Thời báo Hoàn Cầu đưa tin cho biết, các nhà chức trách của Trung Quốc lại tiếp tục phát hiện và tiến hành bắt giữ hai trường hợp làm gián điệp cho nước ngoài tại khu vực cảng Đại Liên - một trong những trung tâm công nghiệp hàng hải chiến lược của Trung Quốc, đây cũng là nơi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh được đại tu và nâng cấp.
Theo đó một người đàn ông tên Han đến từ Ngõa Phòng Điếm thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào tháng 3/2014 đã bắt đầu nhận làm công tác viên trực tuyến cho một người đàn ông tự xưng là phóng viên thông qua ứng dụng liên lạc WeChat trên thiết bị di động. Sau đó người đàn ông này đã hướng dẫn Han theo dõi và chụp ảnh một số nhà máy sản xuất thiết bị quân sự ở Trung Quốc và toàn bộ tiền công cho các bức ảnh này đều sẽ được thanh toàn bằng tiền mặt.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh luôn là tâm điểm trong các hoạt động gián điệp ở Trung Quốc.
|
Sau khi tiếp nhận công việc này, Han đã nhiều lần đột nhập vào các khu vực quân sự cấm để chụp ảnh và gửi về cho đối tác của mình. Bên cạnh đó Han cũng từng bí mật lẻn vào một hội nghị giới thiệu các công nghệ quốc phòng do Trung Quốc phát triển diễn ra ở Bắc Kinh để chụp ảnh và ghi âm.
Ông này cũng thực hiện một chuyến đi đến đảo Hồ Lô nằm ở tỉnh Liêu Ninh để chụp ảnh một số dự án xây dựng căn cứ quân sự quan trọng của Quân đội Trung Quốc ở khu vực này. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Han đã kiếm được 90.000 nhân dân tệ tương đương hơn 14.400 USD từ hành trăm bức ảnh chụp được.
Trong khi đó, một người đàn ông họ Trương đến từ tỉnh Hà Bắc nhưng sống ở Đại Liên cũng nhận được một lời mời tương tự từ một người tự xưng là biên tập viên của một tạp chí nước ngoài vào tháng 4/2014. Người này muốn thuê ông Trương chụp ảnh tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc để đăng lên tạp chí, với khoản thù lao hấp dẫn ông Trương đã nhanh chóng nhận lời. Trong suốt thời gian hoạt động trước khi bị bắt ông Trương đã chụp được tổng cộng 500 bức ảnh về tàu sân bay Liêu Ninh.
Vào hôm 12/2, Tòa án nhân dân Đại Liên đã tuyên phạt Han 8 năm tù giam và tước quyền công dân 4 năm trong khi đó Trương bị kết án 6 năm tù giam và tước quyền công dân 3 năm. Và toàn bộ tài sản mà hai người này có được trong quá trình hoạt động gián điệp đều bị tịch thu.
|
Các hoạt động gián điệp ở Trung Quốc đang diễn ra một cách thường xuyên hơn.
|
Chính quyền Trung Quốc trong khoảng thời gian gần đây liên tục phát hiện các trường hợp công dân của nước này làm việc cho các tổ chức tình báo ở nước ngoài, và đều tập trung ở các tỉnh như Liêu Ninh, Sơn Đông, Hải Nam và Chiết Giang.
Các mạng lưới tình báo nước ngoài thường lợi dụng mạng internet để chiêu mộ và cung cấp tài chính cho các cộng tác viên của mình tại Trung Quốc. Theo cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đang tăng cường các hoạt động phản gián trong lực lượng quân đội và các cơ quan chủ chốt và động thái gần đây nhất là việc Trung Quốc thông qua luật luật chống gián điệp vào cuối năm 2014.