Vì sao có thêm 3 tàu sân bay, Trung Quốc vẫn thua Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Dù Hải quân Trung Quốc có đưa vào trang bị thêm 3 tàu sân bay nữa thì cũng không có mấy ý nghĩa khi xảy ra xung đột với Mỹ.

Theo một bản đánh giá phân tích mới được tạp chí quân sự Khán Hòa công bố cho biết, cách biệt về số lượng, trang bị cũng như thiếu kinh nghiệm tác chiến với biên đội tàu sân bay sẽ là gánh nặng lớn cho Hải quân Trung Quốc trong một cuộc xung đột trên biển giữa nước này và Mỹ trong tương lai.
Và sẽ không có quá nhiều thay đổi quan trọng khi Trung Quốc đưa vào trang bị thêm 3 tàu sân bay nữa trong 10 năm tới, so với việc duy trì tàu sân bay Liêu Ninh như hiện tại. 
Vi sao co them 3 tau san bay, Trung Quoc van thua My?
 Sức mạnh hải quân của một nước không thể chỉ được so sánh qua số lượng tàu sân bay.
Lý do lớn nhất là vì Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì lợi thế đáng kể với hạm đội hơn 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân như hiện tại, mặt khác khi xét về kinh nghiệm tác chiến cũng như trang bị biên đội tàu sân bay của Mỹ luôn vượt trội hơn Trung Quốc trong một cuộc chiến đối đầu trực diện.
Bản đánh giá này còn lấy dẫn chứng cụ thể từ Chiến tranh Falkland giữa Argentina và Anh vào năm 1982. Trong cuộc xung đột, Hải quân Hoàng gia Anh vẫn là bên chiếm ưu thế mặc dù Argentina dành được yếu tố bất ngờ ban đầu. Dù thời điểm đó Hải quân Argentina cũng sở hữu tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo, tuy nhiên tàu sân bay này lại không giúp được gì nhiều cho Argentina mà còn trở thành gánh nặng.
Nhất là khi Hải quân Hoàng gia Anh chính thức điều 2 tàu ngầm hạt nhân tham chiến và tàu ngầm từ lâu đã trở mối đe dọa lớn nhất đối với bất kỳ biên đội tàu sân bay nào. Tiếng chuông cảnh tỉnh đầu tiên với Hải quân Argentina là việc tàu ngầm hạt nhân HMS Conqueror của Anh bắn chìm tàu tuần dương hạng nhẹ ARA General Belgrano, ngay sau đó toàn bộ hạm đội tàu chiến của Argentina được lệnh quay về lại bến cảng và với Hải quân Hoàng gia Anh cuộc chiến này coi như đã kết thúc.
Vi sao co them 3 tau san bay, Trung Quoc van thua My?-Hinh-2
 Mặc dù sở hữu biên đội tàu sân bay nhưng Hải quân Argentina lại hoạt động kém hiệu quả.
Hải quân Hoàng gia Anh dễ dàng dành được chiến thắng là nhờ kinh nghiệm tác chiến với biên đội tàu sân bay và nắm được điểm yếu của Hải quân Argentina về khả năng chống ngầm. Đó là còn chưa kể tới việc người Anh có kinh nghiệm tác chiến xa bờ vượt trội hoàn toàn hơn Argentina, cùng với đó là việc vô hiệu hóa biên đội tàu sân bay của Argentina.
Nếu như Trung Quốc và Mỹ xảy ra một cuộc xung đột trên biển trong thời gian sắp tới, thì tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng sẽ vô dụng như tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo của Argentina. Khi mà Hải quân Mỹ đã có kinh nghiệm tác chiến gần một thế kỷ với biên đội tàu sân bay, nhiều hơn bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới. Cho dù Hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây dành được những thành tựu vượt bậc nhưng khả năng bảo vệ biên đội tàu sân bay của nước này còn kém xa so với Mỹ, Nga hay Nhật Bản ít nhất từ 10-20 năm.
Trong khi đó, lực lượng máy bay chống ngầm của Trung Quốc cũng được đánh giá là tụt hậu so với Mỹ và Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sở hữu hơn 80 chiếc máy bay cánh quạt chống ngầm P-3 Orion còn Mỹ thì đã bắt đầu đưa vào trang bị máy bay chống ngầm đa năng P-8 Poseidon, Trung Quốc thì vẫn đang loay hoay với dòng máy bay chống ngầm Y-8GX6 do nước này tự chế tạo.
Vi sao co them 3 tau san bay, Trung Quoc van thua My?-Hinh-3
 Trong ảnh là máy bay chống ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đang phóng thử nghiệm tên lửa chống hạm Harpoon AGM-84D Block IC.
Hơn nữa, các tàu sân bay Mỹ còn có thể chở theo từ 5-8 máy bay chống ngầm cỡ nhỏ sử dụng hai động cơ phản lực S-3B hay các trực thăng chống ngầm SH-60F/R, còn Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ máy bay chống ngầm nào dành riêng cho tàu sân bay ngoài trực thăng chống ngầm Z-18 mới được đưa vào thử nghiệm trong năm ngoái.
Bên dưới mặt nước, Hải quân Mỹ vẫn còn tới 61 tàu ngầm tấn công hạt nhân và với Nhật Bản là 16 tàu ngầm tấn công lớp thông thường hiện đại nhất thế giới tất cả các tàu ngầm này đều được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa.
Trên không, Hải quân Mỹ vẫn duy trì áp đảo bằng các phi đội máy bay tiêm kích trên hạm F/A-18 hay xa hơn là các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C mặc dù chương trình F-35 cũng chịu khá nhiều tai tiếng. Nhìn lại Trung Quốc, họ chỉ có duy nhất dòng máy bay tiêm kích trên hạm là J-15 được cho là sao chép từ máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 do Liên Xô phát triển, nhưng J-15 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Vi sao co them 3 tau san bay, Trung Quoc van thua My?-Hinh-4
 Các máy bay tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn thiện để phục vụ cho biên đội tàu sân bay.
Thế mạnh duy nhất của Trung Quốc vẫn là các hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa được đánh giá là có thể uy hiếp trực tiếp tới biên đội tàu sân bay của Mỹ, trong khi đó Hải quân Mỹ cũng sở hữu các hệ thống tên lửa chống hạm nhưng đa phần đều thua kém hơn so với các tên lửa chống hạm của Trung Quốc.
Dựa trên những đánh giá hiện tại nếu Trung Quốc muốn giành được chiến thắng trước một cuộc xung đột ngắn hạn với Mỹ thì nước này cần phải cải thiện đáng kể khả năng phòng không, chống ngầm và tăng cường sức mạnh của các phi đội máy bay chiến đấu trên hạm lẫn trên đất liền.
Tuấn Đặng

Bình luận(0)