Ly kỳ vụ vượt ngục đầu tiên ở Hỏa Lò

Google News

(Kiến Thức) -  Mỗi người nghĩ ra một bệnh hiểm nghèo để buộc địch phải chuyển từ nhà tù Hoả Lò sang nhà thương Phủ Doãn điều trị và dự tính kế hoạch tẩu thoát...

Nguyễn Tạo sinh ra và lớn lên trong một vùng quê giàu tinh thần yêu nước và hiếu học - làng Yên Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1905 trong một gia đình có truyền thống nho học, yêu nước, có nghề thuốc Đông y gia truyền.
Đức bản cảnh Thành hoàng làng
Sau mấy lần tới nghĩa trang Mai Dịch xác định đúng người cần tìm, đối chiếu lại với những gì mà thế hệ ông cha ở làng truyền lại, liên lạc với gia đình ông Nguyễn Tạo, ngày 2/11/2010, dân làng Thuý Lạc họp và thống nhất làm đơn đệ trình với chính quyền xã bày tỏ nguyện vọng suy tôn cụ Nguyễn Tạo là Đức bản cảnh Thành hoàng làng, điện thờ tại đình làng Thuý Lạc xã Nam Phú để tri ân cụ. Chính quyền địa phương tuy không ra văn bản chính thức, nhưng cũng đồng thuận với tâm nguyện của dân.
Ngày 11/8/2011, dân làng cử đoàn đại biểu lên Hà Nội, tại số nhà 125 Lò Đúc, nơi gia đình thờ cụ, thắp hương, rồi xin được thỉnh chân hương, lập bài vị cụ Nguyễn Tạo và rước về đình Thuý Lạc, chính thức thờ cụ. Tấm bia đá đặt trên lưng rùa đá dựng bên cạnh đình Thuý Lạc ghi rõ: “Bia thờ Đức thánh Trần ngài Trần Khánh Dư, làng suy tôn Bộ trưởng Nguyễn Tạo đức bản cảnh Thành Hoàng, các cụ tiên công Trần Tiến địch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri cùng dân làng Thuý Lạc”. Ngày rước chân hương, dân làng tổ chức lễ hội.
Sau gần một thế kỷ, trên mảnh đất cửa sông Ba Lạt, nơi năm xưa ông Nguyễn Tạo là người có công đầu trong quá trình xây dựng, khai phá lập làng mới, Thuý Lạc giờ đây là một làng ven biển trù phú.
Lễ rước chân linh Thành Hoàng làng Nguyễn Tạo. 
Một đời vì nước vì dân
Ông nội của Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn Trọng Tốn, đậu tú tài nho học năm Tự Đức thứ 20 (1867). Khi Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, cụ Tốn đã từ quan và cùng người bạn tâm giao là Phan Đình Phùng tham gia phong trào Cần Vương. Cụ được vua Hàm Nghi phong hàm Tu Vũ và sau đó bị giặc Pháp bắt giam rồi đưa về quê quản thúc.
Thân sinh ông Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn Trọng Tấn đỗ tú tài Hàm lâm đại chiếu năm Giáp Ngọ (1894). Ông không ra làm quan mà quyết học lấy nghề thuốc của gia đình để trị bệnh cứu người và ông được dân gian mệnh danh là “ông tiên thuốc Nam”. Năm 1936, cụ Nguyễn Trọng Tấn và cụ Phó Đức Thành sáng lập ra Hội Đông y Trung Kỳ.
Là người có bản chất thông minh, được cha mẹ cho ăn học, ông Nguyễn Tạo học rất giỏi, thông thạo chữ Nho, tiếng Pháp. Ông cùng người em là Nguyễn Trọng Tám nung nấu ý chí đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân phong kiến và sau này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Ông đem hết tâm trí và sức lực phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng. Ông đã đi khắp vùng Bắc bộ, Trung bộ để xây dựng cơ sở Đảng: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Cuộc vượt ngục thành công
Năm 1931, ông Nguyễn Tạo bị mật thám Pháp bắt tại Hải Phòng và bị chính quyền thực dân kết án 20 năm tù giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà giam Hoả Lò, ông đã cùng nhiều chiến sĩ cách mạng tổ chức xây dựng chi bộ đảng trong nhà tù. Đầu năm 1932, chi bộ Cộng sản trong nhà tù Hoả Lò được thành lập, do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm bí thư. Cuối năm 1932, phong trào cách mạng trong nước dần được phục hồi, nhiều cơ sở Đảng ở các địa phương được xây dựng lại.
Trước tình hình đó, các chiến sĩ cộng sản tại nhà tù Hoả Lò như Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm... đã bí mật bàn kế hoạch vượt ngục. Lúc dự kiến có 10 người vượt ngục, nhưng bất ngờ địch chuyển một số đồng chí sang khu xà lim, trong đó có Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Tuấn Thức... vì vậy các đồng chí đó phải ở lại. Còn nhóm chiến sĩ cách mạng do Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo đã lãnh đạo và quyết tâm vượt ngục.
Thấy nhà tù Hoả Lò khá kiên cố, Nguyễn Tạo đã bàn với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Võ Duy Cương... tính kế vượt ngục bằng cách giả ốm để được ra bệnh viện. Mỗi người nghĩ ra một căn bệnh hiểm nghèo để buộc địch phải chuyển từ nhà tù Hoả Lò sang nhà thương Phủ Doãn điều trị và dự tính kế hoạch tẩu thoát. Còn việc chuẩn bị tiền, thẻ thuế thân, lưỡi cưa sắt được giao cho ông Hào Lịch, một người cộng sản kiên trung quê ở Thái Bình, vốn xuất thân từ một gia đình khá giả giúp cho anh em.
Tại nhà thương Phủ Doãn, sau nhiều ngày cưa sắt, vào đúng đêm Noel (24/12/1934) lợi dụng kẻ địch lơ là canh gác, 7 chiến sĩ cộng sản bẻ song sắt trốn thoát khỏi bệnh viện, vượt tường rào ra phố Quán Sứ. Đây là vụ vượt ngục đầu tiên thành công ở nhà tù Hoả Lò. Vụ vượt ngục đó trở thành nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sau cuộc vượt ngục thành công, ông Nguyễn Tạo lại có thêm biệt danh là Tạo Doãn.
Tuấn Đạt

Bình luận(0)