bàn, định vị, ra đa thì anh Hòa không sản xuất được, phải mua của nước ngoài về rồi lắp. “Thế tại sao không mua luôn tàu ngầm mini của nước ngoài cho nhanh”?
 Chiếc tàu ngầm của ông Hòa đang tiếp tục được thử nghiệm trong bể.
Anh Hòa bảo: “Giá nó đắt hơn nhiều, tàu ngầm nhỏ 70 triệu đôla, có công ty mua công nghệ về lắp cũng còn rất đắt. Nếu tôi làm được thì ngư dân có thể mua về đi đánh cá bằng tàu ngầm, lúc bão tố đảo Lý Sơn bị cô lập, có thể dùi dũi bơi tàu ngầm ra cứu trợ. Bà con ngư dân bị bão mấy chục người rơi xuống biển sắp chết, tàu tôi đi cứu được. Chả cần gắn thủy lôi, đại bác, tàu sắt to đùng của tôi cứ nổi lập lờ mặt nước, tàu nước ngoài không dám đụng đến đâu!”.
Nếu biết anh Hòa thuê đến chế tạo tàu ngầm, chúng tôi đã không dám nhận lời
Tóc muối tiêu, râu đốm bạc (có vẻ dày và cứng như chổi xể), anh Hòa thuộc típ người sống mã thượng, phóng khoáng, có thừa tự tin để thực hiện những giấc mơ bị người đời coi là viển vông của mình.
Đi học tập, nghiên cứu ở CHDC Đức từ năm 1976, sang đó kinh doanh vỡ nợ đến 3 lần; về Việt Nam, râu chổi xể và tính phóng khoáng lại khiến anh Hòa vỡ nợ “tay trắng lại hoàn tay trắng” thêm một lần nữa. Năm 2000, vẫn còn mất hết các nhà máy, bán cả nhà riêng, đem máy hàn với búa ra vỉa hè khởi nghiệp với nghề cơ khí.
Cuối cùng thì bây giờ anh “gây dựng sự nghiệp” lại với một cái xưởng cơ khí và đội ngũ kỹ sư rất “thiện chiến”. Những chiếc máy “made in Thai Binh” của xưởng trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ năm 2005 treo trong phòng, năm 2006, anh Hòa còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì các sáng tạo máy phục vụ công việc in ấn với các ứng dụng quý báu cho cuộc sống. Và trên bàn làm việc của anh Hòa có mô hình một chiếc tàu ngầm vàng chóe, sắc màu lộng lẫy kiêu sa tên là Kilo.
Mọi chuyện xuất phát hoàn toàn ngẫu hứng, khi báo chí Việt Nam phát đi nguồn tin về việc chúng ta mua tàu ngầm Kilo của Nga cách đây chừng hơn 1 năm. Khi nhìn vào số tiền khổng lồ để mua một chiếc tàu ngầm hiện đại, anh Hòa bảo, mình sẽ chế tạo tàu ngầm mini.
Càng đọc thì càng thấy nó không quá phức tạp đến mức như người đời vẫn tưởng. Nếu nói ai đó học nghề lái tàu ngầm, thì dân gian hiểu ngay đó là một cái gì xa xôi, hoang tưởng, kiểu như đi học nghề “mổ rồng”. Ý rằng, nếu học ra cũng không có việc làm. Còn sản xuất tàu ngầm thì là điều ngoài sức hình dung rồi.
 Toàn cảnh nhà máy cơ khí của người kỹ sư tài hoa.
Hầu hết người Việt Nam, đến nay vẫn mới chỉ biết đến cái tàu ngầm trên tivi, báo chí, phim ảnh, trong khi ở nhiều nước, họ đem tàu ngầm ra phục vụ khách du thám đáy đại dương từ lẩu lâu. Anh Hòa bèn thuê thợ xắn tay áo lên cùng làm tàu ngầm.
Tốp thợ bảo, ông ấy thuê thì giả tiền tử tế, chúng tôi theo ông ấy kiếm ăn lâu rồi, nhưng đúng là nếu biết bị gọi đến làm tàu ngầm từ đầu, thì chúng tôi đã không nhận lời. Với họ, có lẽ việc đem tàu ngầm do tay họ hàn, đẽo, gọt, nắn kia ra với đáy biển, nó cũng khó như tìm đường lên giời. Thế mà anh Hòa khiến tàu chạy được, vận hành đủ các chức năng, công bố với đồng bào cả nước được.
Anh Hòa leo lên đó lái thử, xiết bao người lo lắng sợ hãi, ai ngờ lúc ra khỏi con “kình ngư” bằng sắt nặng 9 tấn đó, anh Hòa vẫn tươi cười và hứa với đông đảo “người hâm mộ”: Thành công rồi, sắp tới sẽ ra biển lớn thôi.
Cơ quan chức năng địa phương và các ngành liên quan thì nín thở, có anh còn nói trên báo: Tàu của ông Hòa thành công cũng khó cho chúng tôi, mà không thành công thì cũng lại càng… khó cho chúng tôi. Có anh đại diện ban ngành nọ thì kiên quyết: Tàu ấy ra biển là chúng tôi bắt. Họ nghĩ cách phát ngôn và hành động khôn ngoan để khỏi mang tiếng trong phi vụ chế tạo tàu ngầm của doanh nhân quê lúa thôi.
Tôi xin phép mời anh một bữa rượu tự sự. Anh Hòa thì vuốt râu uống thêm một chén, cười giản dị: Một đêm đẹp trời nào đó, các bạn say giấc nồng, sáng hôm sau mở tivi thấy tàu tôi ngoài biển rồi. Có ai cấm đi tàu ngầm ngoài biển đâu nhỉ? Chưa thấy văn bản nào nói thế cả. Cũng có thể vì chưa có anh nào ở Việt Nam sản xuất tàu ngầm bằng sắt và dìu nó ra biển, chưa ai nghĩ là cần làm bộ tiêu chuẩn đăng kiểm cho nó nên các văn bản chưa kịp thời bổ sung chăng? Tiếng cười ran ran.
Tết vừa rồi anh Hòa có để ý gì việc đón xuân đâu, chỉ chăm chắm nghĩ cách cải tạo khoang lái cho tàu ngầm Trường Sa 1. Nó chạy được rồi, chỉ có điều khoang lái hơi chật. Về dưỡng khí thì sau khi sống sót lúc chạy thử, anh chắc ăn là tốt rồi. Vả lại mang theo một bình ôxy thì có mà sống được cả tháng dưới đáy biển. Tàu còn đơn sơ lắm.
Ngồi trong khoang lái chóng hết cả mặt. Vì trước mặt mình toàn các màn hình xanh lè, cánh lái vẫy chổng lên thì tàu lặn xuống, cánh lái vẫy chổng xuống thì tàu trồi lên. Dễ rồi. Các camera quan sát dưới nước và hệ thống rađa thủy âm để cung cấp dữ liệu lên màn hình thì cũng còn hơi hạn chế. Đại ý, nếu có các chấm xanh đỏ trước mặt to quá, thì nó là đá ngầm, dừng lại đi. Chấm xanh nhỏ nhỏ thì chắc là cá mú đang bơi, cứ thế mà phi thẳng...
Lúc thử nghiệm, chắc phải thuê một cái tàu cá có hệ thống dò cá (như ra đa) đi bên cạnh, nó quét “tia” và quan sát “đốm sáng” là tàu ngầm của anh Hòa: “Họ cứ coi tàu của tôi như con cá mập cần theo dõi và đánh bắt đi, mà tàu này chắc gì đã to hơn con cá voi đâu. Nếu tàu ngầm của tôi nó chìm và đứng im lâu quá thì là chết máy nằm im đáy biển rồi, tìm cách buộc dây mà kéo nó lên (cười). Khi nó vẫn bơi thì vô tư. Tôi đã thiết kế như hệ thống cầu trì ấy, có sự cố là nó sẽ tự ngắt các thiết bị lớn, để không còn nguy cơ phát nổ cả cỗ tàu ngầm được.
Còn việc tự nhiên bị nổ hệ thống bình dưỡng khí thì rất hiếm khi, hiếm đến mức tôi chưa nghe một văn sách nào nói đến cả. Tàu bị hỏng nằm dưới đáy biển, thì chỉ với một bình oxy, tôi có thể sống sót cả tuần! Việc nhô tàu lên mặt nước ngay cả khi bị chết máy dưới đáy biển rồi, tôi đã tính đến. Rất an toàn. Không chỉ “nổi” bằng cách xả nước ra cho tàu nổi lên, mà cả bằng phương pháp nén khí. Có hệ thống định vị vệ tinh, kính tiềm vọng, ra đa ngầm, hệ thống phục vụ cung cấp dưỡng khí tuần hoàn độc lập” - anh Hòa kể.
Nếu được phép, tôi sẽ sản xuất trực thăng mini giá 200 triệu đồng/chiếc
Khu công nghiệp mà xí nghiệp của anh Hòa đang tọa lạc khá rộng rãi, đường đẹp như ô bàn cờ, nhưng rác thải tràn lan. Trải “thảm đỏ” lâu rồi, song có vẻ còn hoang vắng lắm. Vậy nhưng, nơi này vẫn chứa cả khát vọng sản xuất thêm… máy bay trực thăng của anh Hòa.
Bằng khen của Thủ tướng cho ông Hòa.  
Anh từng đo đạc, cho công nhân đúc sẵn 4 cái cánh máy bay rất kiểu cách. Máy đẩy thì đơn giản, mua đâu cũng có, đặt hàng nước ngoài cũng rẻ. Mà anh cũng đã đặt hàng rồi. Bên cạnh một cái động cơ, vấn đề là cánh quạt khỏe, cân bằng, quay thật tít. Khi quay nó sẽ đẩy máy bay lên thôi. Máy bay có thể bé như cái ghế văn phòng, người ta ngồi ghế, trên đỉnh đầu có một cái cánh quạt (như Doremon), dưới có động cơ, thế là bay, bay như con ong ấy mà. Tay lái thì dễ, nước ngoài họ sản xuất đầy.
“Tôi mê câu cá, đợt nọ định làm vài cái “trực thăng mini” đi câu. Tôi là dân chế tạo máy, nên tôi sẽ bào, sẽ tiện, sẽ tính để cánh quạt và cái trục quay thật cân, thật chuẩn, gắn động cơ ngoại nhập vào, giá một helicopter (trực thăng) thế có thể chỉ 150-200 triệu đồng/chiếc. Không có gì là khó cả. Cái khó nhất là giấy phép để bay. Để có được cái giấy lên bầu trời đó, mới là một điều… “khó như tìm đường lên trời”. Tôi cam kết, nếu được cho phép, tôi sẽ sản xuất được, bán với giá 200 triệu/chiếc. Cũng như giờ thử nghiệm thành công tàu ngầm rồi, nếu ai đó bỏ 4-5 tỉ đồng ra, phối hợp sản xuất chiếc tàu ngầm dài 20m, hiện đại hơn Trường Sa 1, tôi sẽ làm được”.
“Bỏ 5 tỉ đồng ra, người ta sẽ được gì?”. Trả lời: “Sẽ được cả một chiếc tàu ngầm! Sau khi báo chí các anh đăng, một hãng sơn tàu biển, một hãng bu lông ốc vít đã tài trợ những cái đó cho tôi, đỡ tốn nhiều tiền lắm đấy”.
Mọi việc cứ như… không. Có cái gì đó khó tin. Thôi thì hãy cứ để thời gian sẽ trả lời. Nhưng, trên thực tế thì tàu ngầm của anh Hòa đã thử nghiệm thành công. Đã vận hành, lặn, nổi được. Máy đã không ăn hết ôxy trong khoang lái để giết chết người lái. Thế là cái thùng lặn, cái máy lặn đã cơ bản được chấp nhận với chức năng “tàu ngầm” của nó.
Cũng như anh Hòa mà chế tạo xong cánh máy bay, lắp động cơ, cho người ngồi vào cái ghế tựa, rồi vè vè bay lên trời rồi hạ cánh an toàn xuống một bờ hồ câu cá chẳng hạn - thế là xong chức năng của một chiếc Trực Thăng Thái Bình 1 (thí dụ thế). Việc tiện nghi, hiện đại thêm nữa cho nó thì hẵng cứ chờ chiếc Trực Thăng Thái Bình 2, những chiếc tàu ngầm Trường Sa 2 - 3 - 4…
Nói như vậy để thấy, không phải là liều lĩnh “tay không bắt cọp”, “mình trần lội qua sông” như cổ nhân nói, mà là anh Hòa dám nghĩ, dám làm, biết rằng tay nghề và khối óc của mình sẽ làm được cái gì rất cụ thể và khoa học. Biết mua thiết bị, vận dụng kiến thức của những người khổng lồ để làm ra sản phẩm theo lối của bản thân mình.
Thực tế đã cho thấy anh không hề hoang tưởng, không hề muốn gây xìcăngđan hay có mục đích PR nào ngoài khoa học và cống hiến cho cộng đồng. Hy vọng, những phát kiến, những thử nghiệm sắp tới, giấc mơ lặn và giấc mơ bay kỳ vĩ của anh sẽ tiếp tục không là cái gì quá xa xôi… như bầu trời và đáy biển.
Tôi (nhà báo) muốn xin được lặn thử “cua” đầu tiên của tàu ngầm Trường Sa 1 ngoài biển, anh Hòa xua tay: bạn ngồi tàu cá theo dõi hành trình của “con cá dài 8,8m” qua rađa thôi. Lên đó nhỡ có gì nguy hiểm thì sao? Để một mình tôi lái thử, có gì tôi sẽ chịu trách nhiệm và bảo đảm sự chắc thắng bằng chính tính mạng của tôi. Tôi không phải gã khùng. Hãy tin tôi, tôi tính toán được từng khối khí, từng con bu lông ốc vít, tôi định làm con tàu ngầm tàu nặng 9 tấn, đến bây giờ nó gần xong, nó nặng đúng 9 tấn + 50kg!
Lặn 5 phút sau mà ngoi lên tôi vẫn hất nắp tàu ra cười được, thì tôi có thể đi 15 ngày trên biển, yên tâm nhé. Tôi biết rõ điều này kể từ khi giấc mơ chế tạo máy của tôi thành công sau nhiều thất bại trắng tay, với hạnh phúc là có một xưởng cơ khí trong tay, để tôi có thể sáng tạo những cỗ máy mà tôi thích với giá rất rẻ. Giá rẻ, bởi tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng, chất xám của tôi thì nhiều lắm…
“Việc của tôi là đốt một que diêm để thắp lên giấc mơ sản xuất tàu ngầm và trực thăng trong những người dám ước mơ. Việc sản xuất những cỗ máy tuyệt vời hơn dạng này, là trách nhiệm của những người dám ước mơ tiếp theo. Điều nguy hiểm nhất của các nhà sáng tạo, của các công trình sáng tạo không phải là ở sự thất bại, mà nó nằm ngay ở chỗ người ta không dám tin là mình có thể sáng tạo được, không dám sẵn sàng đối mặt với thất bại”, anh Hòa nói nhẹ hều, bằng cái giọng hơi khinh bạc của một gã râu chổi xể thích sống hào hiệp ở tuổi sắp lục tuần.
Theo Lao động

Bình luận(0)