Người nào lo cho dân, làm những điều tốt đẹp cho dân sẽ không bao giờ bị lãng quên. Chân lý đó thật đúng với trường hợp của cụ Nguyễn Tạo (1905 - 1994), người cộng sản kiên trung, người đã giúp dân lập nên làng ven biển Thúy Lạc và được suy tôn là Thành hoàng làng.
Những người đi mở đất
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, cuộc sống của người dân ở hai làng Thúy Bông và An Lạc, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình hết sức khổ cực. Đây lại là một vùng quê đất hẹp người đông nên cuộc sống của người dân lâm vào cảnh nghèo đói quanh năm. Qua nhiều thế hệ, người dân làng Thúy Lạc vẫn nhớ người đã đưa họ từ cảnh đói nghèo đến cuộc sống no đủ.
Các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể lại: Năm đó bão lớn, gió to, nhà cửa trong làng phần lớn đều đổ sập, cánh đồng ngập trắng nước, dân đã đói khổ lại càng đói khổ hơn. Vào khoảng cuối năm 1933, có một người đàn ông còn trẻ tên là Nguyễn Tạo, nói giọng xứ Nghệ đến làng Thúy Bông và An Lạc. Chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây thiếu đất sản xuất, đói nghèo cùng cực. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã đặt chân lên nhiều vùng đất của Thái Bình nên ông biết rất rõ vùng đất bãi ven cửa sông Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ ra biển thuộc địa phận huyện Tiền Hải là vùng đất phù sa rộng lớn mênh mông, nhưng ngút ngàn lau sậy hoang hoá. Ông Nguyễn Tạo đã có ý tưởng vận động bà con nông dân đi đến vùng đất mới để lập làng.
Trong giai đoạn lịch sử đó, trong hoàn cảnh nghèo đói của bà con nông dân, chuyện di dân lập ấp của cả làng là một điều hết sức khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là phải tiến hành một cuộc hành trình từ phía Tây Bắc tỉnh Thái Bình (địa bàn giáp ranh tỉnh Hưng Yên) đến cửa sông Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải (phía Đông) của tỉnh là quãng đường dài trên 70km ở thời gian đó là hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khốn cùng, những người nông dân hai làng Thúy Bông và An Lạc đã nghe theo lời khuyên của người thanh niên xứ Nghệ. Làng đã quyết định cử 5 người đàn ông là Trần Tiến Địch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri theo ông Nguyễn Tạo đến thăm dò vùng đất nơi cửa sông Ba Lạt.
|
Nhân dân trong làng đón rước đức thành hoàng Nguyễn Tạo tôn thần về thờ tại chính cung đền làng Thúy Lạc.
|
Giúp dân dựng làng
Tận mắt nhìn thấy một vùng đất bãi bồi màu mỡ, phù hợp với nghề nông và nghề biển, các vị đã trở về họp bàn dân làng, rồi họ quyết định cuộc di dân ra đây khẩn hoang lập ấp. Tuy nhiên, muốn di cư đi nơi khác phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Tạo lại thay mặt dân làng làm đơn từ và các cấp để được họ đồng ý. Hơn chục hộ dân đầu tiên rời làng ra đi và sau đó lần lượt các hộ gia đình khác theo đường bộ hoặc đường sông vượt trên 70 cây số đến cửa sông Ba Lạt, lập nên làng mới: Làng Thúy Lạc (tên ghép hai làng cũ là Thúy Bông và An Lạc ở quê hương).
Sau 5 năm tại làng mới đã có trên 40 hộ dân sinh sống, nhân dân tập trung khẩn hoang trồng lúa và các loại hoa màu khác rất tốt, mở ra những mùa vụ bội thu, cuộc sống nhân dân ngày một thịnh vượng. Trải qua năm tháng, làng mới Thúy Lạc ngày càng đông đúc lên, đến nay đã phát triển thành một làng lớn hơn 400 hộ dân.
Ngày mới lập làng, ông Nguyễn Tạo cùng các vị cao niên trong làng quán xuyến chu toàn mọi việc. Ông Tạo đã làm đơn đề nghị với quan lại chức dịch địa phương hỗ trợ dân làng các điều kiện vật chất như dụng cụ sản xuất, trâu bò kéo... để mở rộng diện tích trồng trọt và công cuộc khẩn hoang. Với kiến thức phong phú của mình, ông đã giúp dân làng vạch phương án xây dựng làng một cách bài bản: Vạch đường đi lối lại cho từng xóm để các hộ theo đó dựng nhà. Ông chọn gò đất cao nhất, bổ nhát cuốc đầu tiên xác định vị trí để dân làng xây dựng một ngôi đình... Khi cuộc sống dần ổn định thì ông lại ra đi xây dựng các cơ sở cách mạng khác theo sự phân công của Đảng.
Phải tìm người "hộ quốc tỳ dân"
Đình làng Thúy Lạc được xây dựng lúc đầu chỉ là tường đất và lợp bằng sợi cói già (lợp bổi). Lúc đầu dân làng tổ chức đưa bài vị Đức thánh Trần Khánh Dư về thờ vọng. Dù vậy, dân làng vẫn canh cánh bên mình là đình làng phải thờ một vị hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) hoặc một vị khai làng dạy dân như tín ngưỡng thờ cúng của người dân Việt Nam. Dân làng hướng về ông Nguyễn Tạo, nhưng không biết bây giờ ông ở đâu, nếu lập bài vị thờ mà ông vẫn sống thì không được.
Nỗi niềm ấy dân làng giao lại cho thế hệ con cháu, phải bằng mọi cách tìm được người có công đầu với làng - ông Nguyễn Tạo. Năm tháng qua đi, rồi đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, rồi qua mấy chục năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, nhiều thế hệ người làng Thúy Lạc vẫn mong chờ ngày gặp lại ông Nguyễn Tạo, vị ân nhân của làng.
Đến một ngày, ông Cao Vĩnh Hải, cố vấn chương trình môi trường và tài nguyên, trong chuyến công tác khảo sát lập quy hoạch vùng biển ngập mặn ở huyện Tiền Hải đến làng. Ông Hải cho biết, ông Nguyễn Tạo là một nhà cách mạng lão thành nay đã mất và được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Được tin, dân làng Thúy Lạc rất mừng, tổ chức họp dân làng và cử người lên Hà Nội để tìm hiểu và xác minh.