Có giả thuyết cho rằng, ngay khi Ngô quốc diệt vong, Tây Thi được đưa về nước và bị Việt vương Câu Tiễn dùng sức mạnh cưỡng đoạt.
Có giả thuyết cho rằng, ngay khi Ngô quốc diệt vong, Tây Thi được đưa về nước và bị Việt vương Câu Tiễn dùng sức mạnh cưỡng đoạt.
Mùa đông năm 473 trước CN, kinh đô nước Ngô lúc bấy giờ là Cô Tô bị đại quân nước Việt ào ào công phá. Ngô quốc diệt vong, số phận của Tây Thi - sủng phi của Ngô vương Phù Sai - cũng rơi vào chặng đường đen tối như chính đại cuộc của giang sơn. Vậy, sau khi Ngô quốc bị diệt vong, mỹ nhân có vẻ đẹp “trầm ngư” ấy đã đi về phương nào? Kết cục của nàng ra sao khi nước Việt đã trả được món hận xương máu?
Đánh giá về các nhân vật lịch sử, hậu thế thường có cái nhìn hà khắc, không công bằng và chỉ chú ý tới thời khắc huy hoàng nhất mà coi nhẹ quãng đời "im hơi lặng tiếng" của họ. Và Tây Thi là một trường hợp phải chịu nỗi đau như thế. Thời khắc in dấu trên vũ đài lịch sử của đại mỹ nhân này chớp nhoáng như đóa quỳnh hương sớm nở tối tàn.
Với hậu thế, ấn tượng sâu sắc nhất về Tây Thi chính là vẻ đẹp “trầm ngư” của nàng. Tương truyền, khi mỹ nhân giũ lụa bên bờ sông, những chú cá đang bơi lội tung tăng dưới nước cũng bị hớp hồn bởi vẻ đẹp khuynh quốc khuynh thành của người con gái kiều mỵ ấy. Chúng mê mẩn ngắm nhìn, tới nỗi hóa ngây hóa dại, quên cả bơi lội rồi dần lặn xuống đáy sông. Vì vậy, hậu thế mới dùng hai từ “trầm ngư” (cá lặn) để mô tả, ngợi ca nhan sắc của Tây Thi.
|
Ảnh minh họa. |
Tây Thi cùng với Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn, Vương Chiêu Quân hợp thành tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc xưa và là hiện thân cho cái đẹp cổ đại. Nhan sắc của bốn người họ được ca tụng là “Bế nguyệt tu hoa chi mạo, trầm ngư lạc nhạn chi dung” (một vẻ đẹp mà chim phải sa, cá phải lặn, hoa phải thẹn và trăng cũng phải khép mình). Trong số ấy, vẻ đẹp “trầm ngư” của Tây Thi là hàng đầu.
Tuy nhiên, ngày nay, khi nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, hậu thế không khỏi tiếc nuối khi phát hiện ra rằng, trong số bốn người đẹp kể trên, thân phận, cuộc đời của Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn và Vương Chiêu Quân có những chứng cứ tồn tại trong chính sử đương thời. Duy nhất Tây Thi lại thiếu đi các ghi chép sử sách đáng tin cậy. Số phận của nàng chỉ được ghi dấu trong ghi chép và ngâm vịnh của hậu nhân. Nổi bật trong số ấy là bài “Tây Thi vịnh” của Vương Duy thời Đường: “Thế gian sắc đẹp ai bì, Tây Thi không nhẽ hàn vi suốt đời. Sớm còn gái Việt bên ngòi, Cung Ngô tối đã lên ngồi cạnh vua. Lúc hèn, ai chẳng hơn thua, Khi sang mới biết đời chưa mấy người. Phấn son gọi kẻ tô, giồi, Áo là em mặc có người xỏ tay. Vua yêu càng lắm vẻ hay, Vua thương, phải trái mặc bay sá gì. Giặt sa những bạn đương thì, Cùng xe chẳng được đi về với ta. Xin van cô ả bên nhà, Cũng đòi ’nhăn mặt’ khó mà như nhau” (Bản dịch của Tản Đà).
Nhắc tới thân thế của Tây Thi, sử liệu chỉ có những thông tin hết sức cơ bản. Tây Thi tên thật Thi Di Quang, sống ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt cổ. Trữ La có hai thôn đông và tây, Thi Di Quang sống ở thôn tây, nên được gọi là Tây Thi. Ngụ ý chỉ người con gái họ Thi sống ở thôn tây. Cha nàng làm nghề bán củi, mẹ dệt vải, gia cảnh bần hàn. Nhưng người con gái nghèo hèn nơi thôn dã ấy lại sở hữu nhan sắc thiên phú, sắc nước hương trời. Tương truyền, khi nàng chau mày nhăn mặt vì đau bệnh cũng vẫn toát lên vẻ đẹp mê hồn. Có cô gái sống ở thôn đông cũng bắt chước dáng điệu ấy của nàng, hòng hớp hồn đám trai làng. Ai dè, cô càng nhăn mặt, càng xấu xí khó nhìn. Do vậy mới có điển tích “Đông Thi hiệu tần” (ý chỉ nàng Đông Thi bắt chước nhăn mặt).
Nổi tiếng với dung nhan mỹ miều nhưng ngờ đâu chính hương sắc ấy lại đưa đẩy nàng đến với cuộc chiến quyền lực. Năm 494 trước CN, Phù Sai đánh bại quân Việt, đẩy nước này vào mối họa diệt vong. Việt vương Câu Tiễn và vợ buộc phải sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn nếm mật nằm gai quyết chí trả thù. Trước khi đi, Câu Tiễn được Văn Chủng hiến cho 7 kế phục thù, trong ấy thâm hiểm mà vô cùng lợi hại phải kể đến “mỹ nhân kế”. Kế sách này vốn dựa vào nhược điểm “Ngô vương hoang dâm mà háo sắc”. Chỉ trong nửa năm, Câu Tiễn tuyển chọn ra 2.000 mỹ nữ trong thiên hạ, nổi bật hơn cả chính là Tây Thi và Trịnh Đán. Hai người đẹp nhanh chóng được dâng lên Ngô Vương Phù Sai và cuộc đời Tây Thi đã chính thức sang trang, từ một cô gái thôn quê nước Việt trở thành một sủng phi tai tiếng của Ngô quốc.
Khách quan mà nói, thời gian Tây Thi ở tại thành Cô Tô là quãng thời gian an nhàn, cao quý, sung sướng nhất của nàng. Ngô vương Phù Sai hết mực sủng ái đại mỹ nhân, thường nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lấy lòng người đẹp và đem đến cho nàng một cuộc sống sung túc xa hoa. Phù Sai xây hẳn Xuân Tiêu cung, Trúc Đại trì để thỏa thuê hoan lạc cùng nàng.
Vốn rất chăm lo chính sự, nhưng từ khi có Tây Thi cận kề, Phù Sai đâm bỏ bê việc nước, chỉ mê mải đắm chìm bên người đẹp. Tây Thi cứ theo những lời dặn dò của Việt vương Câu Tiễn mà ra sức lấy lòng, mê hoặc vua Ngô. Thậm chí, đấng quân vương này vì nghe lời mỹ nhân mà cho thả vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi về nước. Đây chính là cơ hội tốt cho Việt vương phục thù. Chính vì điểm ấy, người đẹp Tây Thi bị thiên hạ nước Ngô căm hận mà ví như một yêu cơ khiến triều dã điên đảo.
Nhưng số phận của Tây Thi sau khi Ngô quốc diệt vong thì lắm mơ hồ. Có giả thuyết cho rằng, Tây Thi trở về Việt quốc, nối lại tình xưa với Phạm Lãi và cả hai bỏ trốn vào Ngũ Hồ, chung sống hạnh phúc bên nhau.
Nhưng cũng có quan điểm, sau khi Ngô vương Phù Sai bị diệt, Việt vương phu nhân đã tìm cách giết hại nàng ta. Ca khúc khải hoàn tại thành Cô Tô, Câu Tiễn đem cả Tây Thi về nước. Câu Tiễn phu nhân ghét bỏ Tây Thi ra mặt. Bà ta khăng khăng cho rằng, đại mỹ nhân này dẫu có công giúp nước Việt báo thù, nhưng thực chất chỉ là thứ “vong quốc chi vật” nên không đáng giữ lại bên mình. Đó chỉ là cái cớ. Thực chất, bà ta đang bừng bừng máu ghen, lo sợ Tây Thi sẽ dùng nhan sắc mê hoặc, quyến rũ chồng mình. Để tránh hiểm họa, vị phu nhân này bèn sai đám thuộc hạ buộc tảng đá lớn vào Tây Thi rồi ném nàng xuống sông.
Lại có truyền thuyết rằng Tây Thi bị chính bách tính Ngô quốc vì căm phẫn mà giết chết. Sau khi đất nước bị diệt vong, muôn dân đổ dồn uất hận lên người phụ nữ bé nhỏ ấy. Họ coi nàng là thứ hồ ly gian xảo mưu mô đến từ nước Việt, mê hoặc Phù Sai nên dẫn đến họa diệt vong. Vậy là, dân tình hăm hở dùng gấm vóc quấn thành tầng tầng lớp lớp quanh người nàng rồi đem ném xuống lòng sông Dương Tử (cũng có quan điểm cho là Thái hồ).
Ngoài những giả thuyết trên, vẫn còn lưu truyền các kết cục khác của nàng Tây Thi kiều mỵ. Tương truyền, ngay trong đêm Tây Thi hồi quốc, Câu Tiễn đã giở thói vô lại bất lương, bắt ép mỹ nhân hoan lạc cùng mình, nói cách khác, Việt vương lộ rõ tham vọng chiếm hữu thân thể ngọc ngà của người đẹp. Ở điểm này, cần phải bình luận thêm, Việt vương Câu Tiễn vốn là kẻ “nghèo hèn” về phẩm chất, là kẻ tiểu nhân chỉ “chung hoạn nạn”, không “đồng phú quý”. Lợi dụng Tây Thi để phục thù cho giang sơn xã tắc, điều ấy có thể cảm thông, nhưng ép uổng mỹ nhân gần gũi xác thịt với mình quả là điều đáng khinh, đáng trách. Việt vương làm vậy, cốt chỉ để thỏa mãn dâm dục trong mình. Vì Tây Thi một mực khước từ, Câu Tiễn đã khép nàng vào tội kháng lại lệnh vua rồi đem ra xử tử.
Cho dù số phận của đại mỹ nhân ra sao, thì hậu thế vẫn một lòng tôn thờ và ngưỡng mộ nhan sắc cũng như sự hy sinh cao cả của Tây Thi vì đất nước. Nàng cũng chỉ là người con gái bình thường như bao người con gái khác, cũng mong muốn được hưởng cuộc sống an bình hạnh phúc bên người mình yêu thương nhưng chẳng may sinh nhầm thời loạn lạc rồi rơi vào vòng xoáy của quyền lực, chiến tranh, ly tán mà mang tiếng xấu "hồng nhan họa quốc". Một người con gái yếu ớt tạo nên cả một hiện tượng lịch sử, quả khiến người đời sau phải nghiêng mình ngưỡng mộ.
(Theo Đất Việt)
[links()]