Máy bay cảm tử Ohka
Trong nỗi tuyệt vọng của quân Nhật khi quân đội Mỹ tiến ngày càng gần lãnh thổ của họ, những chiếc Ohka đã được chế tạo với một nỗ lực cuối cùng nhằm tiêu diệt hạm đội Mỹ vào tháng 9/1944.
Đây là loại máy bay phản lực được thiết kế riêng cho các vụ tấn công cảm tử với đầu đạn nặng hơn 1 tấn. Khi thực hiện vụ tấn công, máy bay cảm tử Ohka được gắn dưới thân một chiếc máy bay Mitsubishi G4M.
Khi mục tiêu lọt vào phạm vi tấn công, Ohka được thả ra. Phi công lái chiếc máy bay cảm tử này lượn càng gần càng tốt đến mục tiêu, khởi động động cơ phản lực và sau đó lao như một quả tên lửa vào mục tiêu với tốc độ kinh hoàng. Quân Đồng minh đã nhanh chóng phát hiện chiến thuật này và tập trung tấn công máy bay “mẹ” trước khi Okha có cơ hội được thả ra. Kết quả là loại vũ khí này hoàn toàn mất tác dụng. Tuy nhiên, ít nhất một lần Okha đã thành công khi đánh đắm một chiếc tàu khu trục của Mỹ.
“Cỗ máy phản lực” Bachem BA 349
Năm 1943, để đối phó với các máy bay ném bom của quân Đồng minh, quân đội Đức Quốc xã đã có kế hoạch chế tạo một “cỗ máy phản lực” có người lái mang tên Bachem BA 349. Thiết bị này có nguyên lý cấu tạo và hoạt động như một quả tên lửa đất đối không, cất và hạ cánh không cần đường băng.
Bachem BA 349 được thiết kế với ba phần chính: phần đầu chứa đạn rocket có khả năng công phá máy bay ném bom, phần giữa là chỗ ngồi của phi công và phần sau là động cơ tên lửa. “Cỗ máy phản lực” này được thiết kế để có thể phóng lên không trung chiến đấu từ bất cứ địa điểm nào và không cần sân bay.
Sau khi được phóng, phi công điều khiển Bachem BA 349 có nhiệm vụ lái thiết bị này tiếp cận các máy bay ném bom của quân Đồng minh, sau đó ấn nút phóng các quả tên lửa được bố trí ở phần đầu. Khi hoàn thành nhiệm vụ, cả phi công và “cỗ máy phản lực” đều hạ cánh bằng dù.
Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất 1 chiếc Bachem BA 349 được thử nghiệm vào ngày 1/3/1945 và hậu quả là phi công Lothar Sieber đã thiệt mạng.
Súng thần công tạo lốc xoáy
Súng thần công tạo lốc xoáy (Whirlwind Cannon) được chế tạo tại Đức trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, dựa trên nguyên lý tạo ra các vụ nổ trong buồng đốt và “nhả” thẳng vào mục tiêu, gây nên những cơn lốc xoáy nhân tạo. Loại súng này có khả năng phá nát những tấm ván cách nó gần 200 m.
Một khẩu thần công tạo lốc xoáy kích cỡ đầy đủ đã được chế tạo nhưng nó không thể tạo ra lốc xoáy ở những vị trí cao và dự án này đã bị hủy bỏ.
Súng thần công tạo lốc xoáy là sản phẩm của tiến sĩ Zippermeyer - nhà phát minh người Áo, từng chế tạo một loạt các vũ khí kỳ dị chống máy bay trong một phòng thí nghiệm ở Lofer, Tyrol.
Dự án tàu sân bay Habakkuk
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, kim loại là một tài sản quý hiếm. Quân Đồng minh đã bị mất khá nhiều tàu tiếp viện đội tàu ngầm của Đức. Vì vậy, chính quyền Anh đã lên kế hoạch đóng một tàu sân bay tên Habakkuk bằng chất liệu có tên pykrete (hỗn hợp giữa nước và mùn cưa).
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhóm thiết kế quyết định tàu sân bay này sẽ dài 600 m với thân tàu dày 12 m, được trang bị hệ thống làm mát đặc biệt và có khả năng mang 150 máy bay.
Chất pykrete được tạo ra từ 14% mùn cưa và 86% nước, nhờ thế mà việc sửa chữa Habakkuk được kỳ vọng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các tàu bằng kim loại thông thường.
Ý tưởng về dự án trên được Geoffrey Pyke nghĩ ra khi ông đang làm việc tại Bộ chỉ huy Tác chiến phối hợp. Mặc dù vậy, đã không có chiếc tàu nào được sản xuất do chiến tranh đã chấm dứt.
Máy bay ném bom Silbervogel
Silbervogel, hay còn gọi là “Chim bạc”, là loại máy bay ném bom phản lực, được thử nghiệm ở các hầm gió nhân tạo, nhưng chưa bao giờ đi vào sản xuất. Tuy nhiên, đây được xem là nguyên mẫu của các phương tiện vũ trụ như tàu con thoi hiện đại.
Các nhà khoa học cho rằng, “Chim bạc” có thể mang một quả bom 4 tấn bay qua Đại Tây Dương tới châu Mỹ và hạ cánh trên vùng lãnh thổ Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Về nguyên lý hoạt động, sau khi đạt vận tốc 1.931 km/giờ với sự “giúp đỡ” của động cơ phản lực, “Chim bạc” sẽ dần tiến tới tầng bình lưu và mật độ không khí dày hơn giúp chiếc máy bay này có sức bật để lấy lại độ cao. Các kỹ thuật viên của Đức tính toán rằng “Chim bạc” có thể đi được một quãng đường không tưởng, từ 20.000 km tới 25.000 km.
Tuy nhiên, dự án này đã vượt xa khả năng và nguồn lực của Đức Quốc xã, và Silbervogel chỉ tồn tại như một mô hình thử nghiệm.
(Còn tiếp)