Chuyện chưa biết về “con rồng vàng” Bắc Hưng Hải

Google News

(Kiến Thức) - Câu cửa miệng mọi người hay nói về vùng đất nơi đây là "sống ngâm da, chết ngâm xương"...

Để xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) chống hạn hán cho ba tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên), năm 1958, Chính phủ nước ta phải huy động hàng vạn người tham gia lao động, cử một phái đoàn ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật...
Nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật
Ông Vũ Văn Phán, Phó Giám đốc Công ty khai thác Công trình thủy lợi BHH cho biết: Xưa kia đồng ruộng nơi đây là bãi phù sa ngập nước quanh năm, được bồi lắng cao dần theo sự hình thành của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Quá trình phát triển xã hội đã đắp đê ngăn thủy tạo thành lưu vực BHH. Trước đây, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên đâu có nguồn nước thì đó có sản xuất. Vì thế, nhiều diện tích đất bỏ hoang. Mùa mưa bão thường xuyên bị vỡ đê ngập lụt, đời sống nhân dân nghèo đói.
Ông Nguyễn Văn Thụy, nguyên Chủ nhiệm thiết kế Công trình thủy lợi BHH kể: Câu cửa miệng mọi người hay nói về vùng đất nơi đây là "sống ngâm da, chết ngâm xương". Với hàng trăm ha đất bỏ hoang, vì thế đời sống người dân rất khó khăn. Ngay sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, năm 1957, Chính phủ đã cho tiến hành nghiên cứu quy hoạch hệ thống thủy lợi. Nhưng cái khó của ta là trình độ kỹ thuật còn thấp, máy móc hỗ trợ xây dựng còn thiếu. Vì thế, Chính phủ nước ta đã cử một phái đoàn sang Trung Quốc để học hỏi.
Cống Âu Thuyền điểm cuối của hệ thống thủy lợi BHH. 
Với tinh thần khảng khái giúp đỡ vô tư của Trung Quốc, hơn một năm tổ chuyên gia Trung Quốc đã cùng cán bộ Việt Nam lập xong quy hoạch hệ thống thủy nông BHH. Tháng 10/1956 trình lên Thủ tướng, ngày 26/3/1958 được Nhà nước quyết định kế hoạch khởi công công trình đầu mối cống Xuân Quan (Bát Tràng, Hà Nội).
Công trường được tổ chức thành ba bộ phận: Một bộ phận làm công trình đầu mối, một bộ phận làm kênh dẫn nước thượng lưu và một bộ phận làm kênh hạ lưu. Khi đó, Nhà nước cử Đại tá Hà Kế Tấn chỉ huy công trường (sau này là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi). Khi đó, công trường thủy lợi BHH thực sự là là ngày hội của người dân. Các tầng lớp nhân dân đều nhiệt tình hăng say lao động. Không chỉ có các tầng lớp nhân dân trong nước, các đoàn chuyên gia Trung Quốc cũng cùng ăn uống ngủ nghỉ với người dân để làm việc.
Công nhân đang vận hành máy móc ở cống Âu Thuyền (TP Hải Dương). 
Huy động hàng vạn người lao động
Ông Đinh Gia Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nhớ lại: Để thực hiện công trình này đầu tiên phải xây dựng cống Xuân Quan. Cống này có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong việc dẫn nước ngoài sông Hồng vào hệ thống. Thời điểm đó có rất ít công cụ cơ giới để làm việc, chỉ có mấy xe tải, một xe cần cẩu, một máy phát điện, máy trộn bê tông và máy bơm dầu phục vụ đổ bê tông. Tất cả các công việc còn lại đều do lao động là thủ công. Lúc cao điểm có trên hai vạn người lao động, trên một mặt bằng kéo dài hơn 3km.
Khi đó phải huy động lực lượng quân đội và các tầng lớp tham gia xây dựng thủy lợi. Nhưng đời sống người dân quá khó khăn. Các tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp đang trong quá trình hình thành. Vì thế, việc huy động dân công nghĩa vụ không ít khó khăn. Người có nhiều ruộng đất hưởng lợi ít, vì không có lao động tương ứng. Nhà có lao động nhưng không có ruộng đất nên không có nhiều quyền lợi. Thế nên có gia đình chống đối, không tham gia lao động. Nhưng nhờ có sự giải thích ân cần của cán bộ, dần họ cũng hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia làm việc.
Nhờ hệ thống thủy lợi BHH mà đã điều tiết cho hàng nghìn ha đất có nguồn nước để sản xuất quanh năm. Năng suất lúa  trong vùng trung bình 7 - 8 tấn/ha, có nơi 10 tấn/ha.
Ông Vũ Văn Phán (Phó Giám đốc Công ty khai thác Công trình thủy lợi BHH)
Đức Lợi

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Văn Luận

Tác giả hơi nhầm lẫn một chút. Cống Xuân Quan là ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chứ đâu phải thuộc Bát Tràng, Hà Nội. Tiện đây cũng xin nói thêm, con đường đi vào làng gốm cổ Bát Tràng trên bờ bắc sông Bắc Hưng Hải là đi trên đất Xuân Quan. Tấm biển chỉ dẫn đường vào làng Bát Tràng và các tấm quảng cáo cỡ lớn đều cắm trên đất Xuân Quan. Các du khách cũng hay bị nhầm lẫn chỗ này.